Đánh thức du lịch hồ Tây

Sau một thời gian dài gặp khó khăn do công tác quản lý chồng chéo, với việc thành phố ban hành quy định về quản lý và khai thác hồ Tây đầu năm 2024, cánh cửa để khai thác, phát triển du lịch hồ Tây đã rộng mở. Song cần làm gì để khai thác hiệu quả tiềm năng hồ Tây một cách bền vững là vấn đề cần được giải quyết thỏa đáng. Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ đang tham khảo ý kiến các chuyên gia để có những giải pháp tối ưu nhất trong khai thác, phát huy giá trị hồ Tây.
0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội đang nỗ lực khai thác giá trị hồ Tây, nhưng vẫn bảo vệ tốt cảnh quan, môi trường.
Hà Nội đang nỗ lực khai thác giá trị hồ Tây, nhưng vẫn bảo vệ tốt cảnh quan, môi trường.

Hồ Tây là không gian mặt nước lớn nhất ở khu vực nội thành Hà Nội. Sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và lịch sử-văn hóa đã khiến đây là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, việc phát huy giá trị hồ Tây gặp khó khăn do cùng lúc có tới tám ngành, địa phương cùng phối hợp quản lý.

Với việc thành phố ban hành Quyết định số 02/2024/QĐ-UBND quy định về quản lý và khai thác hồ Tây, quận Tây Hồ được giao là đầu mối quản lý toàn diện hồ Tây trên các lĩnh vực: Quy hoạch, quản lý, quản lý trật tự xây dựng đô thị; an ninh trật tự, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường; quản lý mặt nước hồ, hạ tầng kỹ thuật chung quanh hồ; các bến thuyền và hoạt động của các phương tiện thủy trên hồ; kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch…

Thành phố cũng quy định rõ những hoạt động kinh doanh dịch vụ được phép triển khai. Có tới 10 loại hình dịch vụ được phép kinh doanh trên hồ Tây như: Vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thuyền, ca-nô, mô-tô nước, xe đạp nước…; dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch, nghệ thuật biểu diễn; bơi thuyền, ca-nô, xe đạp nước, lướt ván; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn…

Với những quy định này, độ mở cho các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch là rất lớn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết: “Việc cho phép 10 loại hình dịch vụ được phép hoạt động ở khu vực hồ Tây là cơ hội thuận lợi để quận Tây Hồ phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí, và cũng là thách thức đối với quận trong công tác quản lý, khai thác. Quận sẽ phải có những định hướng, giải pháp tổng thể phát triển bền vững du lịch hồ Tây trong thời gian tới”.

Đánh giá về khai thác tiềm năng hồ Tây, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn nhận định, Tây Hồ hoàn toàn có thể trở thành quận hàng đầu của Thủ đô về phát triển du lịch. Song hiện nay, sản phẩm du lịch còn rời rạc, kết nối còn hạn chế, giá trị điểm đến còn chưa cao. Quận cần tập trung giải quyết các yếu tố: Định hướng tổng thể; nắm bắt xu thế thị trường; yếu tố nhân lực; vấn đề phát triển sản phẩm; công tác quảng bá; vấn đề môi trường.

Do đó, quận cần tập trung phát triển đa dạng và nâng tầm chất lượng các sản phẩm du lịch; chú trọng kết nối, thúc đẩy đầu tư, cung ứng sản phẩm “đẳng cấp” của quận; phải có giải pháp để khai thác tối ưu mặt nước hồ Tây, tận dụng thành tựu công nghệ để đi tắt đón đầu, nhằm biến hồ Tây thành điểm đến với nhiều giá trị trải nghiệm cho khách du lịch, nhưng vẫn bảo đảm yếu tố môi trường bền vững.

Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Sơn (Trường đại học Kinh tế quốc dân) đề xuất: “Quận Tây Hồ nên mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn, trong đó tổ chức thí điểm cho phép kinh doanh đến 2 giờ sáng; phát triển mô hình không gian đi bộ, không gian ẩm thực đêm, mô hình tổ chức biểu diễn nghệ thuật.

Tây Hồ đã có những sự thay đổi để khai thác tiềm năng kinh tế đêm, nhưng vẫn chưa khai thác hiệu quả không gian hồ Tây, phố Trịnh Công Sơn; chưa hình thành được tổ hợp vui chơi, giải trí... Quận cần tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển, quản lý kinh tế ban đêm; phối hợp các cơ quan trung ương, thành phố để xây dựng chính sách, khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hoạt động kinh tế ban đêm...”.

Về phía cơ quan quản lý, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Nguyễn Kiều Oanh cho rằng, quận Tây Hồ cần đầu tư, nâng cấp chất lượng hệ thống hạ tầng du lịch, hạ tầng đô thị, hệ thống bãi đỗ xe, hỗ trợ hoạt động du lịch, bảo đảm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch; ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và tu bổ, sửa chữa, các di sản, di tích lịch sử văn hóa; xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch…

Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, trách nhiệm của quận Tây Hồ là phát triển du lịch hồ Tây một cách lâu dài và bền vững. Bên cạnh việc tiếp thu những ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các chuyên gia, Bí thư Quận ủy Tây Hồ đề xuất ý tưởng về việc tổ chức Lễ hội hồ Tây như một sản phẩm văn hóa đặc trưng hằng năm để quảng bá hình ảnh Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.