Bài 1: Phát huy vai trò hạt nhân chính trị
Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, có vai trò quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng. Quán triệt quan điểm này, các cấp ủy đảng đã tập trung kiện toàn tổ chức, củng cố, tạo chuyển biến chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng. Sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức cơ sở đảng khắc phục mọi biểu hiện lệch lạc, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở một cách vững chắc, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu.
Từ sau khi Ban Chấp hành Trung ương khóa X ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2/2/2008 về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên", Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có 119 nghị quyết, chỉ thị, kết luận về các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ này. Từ năm 2004 đến nay, Ban Bí thư đã ban hành, sửa đổi, bổ sung hơn 30 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của từng loại hình cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn; lực lượng vũ trang; cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã và ở ngoài nước. Đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Ban Bí thư tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành một số quy định về chức năng, nhiệm vụ một số loại hình đảng bộ, chi bộ cơ sở hoạt động ở nước ngoài, trong doanh nghiệp nhà nước, trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống, trong các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước; quy chế phối hợp công tác giữa đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với cấp ủy địa phương...
Sắp xếp tinh gọn, hoàn thiện mô hình
Đến ngày 31/12/2020, toàn Đảng có gần 52 nghìn tổ chức cơ sở đảng với hơn 5,2 triệu đảng viên. Cùng với quá trình phát triển của đất nước, số lượng, mô hình tổ chức cơ sở đảng tiếp tục được sắp xếp, hoàn thiện, điều chỉnh về quy mô, hình thức tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động phù hợp yêu cầu nhiệm vụ. Từ năm 2016 đến 2020, tổ chức cơ sở đảng ở khu vực xã, phường, thị trấn tăng thêm 423 tổ chức, giải thể 871 tổ chức; khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 1.831 tổ chức; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 122 tổ chức; các đơn vị thành lập mới, hợp nhất, sáp nhập đã sắp xếp, củng cố 5.721 tổ chức cơ sở đảng, giải thể 10.836 tổ chức. So với năm 2010, số lượng tổ chức cơ sở đảng đã giảm 3.920 tổ chức.
Lào Cai là tỉnh miền núi biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ nghèo cao. Đã có thời gian khá dài, tổ chức cơ sở đảng mỏng và yếu, toàn tỉnh có 26% thôn, bản "trắng" đảng viên; 44% chi bộ thôn, bản là chi bộ ghép, chất lượng cấp ủy, đảng viên nhiều hạn chế. Đây là lực cản lớn trong quá trình đưa nghị quyết của đảng vào cuộc sống. Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án để chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng gắn với phát triển đảng viên; coi trọng đổi mới, sáng tạo trong xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, chi bộ thôn, bản khu vực nông thôn, nhất là địa bàn biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh ủy chỉ đạo thu gọn các tổ chức cơ sở đảng thành bốn loại hình chủ yếu, cùng với thực hiện giải pháp đổi mới việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, phân công nhiệm vụ cấp ủy viên hướng mạnh về cơ sở. Cấp ủy viên cấp trên chỉ đạo, trực tiếp dự sinh hoạt với chi bộ ở cơ sở để lắng nghe ý kiến của đảng viên, quần chúng, nhất là ở những xã, thôn, bản khó khăn. Quá trình này bảo đảm các cấp ủy kịp thời có chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ ở từng cấp sát với thực tế những vấn đề đang đặt ra ở cơ sở. Tại huyện Si Ma Cai, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công các ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện dự sinh hoạt tại các chi bộ cơ sở. Từ thực tế, Huyện ủy đã chọn giải pháp để khẳng định vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở đảng là tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. "Chỉ khi đoàn viên, thanh niên có việc làm, thu nhập ổn định ở quê hương thì họ mới không có tư tưởng đi làm xa; đời sống người dân được cải thiện thì họ mới thấy rõ vai trò của tổ chức đảng và đảng viên", Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai, Hoàng Văn Dương chia sẻ. Đây cũng là phương thức để đảng bộ, chi bộ cơ sở khẳng định năng lực lãnh đạo, tạo môi trường để quần chúng ưu tú rèn luyện, phấn đấu. Đến nay, huyện Si Ma Cai có gần 2.400 đảng viên. Năm 2021, toàn huyện kết nạp 125 đảng viên, đạt 103% chỉ tiêu. Bằng các giải pháp tinh gọn đầu mối, rõ nhiệm vụ, tổ chức cơ sở đảng ở Lào Cai đã thật sự là những "đầu kéo" trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đảng bộ tỉnh Lào Cai hiện có 50.946 đảng viên, tăng hơn 39.000 đảng viên so với năm 1991; mỗi năm kết nạp bình quân hơn 2.000 đảng viên; 100% số thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã có chi bộ độc lập.
Để kiện toàn, sắp xếp tinh gọn, phát huy vai trò hạt nhân chính trị của chi bộ cơ sở, Tỉnh ủy Quảng Bình có chuyên đề lãnh đạo xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình tổ chức cơ sở đảng; ban hành hướng dẫn xây dựng mô hình tổ chức đảng "Năm tốt, Bốn không". Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của các loại hình chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn. Tỉnh Hà Tĩnh là địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp, sáp nhập lớn thứ 2 cả nước. Tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ này của giai đoạn 2019-2021, từ 80 đơn vị hành chính cấp xã sắp xếp hình thành 34 đơn vị hành chính cấp xã mới. Đây cũng là quá trình kiện toàn các cấp ủy, các loại hình chi bộ, tổ chức cơ sở đảng. Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy giải quyết kịp thời các vấn đề về sinh hoạt Đảng, nhân sự, tạo nguồn bí thư chi bộ. Bằng nhiều giải pháp, các cấp ủy, chi bộ, đảng bộ ở các xã sau sáp nhập đã giữ nghiêm chế độ nguyên tắc sinh hoạt đảng, mở rộng dân chủ đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương và phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cấp ủy viên.
Năm 2020, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu chỉ đạo các cấp ủy tập trung kiện toàn, sắp xếp tổ chức cơ sở đảng phù hợp mô hình mới của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức dưới phường, xã, thị trấn, nhất là những tổ chức cơ sở đảng không có chính quyền cùng cấp, tổ chức cơ sở đảng trong các loại hình doanh nghiệp. Đảng bộ các Khu chế xuất-Khu công nghiệp thành phố gồm có 19 chi bộ, tổ chức cơ sở đảng tiến hành sắp xếp theo chỉ đạo của Thành ủy. Bí thư Đảng ủy Khu chế xuất-khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Hứa Quốc Hưng cho biết, do có nhiều loại hình chi bộ, tổ chức cơ sở đảng, việc sắp xếp này sẽ góp phần tinh gọn đầu mối tổ chức đảng trực thuộc, bảo đảm sự thống nhất về tổ chức giữa chính quyền, đảng, đoàn thể chính trị-xã hội của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... gắn với từng bước khẳng định vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp.
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động
Quá trình tổ chức cơ sở đảng khắc phục hạn chế, từng bước khẳng định vị trí, vai trò, nâng cao năng lực lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị góp phần xây dựng địa phương, cơ quan, đơn vị vững mạnh. Trong lĩnh vực này, thực tế ghi nhận sự chuyển động mạnh mẽ ở các đảng bộ tỉnh, thành phố trong cả nước. Cấp ủy các cấp đã luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt các loại hình chi bộ, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cấp ủy viên với mục tiêu tổ chức cơ sở đảng thể hiện rõ vị trí, vai trò, kịp thời lãnh đạo, truyền tải, đưa những chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Đảng bộ các tỉnh: Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nam, Yên Bái, Hòa Bình đã ban hành quy chế quy định cấp ủy viên các cấp, cán bộ khối đảng, đoàn thể luân phiên dự sinh hoạt chi bộ cơ quan, thôn, xóm, tổ dân phố gắn với việc tham mưu đề xuất các vấn đề tại cơ sở. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam, Đinh Thị Lụa, đây là giải pháp đã thật sự phát huy hiệu quả đối với cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng. Tỉnh ủy Hà Giang có đề án cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số trong thủ tục, quy trình về công tác tổ chức đảng, đảng viên và tổ chức cán bộ. Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai triển khai dự án ứng dụng kết quả đề tài nghiên cứu khoa học nâng cao chất lượng lãnh đạo chính trị của các tổ chức cơ sở đảng đặc thù, tổ chức đảng trong doanh nghiệp.
Trong bối cảnh tình hình mới, nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, ngày 28/12/2021, Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 847-NQ/QUTW về phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Theo nghị quyết này, từng chi bộ, tổ chức cơ sở đảng trong toàn quân tiếp tục quán triệt, giáo dục rèn luyện, để cán bộ, đảng viên và quần chúng ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, làm tỏa sáng hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ", đồng thời kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.
Đối với Đảng bộ Công an, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Công an nêu những yêu cầu trong đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phương thức hoạt động của tổ chức cơ sở đảng; đó là tăng cường cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên nêu cao trách nhiệm, tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, ý thức chấp hành điều lệnh. Cấp ủy, người đứng đầu Công an các cấp phải thật sự gương mẫu, nêu gương, phát huy vai trò quản lý, kiểm tra giám sát ở chi bộ.
Thành phố Đà Nẵng có 1.200 chi bộ khu dân cư. Thành ủy luôn coi trọng việc kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ bí thư chi bộ, bảo đảm cấp ủy, chi bộ khu dân cư nắm vững và tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng. Từng tổ chức cơ sở đảng có giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với thực hiện hiệu quả nghị quyết, chỉ thị của cấp trên. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, Lương Nguyễn Minh Triết trao đổi, thực tế trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và quá trình thực hiện "mục tiêu kép", chi bộ khu dân cư, đội ngũ bí thư chi bộ đã tiên phong, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch; lãnh đạo, chỉ đạo các ban điều hành khu dân cư, Tổ phòng, chống Covid cộng đồng, tạo nên những "pháo đài" trong phòng, chống dịch. Mới đây, Thành ủy có hội nghị thông tin chuyên đề và gặp mặt 1.200 bí thư chi bộ. Từ diễn đàn này, có nhiều vấn đề đặt ra trong đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhiều giải pháp, bài học kinh nghiệm đã được trao đổi, ghi nhận và triển khai tới các tổ chức cơ sở đảng.
Cụ thể hóa mục tiêu nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, việc đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng hằng năm được các cấp ủy đảng coi trọng hơn, kết quả kiểm điểm ngày càng thực chất hơn, với quy trình chặt chẽ, tiêu chí cụ thể. Năm 2020, toàn đảng có 51.259 tổ chức cơ sở đảng được đánh giá, xếp loại, trong đó, có 19,78% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (thấp hơn 36,6% so với năm 2016). Một số việc làm đã trở thành nền nếp của cấp ủy các cấp như gợi ý kiểm điểm, thành lập đoàn công tác, phân công cấp ủy viên dự, theo dõi việc kiểm điểm và quá trình thực hiện các biện pháp khắc phục khuyết điểm đối với cấp ủy cấp dưới có vấn đề cần quan tâm. Nhiều điểm sáng ở các địa phương, đơn vị khẳng định các tổ chức cơ sở đảng đã thật sự phát huy vai trò hạt nhân chính trị, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân và chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng đã có sự chuyển biến thật sự rõ nét, thiết thực.
(Còn nữa)