Đánh giá cao vị thế và đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc

Trang Geopolitical Monitor, có trụ sở tại Canada, đã đăng bài phân tích toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa họp 76, đồng thời điểm lại những đóng góp của Việt Nam đối với mục tiêu chung của Liên hợp quốc, cũng như những thành tựu phát triển, kinh tế của đất nước trong hàng chục năm qua.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

TTXVN dẫn nguồn trang Geopolitical Monitor cho biết, thông điệp khẩn cấp của LHQ về đại dịch được tất cả các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam nhấn mạnh. Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định “cơn bão” khủng hoảng y tế toàn cầu này đã cản trở đà phát triển, ảnh hưởng đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của thế giới, đặc biệt là ở các nước nhỏ và đang phát triển.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ những nguy cơ toàn cầu nếu không ngăn chặn được Covid-19, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy cách tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với nguồn cung vaccine và thuốc y tế. Bài báo dẫn lời Chủ tịch nước khẳng định: “Để sớm đẩy lùi Covid-19, cần tăng cường hợp tác và đoàn kết trên tinh thần trách nhiệm và sẻ chia, nhất là ưu tiên cung cấp vaccine cho người dân những nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, tạo điều kiện để các nước đang phát triển hợp tác sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng vaccine”.

Theo bài báo, bất chấp tình hình dịch bệnh phức tạp, hình ảnh của Việt Nam đã được nâng cao trong nhiệm kỳ làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, với hai lần giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ luân phiên trong nhiệm kỳ này. Việt Nam cũng được đánh giá cao về năng lực và sự tự tin trong điều phối, trao đổi, đối thoại về các vấn đề quan trọng, cũng như nỗ lực gìn giữ và xây dựng hòa bình.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý: “đại dịch cũng không phải là thách thức lớn nhất và duy nhất đối với chúng ta. Hệ thống quan hệ quốc tế đang bị phân tán, chia rẽ và bất ổn dưới tác động của gia tăng căng thẳng giữa các nước lớn. Chiến tranh đang cướp đi bao sinh mạng vô tội, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên ở nhiều khu vực có nguy cơ bùng phát. Các hành động phớt lờ luật pháp quốc tế, cưỡng ép đơn phương, cản trở các nước thực hiện quyền hợp pháp vẫn diễn ra ở nhiều khu vực”.

Bài báo cho rằng, sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực an ninh quốc tế thể hiện rõ qua vai trò đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017, Cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều Tiên năm 2019. Dù cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump không đạt được giải pháp về giải trừ mối đe dọa hạt nhân toàn cầu, song Hà Nội đã nổi lên như một nhà kiến tạo hòa bình - vị trí thích hợp trong ngoại giao hòa giải.

Trong ba thập kỷ qua, Việt Nam được công nhận là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việc Việt Nam áp dụng thành công cơ chế thị trường đã giúp mang lại thành tích kinh tế ấn tượng. Các quốc gia thành viên LHQ đã hoan nghênh vai trò tích cực của Việt Nam trong việc thúc đẩy các cuộc đấu tranh vì độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của dân tộc. Hành trình vượt bậc của Việt Nam từ một quốc gia thu nhập thấp lên thu nhập trung bình đã giúp hơn 40 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn 1993 - 2014.

Dù trải qua nửa thế kỷ chiến tranh, Việt Nam đã kịp thời ủng hộ các sáng kiến của LHQ, nêu bật các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ trong việc giải quyết các xung đột quốc tế thông qua biện pháp hòa bình. Việt Nam nỗ lực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ vào đầu năm 2014 và quốc kỳ Việt Nam đã tự hào khoe sắc tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ ở Nam Sudan và CH Trung Phi.

Không chỉ vậy, Việt Nam còn nhận thấy sự cấp thiết trong việc hỗ trợ Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Bài báo dẫn lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “điều kiện tiên quyết cho phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch là phải bảo đảm được môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở mỗi quốc gia, khu vực và thế giới”.