Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo

Tỉnh Bến Tre có tiềm năng lớn để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Hiện, Bến Tre tập trung kêu gọi đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo để tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Nhà máy điện gió ven bờ tại huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) đang vận hành thương mại, bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Nhà máy điện gió ven bờ tại huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) đang vận hành thương mại, bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định phát triển công nghiệp năng lượng là một trong những động lực quan trọng trong tăng trưởng của tỉnh. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã xác định nhiệm vụ triển khai các dự án điện gió và hướng đến xây dựng một ngành năng lượng mới là một trong 11 công trình, dự án trọng điểm để tập trung ưu tiên các nguồn lực hỗ trợ.

Đến thời điểm này, Bến Tre đã có chủ trương đầu tư và tập trung triển khai 19 dự án điện gió với tổng công suất 1.007,7 MW và đã có 9 dự án hoàn tất thi công lắp dựng cơ bản với tổng công suất lắp đặt 365,9 MW. Trong đó, có 250,75 MW đã được phát điện vận hành thương mại; công suất lắp đặt 115,15 MW còn lại, nhà đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý đàm phán giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tỉnh cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương thực hiện dự án “Khu tổ hợp hydro xanh Bến Tre” là dự án thí điểm cho ngành công nghiệp sản xuất hydro tại Việt Nam cùng với các dự án điện mặt trời, điện gió tự sản tự tiêu cung cấp nguồn năng lượng đầu vào cho “Khu tổ hợp Hydro xanh Bến Tre”. Từ tiềm năng sẵn có, sự chuyển dịch năng lượng được Bến Tre xác định là một trong những ngành công nghiệp chủ lực được tỉnh tập trung phát triển trong những năm tới.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết, việc phát triển sản xuất hydrogen tập trung vào các công nghệ bảo đảm không phát thải hoặc phát thải các-bon thấp được coi là hydrogen sạch và được xác định là công nghệ đột phá nhằm đạt được các mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050. Hiện Bến Tre được đánh giá là một trong các địa phương có tiềm năng và cơ hội rất lớn từ năng lượng tái tạo để sản xuất hydrogen xanh. Đây được xem là giải pháp công nghệ bền vững nhưng cần thời gian dài và nguồn vốn lớn để phát triển thị trường.

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, tỉnh Bến Tre có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới rất đa dạng, phong phú như: Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng từ sinh khối, rác thải, hydrogen xanh, ammoniac xanh… Theo Quy hoạch điện 8

và kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bến Tre được quy hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, gồm: Công suất nguồn điện gió trên bờ đến năm 2030 là 1.100 MW; công suất nguồn điện sản xuất từ sinh khối đến năm 2030 là 10 MW; công suất nguồn điện sản xuất từ rác thải đến năm 2030 là 18 MW; công suất nguồn điện mặt trời mái nhà đến năm 2030 là 17 MW; điện gió ngoài khơi cho khu vực Nam Bộ là 1.000 MW…

Mới đây, tại hội nghị về năng lượng mới, năng lượng tái tạo diễn ra ở tỉnh Bến Tre, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh sáng kiến tổ chức hội thảo này, nhất là về hydrogen. Điều này thể hiện tầm nhìn, khát vọng phát triển năng lượng xanh, bền vững, phù hợp xu thế toàn cầu và đây cũng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta.

Dự báo đến năm 2030, nước ta cần phát triển lượng điện gấp đôi hiện nay, đó thật sự là thách thức, áp lực lớn cho ngành điện. Trong khi đó, năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt do sử dụng hàng trăm năm nay và chúng ta ngày càng nhận ra nhiều mặt trái của nó. Tỉnh Bến Tre đang có nhiều dự án điện gió trong bờ, ngoài khơi và đã mạnh dạn tạo môi trường thông thoáng để kêu gọi, trải thảm cho nhà đầu tư năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Đồng thời, tỉnh cũng lắng nghe doanh nghiệp, hoàn thiện hạ tầng pháp lý phát triển kinh tế xanh và thường xuyên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Hy vọng, Bến Tre sẽ sớm trở thành hình mẫu trung tâm năng lượng hydrogen của cả nước…

Tỉnh Bến Tre đang xây dựng cơ chế đầu tư thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính để khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng, hiệu quả đối với các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Tỉnh thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp có dự án năng lượng xanh.

Bến Tre tiếp tục triển khai chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia giai đoạn 2021-2030, trọng tâm là nghiên cứu chế tạo thiết bị năng lượng và ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế, tăng cường kêu gọi đầu tư, xây dựng các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, nhanh chóng tiếp cận và chuyển giao các công nghệ mới, hiện đại về nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… ■