Dành nguồn lực phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Ngày 1/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ về Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quản lý. Việc bàn giao này được kỳ vọng sẽ tạo nhiều điều kiện để nơi đây thật sự trở thành Khu công nghệ cao kiểu mẫu, là hạt nhân công nghệ cao cho cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhìn từ trên cao.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhìn từ trên cao.

Sau 25 năm kể từ khi Thủ tướng ký quyết định thành lập, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 106 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 85.600 tỷ đồng và hơn 702 triệu USD. Bốn trường đại học lớn đã đầu tư, tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. Một số cơ sở nghiên cứu khoa học-công nghệ đã hình thành như: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Trạm điều khiển Vệ tinh nhỏ của Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam; Trung tâm Nghiên cứu phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ của Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao và giám định công nghệ của thành phố Hà Nội…

Khu được xây dựng và phát triển như một đặc khu theo ba giai đoạn, trong đó trọng tâm là sự kết nối giữa khoa học và sản xuất. Ðến nay, Khu đã cơ bản hoàn thành giai đoạn một và bắt đầu quá trình triển khai giai đoạn hai theo đúng kế hoạch. Toàn khu có tổng diện tích quy hoạch gần 1.600 ha chia thành tám phân khu chức năng. Tính đến hết tháng 5/2023, tổng diện tích đã giải phóng mặt bằng là 1.410 ha và đáp ứng được các yêu cầu trong công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư. Tổng diện tích đất đã sử dụng tính đến hết tháng 5/2023 là khoảng 663 ha.

Lưu Hoàng Long, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Tại đây đã thiết lập môi trường chính sách đặc biệt, hoàn thành cơ bản việc xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại, thu hút một số tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến và đã sản xuất các sản phẩm từ công nghệ cao.

Theo ông Lưu Hoàng Long, đến hết năm 2022, Ban Quản lý đã giải ngân hơn 9.885 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương. Ngoài ra, các chủ đầu tư hạ tầng cũng giải ngân khoảng 607 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng các khu chức năng. Trong 106 dự án của nhà đầu tư nêu trên có 60 dự án đang hoạt động góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 lao động có tay nghề.

Trong năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp tại đây đạt khoảng 18.000 tỷ đồng và nộp ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư đã làm chủ được công nghệ lõi, các công nghệ cao có những thành tựu quan trọng, bước đầu lan tỏa và đóng góp vào nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Trong đó, có các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao khác nhau như Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT (FPT Software, Ðại học FPT), Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản)...

Khi được bàn giao, chịu sự quản lý của thành phố Hà Nội, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc mong thành phố bổ sung các cơ chế, chính sách mới, đặc thù, vượt trội cho công tác xây dựng, phát triển và quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Thành phố cần có chế độ đãi ngộ đối với nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia làm việc tại Khu theo Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Nghị định Quy định về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sửa đổi. Bố trí vốn ngân sách địa phương, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài vốn ngân sách trung ương để hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong giai đoạn 2021-2025...

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Ðạt cam kết, sẽ phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội trong quá trình chuyển giao nguyên trạng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Bộ sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, phối hợp thành phố rà soát các cơ chế chính sách vượt trội tạo điều kiện cho các Khu công nghệ cao phát triển.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng, phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vẫn chưa được như kỳ vọng, còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn lực đầu tư, hạ tầng kỹ thuật... Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc chuyển giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các bộ, ban, ngành liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện theo đúng yêu cầu.

Ðinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội

Ðối với dự án khu tái định cư, các khu đất dịch vụ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng của dự án, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp cùng chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án còn khó khăn, vướng mắc về trình tự lập, phê duyệt dự án; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được thành phố phê duyệt liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn hai huyện Thạch Thất, Quốc Oai.

Các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhất là tập trung xử lý dứt điểm giải phóng mặt bằng đối với diện tích 183 ha còn lại. Thành phố sẽ rà soát các dự án giao thông trên địa bàn, cân đối ngân sách, đề xuất các phương án, trong đó ưu tiên giải quyết những nút, tuyến giao thông trọng điểm kết nối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Trao đổi với nhiều nhà đầu tư, đồng chí Ðinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Sau khi nhận bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, thành phố sẽ đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng để khu vực này hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.