“Đánh vật” với tỉnh lộ 257 ở Bắc Cạn

NDO - NDĐT- Thời gian vừa qua, những ai đi lại trên tuyến đường 257 từ thị xã Bắc Cạn vào huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn) đều rất bức xúc, phải “đánh vật” trên mặt đường trong tình trạng mưa thì sình lầy, nắng thì bụi bay mù mịt do chủ đầu tư và các đơn vị thi công tắc trách.
Đường 257 tại thị xã Bắc Cạn thường xuyên sình lầy, đọng nước.
Đường 257 tại thị xã Bắc Cạn thường xuyên sình lầy, đọng nước.

Tuyến đường 257 là huyết mạch giao thông từ thị xã Bắc Cạn vào huyện Chợ Đồn, lưu lượng người và phương tiện đi lại rất đông. Được khởi công từ cuối năm 2010, theo kế hoạch sẽ được hoàn thành vào năm 2013 theo phương án vừa thi công, vừa khai thác. Tuy nhiên, do thiếu vốn, nhiều gói thầu đã phải “đắp chiếu”, các gói thầu còn lại thi công cầm chừng, tiến độ “rùa bò”, nhưng điều đáng nói là do chủ đầu tư, địa phương có tuyến đường đi qua và các nhà thầu tắc trách nên những ai đi trên tuyến đường này đều rất bức xúc, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nhiều đoạn trên tuyến đường này một bên là núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm, mặt đường lại nhỏ, nhiều hố cống đang thi công dở dang, nhưng chủ đầu tư và các đơn vị thi công không hề có biển báo, đi lại trên tuyến đường này vào ban đêm nếu không chú ý sẽ lao xuống vực bất cứ lúc nào.

Theo quy định, chủ đầu tư và các đơn vị thi công phải thường xuyên bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến, bằng cách khi trời nắng thì phải tưới nước, khi trời mưa phải san gạt mặt bằng, không để đọng nước trên mặt đường đã được đào lên lồi lõm nham nhở. Nhưng để tiết kiệm chi phí, chủ đầu tư thiếu chỉ đạo đôn đốc, các nhà thầu thường xuyên không tưới nước để bụi bẩn mù mịt, sình lầy nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc.

Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Chợ Đồn, Lục Quốc Chu than thở: “Thường xuyên đi về trên tuyến đường này, trời mưa cũng như trời nắng, hôm nào tôi cũng phải mặc áo mưa. Đến cơ quan phải tắm rửa thay quần áo. Đang yên lành thì bới lên rồi bỏ đó, hoặc thi công cầm chừng, tình trạng này thì không biết đến bao giờ tuyến đường mới hoàn thành để không phải “đánh vật” với nó”.

Chị Ma Thị Duyên, nhà ở thị xã Bắc Cạn, làm giáo viên ở xã Phương Viên ngày nào cũng phải đi lại ít nhất là hai lần trên tuyến đường bức xúc: “Sáng vào trường dạy học, chiều lại trở về nhà, lần nào tôi cũng phải bịt mặt, chỉ để hở mỗi đôi mắt, phải mặc quần áo mưa, chúm túi bóng dưới chân, nếu không toàn thân sẽ bị bám một lớp bụi đỏ, đồng nghiệp và học trò không thể nhận ra”. Người dân địa phương cho rằng, trước khi có đường mới rộng hơn, phẳng hơn, đi nhanh hơn, ai cũng chấp nhận vất vả, nhưng để bụi bẩn đến mức mù mịt mỗi khi có ô tô chạy qua, lầy lội khi trời mưa thì ai cũng bức xúc, bất bình. Người dân phàn nàn: “Lãnh đạo đi lại bằng ô-tô có điều hoà nhiệt độ, có phải đi xe máy bao giờ đâu mà biết chia sẻ nỗi khổ của dân chúng tôi”.

Từ trung tâm thị xã Bắc Cạn, tuyến đường này đi qua các khu vực tổ 17, tổ 18, phường Sông Cầu, có Trường Cao đẳng cộng đồng và Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, dân cư đi lại đông đúc, nhưng cũng thường xuyên để xảy ra tình trạng lầy lội. Vào những hôm trời mưa, nhiều giáo viên của hai trường học nêu trên không dám đi xe máy vì bùn ngập lút bánh xe, phải thuê taxi đến trường. Gói thầu số 33 từ trung tâm thị xã Bắc Cạn vào trường Cao đẳng cộng đồng có vốn đầu tư 60 tỷ đồng, khởi công từ đầu năm 2011. Nhưng đến nay còn hơn 20 hộ, toàn bộ cột điện chưa di chuyển nên không thể thi công được rãnh thoát nước. Chỉ một tuyến đường ngắn mà có rất nhiều “nút cổ chai”.

Trúng thầu thi công gói thầu này, Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Hà Nguyễn Thanh Hải giải thích: “Mặc dù không có vốn, chúng tôi ứng ra để thi công nhanh nhằm tạo điều kiện cho việc đi lại của nhân dân, nhưng chủ đầu tư và chính quyền thị xã Bắc Cạn không giải phóng được mặt bằng, nhân dân không cho thi công rãnh thoát nước nên mỗi khi mưa là mặt đường bị ngập. Trong khi đó xe máy, công nhân của chúng tôi phải “nằm” chờ mặt bằng, mỗi ngày phải chi phí hơn 20 triệu đồng mà sót cả ruột”. Nhiều hộ dân hai bên đường đang tranh chấp đất đai, phải di chuyển đến chỗ ở mới nhưng chính quyền thị xã Bắc Cạn không vào cuộc quyết liệt phân xử là đất của ai, bố trí tái định cư nên không giải phóng được mặt bằng.

Khắc phục khó khăn về vốn, tỉnh Bắc Cạn đã làm thủ tục vay vốn tồn ngân từ Kho bạc Trung ương 100 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường này. Kiểm tra tiến độ tuyến đường ngày 31- 5, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Cạn Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải phải họp ngay với các nhà thầu, yêu cầu họ đi thực tế để cảm nhận, chia sẻ với nỗi khổ của nhân dân và có giải pháp khẩn trương đẩy mạnh thi công, bảo đảm an toàn giao thông trên toàn tuyến.