Đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam

Với nhan đề "Hợp tác toàn diện hơn 30 năm: Vì sự thịnh vượng và phúc lợi của EU và Việt Nam", bài viết trên báo The Brussels Times của Bỉ nhận định: Việt Nam - một đối tác phát triển của Liên minh châu Âu (EU) ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - đang nổi lên là "ngọn hải đăng" trong khu vực, với khả năng kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kinh tế thế giới đối mặt nguy cơ suy thoái, song Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vẫn đưa ra dự báo tích cực về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

Bài viết nêu rõ, ngày càng nhiều công ty châu Âu xem Việt Nam là một trung tâm đầu tư kinh doanh đầy triển vọng. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, một số nước EU, như Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Ireland và Bỉ, có xu hướng tăng đầu tư vào Việt Nam.

Bài viết cho rằng, hợp tác Việt Nam-EU, nhất là trong lĩnh vực thương mại và phát triển bền vững, đã tạo thuận lợi giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời thúc đẩy hợp tác ứng phó thách thức và khủng hoảng toàn cầu.

Báo La Repubblica của Italia nhận định, Việt Nam sẽ là "con hổ mới" ở châu Á, sau khi WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương mới đây của WB, tăng trưởng kinh tế khu vực trong năm 2022 có thể đạt mức 3,2%.

Trong đó, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế dẫn đầu khu vực, với mức tăng trưởng trong năm 2022 là 7,2%, cao hơn mức 5,3% mà WB dự báo hồi tháng 4. Giới phân tích nhận định, những yếu tố thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế khu vực là các biện pháp hạn chế vì Covid-19 được dỡ bỏ, các quốc gia mở cửa lại biên giới, hoạt động sản xuất và tiêu dùng được khôi phục.