Đảng vững mạnh từ mỗi chi bộ và đảng viên (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 5: Tạo sự đột phá, chuyển biến mạnh mẽ

Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong hệ thống chính trị. Điều này đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị, xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở, có ý nghĩa quan trọng, quyết định thắng lợi mục tiêu, đường lối, chủ trương của Đảng trong thực tiễn cuộc sống.

Ảnh minh họa: Lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng của huyện Chợ Mới, Bắc Kạn. (Ảnh: Báo Bắc Kạn)
Ảnh minh họa: Lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng của huyện Chợ Mới, Bắc Kạn. (Ảnh: Báo Bắc Kạn)

Đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu: “Củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên”; “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân của cán bộ, đảng viên”. 

Tại phiên khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “sau Hội nghị Trung ương lần này chúng ta có bước chuyển biến, tiến bộ mới, thực chất, mạnh mẽ, hiệu quả, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng ta theo đúng tinh thần tư tưởng của Lênin “Thà ít mà tốt”; “những đảng viên hữu danh vô thực thì cho không chúng ta cũng không cần!”.

Năng động, sáng tạo, sâu sát thực tế

Nâng cao năng lực cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sâu sát cơ sở để ban hành các chương trình, kế hoạch hoạt động, giải pháp phù hợp thực tiễn là yêu cầu xuyên suốt đối với các tổ chức cơ sở đảng. Năng lực lãnh đạo, chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên có ý nghĩa quyết định đối với hoạt động của hệ thống chính trị và sự phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương, đơn vị. Việc ban hành và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, bảo đảm nguyên tắc của Đảng, đồng thời gắn với thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị. 

Qua khảo sát thực tế cho thấy, những địa phương có tổ chức cơ sở đảng, cán bộ cấp ủy năng động, sâu sát cơ sở, am hiểu tình hình thực tiễn, lựa chọn đúng những vấn đề “sát sườn”, những “điểm nghẽn”, đều ban hành các nghị quyết ngắn gọn, rõ ràng, dễ triển khai thành chương trình công tác cụ thể, tránh tình trạng “sao chép” hay “mô phỏng” nghị quyết của cấp ủy cấp trên. Khi cấp ủy phân công, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cấp ủy viên, thường xuyên kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm để có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, các nghị quyết đều được triển khai hiệu quả, trở thành thực tiễn sinh động.

Bắc Kạn là địa phương có cách làm sáng tạo trong thực hiện chủ trương “xóa thôn, bản trắng đảng viên”. Bắt đầu thực hiện từ năm 2010, sau 10 năm, Bắc Kạn không còn thôn nào “trắng” đảng viên. Đảng bộ tỉnh có 1.280 chi bộ thôn, trong đó có 1.253 chi bộ thôn sinh hoạt độc lập và 27 chi bộ thôn sinh hoạt ghép. 

Theo đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn, có được kết quả này là do khi thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, đề án của Trung ương, Tỉnh ủy xem xét, đánh giá kỹ tình hình thực tế địa phương. Đầu nhiệm kỳ và hằng năm, các cấp ủy xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác phát triển đảng viên gắn với thực hiện chia tách chi bộ thôn sinh hoạt ghép, sắp xếp các đơn vị hành chính, giải thể chi bộ xã, phường, thị trấn; đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với kiểm điểm việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nội dung sinh hoạt chi bộ coi trọng việc đề xuất các giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị; chú trọng phát triển đảng viên đồng thời rà soát, sàng lọc, đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng. 

Khi giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên, chia tách chi bộ thôn sinh hoạt ghép cả giai đoạn cho các đảng bộ trực thuộc, Tỉnh ủy đề ra các giải pháp thiết thực, cụ thể, rõ người, rõ việc, trong đó chú trọng tạo nguồn phát triển đảng viên ở những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, không có tình trạng giao nhiệm vụ chung chung hay chỉ nêu tên đầu việc.

Năng động, sáng tạo trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên đặt ra yêu cầu cao hơn đối với đội ngũ cấp ủy viên. Thực hiện phương châm “cấp ủy cấp tỉnh nắm đến tổ chức cơ sở đảng; cấp ủy cấp huyện nắm đến chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; đảng viên ở cơ sở nắm đến hộ gia đình”, thời gian qua, Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy đã phân công từng đồng chí tỉnh ủy viên tham dự sinh hoạt ở cơ sở; định kỳ hoặc đột xuất đồng chí bí thư cấp ủy cấp trên trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với đảng viên, nhân dân; giao ban giữa bí thư chi bộ với đảng ủy cơ sở… 

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng cấp ủy viên không xác định rõ nhiệm vụ chính với các nhiệm vụ kiêm nhiệm khác; việc giám sát thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy còn bị buông lỏng. Theo PGS,TS Nguyễn Trọng Phúc, có nhiều vấn đề phát sinh tại các địa phương, đơn vị cần sự dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở và vai trò của tổ chức cơ sở đảng. Với những quan điểm mới về khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo trong Văn kiện Đại hội XIII và gần đây là Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị, những việc khó, việc mới ở cơ sở sẽ thực sự là môi trường để cán bộ cơ sở cống hiến, trưởng thành, góp phần phát huy vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở đảng. 

Coi trọng nêu gương, gắn với xây dựng hệ thống chính trị

Xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên là công việc liên quan đến tổ chức, con người, cần sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Xây dựng đội ngũ đảng viên là cốt lõi của việc xây dựng tổ chức, quyết định kết quả việc thực hiện mục tiêu, đường lối, chủ trương của Đảng. Tại cơ sở, đảng viên và đội ngũ cán bộ cấp ủy chính là “gương soi” của quần chúng nhân dân. 

Trong nhiệm kỳ vừa qua, nhiều đảng bộ tỉnh, thành phố đã cụ thể hóa các quy định về nêu gương của Trung ương phù hợp nhiệm vụ chính trị từng địa phương. Thành ủy Hà Nội tập trung tạo chuyển biến về đạo đức công vụ, tinh thần thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp của cán bộ, đảng viên. Tỉnh ủy Hưng Yên chú trọng nâng cao trách nhiệm trong công tác, chống thái độ vô cảm với nhân dân. Hằng năm, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu cấp ủy các cấp ở Quảng Trị thực hiện cam kết “giao việc, đặt hàng” gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, tạo hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. 

Cùng với việc ban hành các quy định cụ thể về nêu gương, các cấp ủy đảng ở tỉnh Lâm Đồng hằng năm đều có thống kê số lượng cán bộ, đảng viên chưa thực hiện tốt việc nêu gương (từ năm 2019 đến nay, có 1.008 cán bộ, đảng viên chưa thực hiện nghiêm túc các nội dung nêu gương). 

Thực tiễn tại nhiều địa phương, đơn vị thời gian qua, những nơi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu không giữ được vai trò nêu gương, lạm quyền, lợi dụng quyền lực, sai phạm về trách nhiệm quản lý thì các tổ chức đảng ở đó gần như bị “vô hiệu hóa”, “lơ là” nguyên tắc tập trung dân chủ, “tê liệt” sức chiến đấu. Tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh khi có đội ngũ cấp ủy viên, người đứng đầu cấp ủy cơ sở thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc tổ chức thực hiện của chính quyền, thể hiện rõ ràng, sắc nét vai trò lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của cấp ủy. 

Để đáp ứng yêu cầu này, đội ngũ cấp ủy viên, người đứng đầu cấp ủy cơ sở phải có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, được đảng viên, quần chúng tín nhiệm. Các cấp ủy viên, người đứng đầu địa phương, đơn vị và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có trách nhiệm thường xuyên chăm lo chỉ đạo xây dựng chi bộ, đảng bộ cơ sở nơi mình đang sinh hoạt, đồng thời, phải liên đới chịu trách nhiệm khi tổ chức đảng ở đó yếu kém.

Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở là thước đo năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng. Khi tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính trị được lãnh đạo toàn diện cả về mặt thể chế, tổ chức, phương thức hoạt động và kiểm soát quyền lực. Tổ chức cơ sở đảng thực hiện tốt vai trò lãnh đạo toàn diện, đặc biệt ở việc tổ chức thực thi đường lối, hệ thống chính trị hoạt động đồng bộ, góp phần vào việc vận hành tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. 

Là địa phương ở Tây Nguyên, Lâm Đồng đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo hệ thống chính trị, tập hợp quần chúng ở cơ sở. Theo đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, để bảo đảm xây dựng đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, Tỉnh ủy chú trọng giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó chú trọng việc xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, quyền, trách nhiệm của người đứng đầu và mối quan hệ giữa tập thể cấp ủy, tổ chức đảng với người đứng đầu. 

Từ năm 2012, Quận ủy Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) thực hiện hoạt động “Đối thoại với cơ sở”, với mục tiêu phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của các đảng viên ở cơ sở đóng góp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Quận ủy, giúp Ban Thường vụ Quận ủy kịp thời khắc phục hạn chế, phát huy ưu điểm, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo thực hiện nghị quyết, nắm bắt và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của cấp ủy cơ sở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và những vấn đề bức xúc trong nhân dân. Ban Thường vụ Quận ủy thành lập ban chỉ đạo, tổ chuyên viên giúp việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. 

Vào quý III hằng năm, Ban Thường vụ Quận ủy tổ chức gặp mặt, đối thoại trực tiếp với cán bộ cơ sở. Các ý kiến cán bộ cơ sở đều được Ban Thường vụ Quận ủy trả lời trực tiếp, sau đó, các ban, ngành có văn bản trả lời những vấn đề cụ thể, chuyên sâu. Hoạt động này góp phần tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị của quận, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Ban Thường vụ Quận ủy, các cấp ủy đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ. 

Những năm qua, chủ trương đối thoại trực tiếp giữa cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và cán bộ cơ sở được thực hiện tại nhiều địa phương, vừa nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, vừa tạo diễn đàn để cán bộ cơ sở kịp thời giải quyết những vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là giải pháp tạo sự đồng thuận trong giải quyết những vấn đề nảy sinh từ cơ sở, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sức mạnh to lớn của Đảng là nhờ kết hợp sức mạnh của mỗi chi bộ và sức mạnh của từng đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”. 

Phẩm chất, năng lực và trình độ của mỗi đảng viên là yếu tố quan trọng khẳng định vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng đối với xã hội. Thực hiện các giải pháp tạo sự đột phá, chuyển biến mạnh mẽ để Đảng vững mạnh từ mỗi chi bộ và đảng viên góp phần quan trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Khi Đảng trong sạch, vững mạnh từ mỗi chi bộ và đảng viên sẽ bảo đảm năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị, sức chiến đấu và sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 4/5/2022.

Bài 1: Phát huy vai trò hạt nhân chính trị

Bài 2: Cấp ủy tinh gọn, có năng lực lãnh đạo sáng tạo

Bài 3: Chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng đảng viên

Bài 4: Hướng về cơ sở, dựa vào nhân dân