Ðể đáp ứng nhu cầu đó đòi hỏi tạo được nhiều sân chơi phù hợp mọi đối tượng, lứa tuổi. Hiện nay, công nghệ giải trí khá phong phú như: nghe nhìn, tham gia sinh hoạt văn hóa, thể thao, các sân chơi truyền hình, thi tài, trò chơi điện tử, v.v. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất chật, người đông, tấc đất, tấc vàng, còn thiếu rất nhiều các địa điểm vui chơi, giải trí, nhất là đối với vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và ngay cả các khu công nghiệp. Dư luận xã hội bức xúc đề cập nhiều đến việc trẻ em rất thiếu các điểm vui chơi. Cùng với việc tạo ra sân chơi cũng nảy sinh nhiều vấn đề mà xã hội quan tâm là làm sao giải trí đem lại ích lợi cho con người. Thực tế cho thấy không ít trường hợp giải trí làm hại con người. Trẻ em chơi quá nhiều trò chơi điện tử dẫn đến nghiện, ảnh hưởng xấu tới việc học tập và sức khỏe. Có người mê đánh cờ để rồi từ đó đánh cờ ăn tiền dẫn đến đánh bạc lúc nào không biết. Ka-ra-ô-kê lúc đầu là hình thức giải trí tốt, khuấy động con người tham gia hoạt động ca hát, sau đó nhiều điểm giải trí này lại trở thành ổ tệ nạn xã hội. Các chương trình nghệ thuật cũng tăng cường tính giải trí để lôi cuốn người xem, nhưng vì quan niệm sai về giải trí, trên sân khấu đã xuất hiện những ca sĩ ăn mặc hở hang, phản cảm, nhảy múa, hát hò loạn xạ mà không còn mang tính nghệ thuật... Sân khấu hài kịch nở rộ thời gian qua cũng đem đến tiếng cười cho người xem nhưng sau đó vì quá lạm dụng, câu khách, tiếng cười đó không còn sức lôi cuốn nữa và trở nên nhàm chán, vô bổ, phản cảm bởi khi khai thác những tình huống thô thiển, cử chỉ lời nói dung tục...
Chính vì vậy, cần nhận thức sâu sắc rằng, giải trí phải là liều thuốc bổ ích nhằm nâng cao đời sống tinh thần và hướng thiện cho con người chứ không phải ngược lại. Ðể đạt được mục đích ấy, trước hết các hình thức giải trí phải đánh thức được những rung động, cảm xúc đẹp đẽ trong con người, tuyệt đối không thể khai thác những góc tối, những bản năng vô thức mà con người thường vấp phải, dễ dẫn đến các tệ nạn xã hội. Khi sáng tạo các sân chơi cần có sự tổ chức, quản lý tốt cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Ðặc biệt, sân chơi cho trẻ em nên chú ý đến tính giáo dục, làm sao để các em chơi mà học. Việc sử dụng công nghệ giải trí cần có sự chọn lọc, tránh các trò chơi bạo lực, các trò chơi thiếu lành mạnh, tổn hại tới trí tuệ, tình cảm người tham gia. Bên cạnh đó, quan tâm khai thác nhiều trò chơi dân gian giải trí mang bản sắc văn hóa dân tộc. Các hoạt động giải trí cũng phải luôn luôn gắn chặt với việc xây dựng đời sống tinh thần ở khu dân cư. Trong lúc còn thiếu các điểm vui chơi giải trí, chúng ta cần khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao đang hình thành ở khắp các vùng, miền trong cả nước. Trụ sở, cơ sở vật chất cùng trang thiết bị của hệ thống này sẽ giúp các cơ sở có điều kiện tổ chức vui chơi, giải trí. Hoạt động văn nghệ quần chúng có ý nghĩa lớn trong giải trí, vừa để nhân dân hưởng thụ văn hóa, vừa tạo điều kiện để mọi người sáng tạo văn hóa, làm cho khu dân cư luôn luôn vui tươi, di dưỡng tinh thần cho cộng đồng. Các câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ thể dục-thể thao, câu lạc bộ sở thích... đều là những nơi tạo ra sân chơi bổ ích. Ở vùng núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, việc khai thác vốn nghệ thuật các dân tộc như tổ chức các đêm xòe, các chương trình cồng chiêng, hát then... mang lại những giá trị giải trí lành mạnh.
Giáo dục thẩm mỹ có tác dụng tích cực tới các hoạt động giải trí. Quá trình giáo dục được diễn ra qua các trường lớp và qua trải nghiệm trong cuộc sống. Người có óc thẩm mỹ sẽ sử dụng hợp lý và có ích thời gian rỗi. Có thể tự mình thư giãn, thưởng ngoạn cảnh đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống chung quanh, đồng thời có thể chủ động tham gia các sân chơi với ý thức làm đẹp cho cuộc sống. Óc thẩm mỹ sẽ giúp cho con người lựa chọn các hình thức giải trí bổ ích và tránh được các hình thức giải trí hạ thấp nhân cách con người. Mọi hình thức giải trí sẽ trở nên lành mạnh, có ích khi nó hướng tới mục tiêu chân, thiện, mỹ.