Đánh thức tiềm năng, lợi thế vùng miền núi

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 20 đề ra, bên cạnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách, Quảng Ngãi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chung tay đánh thức tiềm năng, lợi thế vùng miền núi của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Hồ chứa nước Nước Trong (Quảng Ngãi) có lợi thế để phát triển du lịch sinh thái.
Hồ chứa nước Nước Trong (Quảng Ngãi) có lợi thế để phát triển du lịch sinh thái.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi có 61 xã với diện tích tự nhiên chiếm hơn 2/3 diện tích toàn tỉnh. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên, với diện tích đất tự nhiên rộng lớn, vùng miền núi Quảng Ngãi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, công nghiệp về chế biến nông lâm sản; khai thác, chế biến khoáng sản, thủy điện, du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Nhiều tiềm năng

Trà Bồng là một trong bốn vùng quế trọng điểm của cả nước. Ngược dòng lịch sử, cả ngàn năm trước, quế của người Cor ở Trà Bồng đã xuất khẩu theo thuyền buôn đến nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là vùng Trung Đông.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trà Bồng Trần Văn Sương cho biết, toàn huyện hiện có hơn 5.200 ha quế, mỗi năm thu hoạch khoảng 1.600-2.000 tấn vỏ quế. Trong đó, khoảng 70% xuất khẩu làm tinh dầu và đồ thủ công mỹ nghệ. Quế Trà Bồng đã được Tổ chức kỷ lục châu Á công nhận là một trong những đặc sản quà tặng châu Á, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Hiện 17 sản phẩm chiết xuất từ cây quế được tỉnh Quảng Ngãi công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Được ví là "cổng trời" của Quảng Ngãi, núi Cà Đam (huyện Trà Bồng) nằm ở độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình hằng năm từ 21-230C. Nơi đây phù hợp trồng các loại cây dược liệu quý như: Sâm bảy lá một hoa, gừng gió, lan kim tuyến, sa nhân tím, trầm hương, sâm đương quy, thổ phục linh, sâm cau, tam thất, thảo quả.

Huyện ủy Trà Bồng đã ban hành Nghị quyết số 01 về bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu trên địa bàn huyện, trong đó cây gừng gió đã được khoanh vùng với diện tích khoảng 20ha, định hướng phát triển lên 30ha vào năm 2030. Tỉnh Quảng Ngãi cho phép sử dụng địa danh "Trà Bồng" để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu "Gừng gió Trà Bồng".

Miền núi Quảng Ngãi với quỹ đất lâm nghiệp rộng lớn cũng có thể kết hợp chăn nuôi trâu, bò, dê; nguồn thức ăn từ cây lương thực, củ quả rất phong phú. Ở các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, có nhiều vùng đất dọc ven sông rất phù hợp để đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Cùng với du lịch biển đảo, Quảng Ngãi ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư du lịch sinh thái ở khu vực miền núi với nhiều cảnh quan thiên nhiên còn nguyên vẻ hoang sơ, say đắm lòng người. Chẳng hạn như Trường Lũy, một công trình xếp đá và đắp đất được xây dựng từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 từ Quảng Ngãi đến tỉnh Bình Định, trong đó trên địa phận Quảng Ngãi chủ yếu đi qua vùng miền núi của 31 xã thuộc 8 huyện với chiều dài 113km. Trường Lũy được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia.

Hay cao nguyên Bùi Hui, ở huyện Ba Tơ nằm ở độ cao khoảng 700m so với mực nước biển, có nền nhiệt độ mát mẻ. Nơi đây có diện tích sim mọc tự nhiên lớn nhất tỉnh, với khoảng 20ha. Bùi Hui đang là điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch của những người mê phượt.

Thác Trắng ở huyện Minh Long, một trong những thác nước đẹp nhất Quảng Ngãi nơi du khách có thể ngồi trên những tảng đá ngắm trời mây trước khi hòa mình vào dòng nước trong, mát lành. Và hồ chứa nước Nước Trong tại huyện Sơn Tây và Sơn Hà là một trong bốn hồ nước ngọt lớn nhất khu vực miền trung-Tây Nguyên. Lòng hồ có nhiều đảo và có cả suối rất thuận tiện để đầu tư du lịch sinh thái.

Miền núi Quảng Ngãi, nơi giàu bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số H’re, Cor và Cadong với hơn 300 nghệ nhân đang giữ gìn, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo. Đặc biệt, nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Cor ở huyện Trà Bồng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên, với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025, Quảng Ngãi ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn nông nghiệp với du lịch, nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kết nối công nghiệp chế biến với thị trường, từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn kết nông nghiệp với lâm nghiệp nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế-xã hội, giảm nghèo ở khu vực này theo hướng bền vững.

Tỉnh xác định 4 hành lang kinh tế và 6 không gian kinh tế động lực, trong đó, các huyện: Trà Bồng, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ thuộc khu kinh tế rừng xanh, hình thành các trung tâm kinh tế miền cao, hướng tới đột phá kinh tế rừng cho Quảng Ngãi. Một phần của huyện Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ nằm trong hành lang nông nghiệp bền vững.

"Quảng Ngãi cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất; cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các doanh nghiệp đầu tư thành công, bền vững, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị; đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên khẳng định.