Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh trong kết nối liên vùng

NDO -

Sáng 28/10, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tổ chức Hội thảo trực tuyến “Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh - Kết nối liên vùng, phát triển thị trường Việt Lào”.

Hội thảo “Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh - Kết nối liên vùng, phát triển thị trường Việt Lào”thu hút hơn 400 đại biểu trong và ngoài nước tham gia.
Hội thảo “Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh - Kết nối liên vùng, phát triển thị trường Việt Lào”thu hút hơn 400 đại biểu trong và ngoài nước tham gia.

Hà Tĩnh nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, với quy mô dân số gần 1,3 triệu người, có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng: phía bắc giáp Nghệ An, phía nam giáp Quảng Bình, phía tây giáp với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, có khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; phía đông giáp Biển Đông với bờ biển dài 137 km.

Hà Tĩnh nằm ở vị trí trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, là điểm trung chuyển hàng hóa ngắn nhất sang Lào, đông bắc Thái Lan thông qua tuyến hành lang kinh tế đông - tây kết nối với đường hàng hải quốc tế. Từ Vũng Áng đến Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo chỉ 190 km và đến Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) 170 km.

Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh trong kết nối liên vùng -0
Tàu container Tân Cảng vào “ăn” hàng tại Cảng quốc tế Lào - Việt.

Đặc biệt, Hà Tĩnh có nhiều lợi thế về hệ thống cảng biển nước sâu. trong đó cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cảng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tiếp chuyển một phần hàng quá cảnh cho Lào và đông bắc Thái Lan, gồm bến cảng tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng, có khả năng tiếp nhận tàu hàng rời trọng tải đến 300 nghìn tấn, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150 nghìn tấn, tàu tổng hợp và container trọng tải  nghìn tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Cụm cảng này có luồng hàng hải ngắn (cách phao số 0 khoảng 1,7 hải lý) rất thuận lợi trong việc kết nối với các tuyến giao thông hàng hải quốc tế.

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Hà Tĩnh, các sở, ban, ngành; cùng Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn; doanh nghiệp Lào và các khách mời đã chia sẻ thông tin, giới thiệu tiềm năng kết nối hàng hóa liên vùng từ đông bắc Thái Lan, Lào qua cụm cảng Vũng Áng bằng đường biển đến cụm cảng Cái Mép, Lạch Huyện (Hải Phòng) thông thương với các quốc gia trên thế giới.

Khẳng định Hà Tĩnh là điểm đến hấp dẫn với nhiều chính sách thu hút đầu tư, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước hội tụ về đây. Các đại biểu dự hội thảo đã đề xuất những kiến nghị chính sách thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, phát triển các cơ sở và dịch vụ logistics. Với mục tiêu tạo ra được sự đồng thuận và tầm nhìn chung, hướng tới sự kết nối, đồng hành cùng nhau để phát triển các dịch vụ logistics tại Hà Tĩnh cũng như tăng cường luồng hàng hóa quốc tế từ Lào và Thái Lan thông qua cảng Vũng Áng trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 10/4/2021, chuyến tàu container đầu tiên cập Cảng quốc tế Lào - Việt (cảng Vũng Áng) do Công ty cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt và Công ty cổ phần Vận tải biển Tân Cảng (Tân Cảng Shipping) - thành viên thuộc hệ thống Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn hợp tác triển khai, kết nối hàng hóa từ Vũng Áng đến các cảng trung chuyển Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Cái Mép và ngược lại. Tuyến dịch vụ biển đã đưa vào khai thác ổn định, bảo đảm nhu cầu vận chuyển cho các doanh nghiệp trong khu vực, tỉnh Hà Tĩnh và nước bạn Lào.