Quảng Ninh xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân

Những năm gần đây, Quảng Ninh liên tiếp dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR Index). Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) được người dân và doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá rất cao. Kết quả này minh chứng cho sự thống nhất, đoàn kết, tư duy đột phá trong quản lý, điều hành của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công huyện Bình Liêu hướng dẫn người dân làm thủ tục.
Cán bộ Trung tâm Hành chính công huyện Bình Liêu hướng dẫn người dân làm thủ tục.

Bài học từ công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Quảng Ninh cho thấy, yếu tố quan trọng là sự đồng thuận, đồng lòng của các cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ. Nếu không có sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của cấp ủy đảng, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn tỉnh thì khó thực hiện tốt những mục tiêu đề ra. Lề lối, tác phong của cán bộ trong thực thi công vụ là một nội dung được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo. Tỉnh Quảng Ninh đã có chỉ thị về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Theo đó, các cấp ủy đảng phát huy vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể chính trị đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên liên quan công tác CCHC; xây dựng cơ chế, chính sách bồi dưỡng đối với những vị trí công tác vất vả; khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích tốt. Từ đó, nhiều địa phương, đơn vị đã có sáng kiến phát huy tinh thần vì nhân dân phục vụ của cán bộ.
 
 Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hành chính công huyện Bình Liêu Lại Thị Huyền cho biết, để người dân xóa bỏ tâm lý e ngại khi đến cơ quan công quyền, Trung tâm quán triệt đến từng cán bộ phải có thái độ phục vụ nhiệt tình, tạo tâm lý thân thiện, hỗ trợ người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), Hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ thông tin trong đăng ký thủ tục. Trung tâm khuyến khích người dân chia sẻ, góp ý và ý kiến được phản hồi trên trang fanpage của Trung tâm 24/7.
 
 Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu trong việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương khá chuyên nghiệp, bài bản. Thông qua đó đã “truyền lửa” cải cách từ cấp tỉnh xuống các sở, ban, ngành và địa phương; các địa phương lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của công tác CCHC. Ông Nguyễn Văn Chung ở phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả chia sẻ: “tôi phấn khởi khi UBND phường triển khai bộ phận một cửa, với đội ngũ cán bộ tận tình hỗ trợ người dân. Nhiều khi hồ sơ của chúng tôi cần thẩm định và phê duyệt nhanh còn được cán bộ gửi giúp qua dịch vụ công trực tuyến, không phải mất công đi lại, tiết kiệm thời gian”.
 
 Có thể thấy, người dân và doanh nghiệp ngày càng cảm nhận rõ hơn những thay đổi tích cực trong cách thức tiếp cận, cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh. Với mục tiêu “Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hoạt động”, Quảng Ninh đã thật sự đặt người dân làm chủ thể trong triển khai các hoạt động. Xác định cái gì có lợi cho dân thì cố gắng làm, tỉnh Quảng Ninh khẳng định vẫn còn nhiều dư địa để CCHC phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn. Do đó tỉnh tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ. Để hiện thực hóa quyết tâm, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tập trung thực hiện cải cách quyết liệt TTHC; thực hiện có hiệu quả nguyên tắc “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện; cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã. Đến nay, trung bình các TTHC đưa vào Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã được cắt giảm 45% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương; 74% số TTHC được giải quyết theo quy trình “5 tại chỗ” ở cấp tỉnh và 90 đến 100% ở cấp huyện.
 
 Để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tăng tỷ lệ người dùng. Hiện, trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Quảng Ninh đã cung ứng 1.552 TTHC mức độ 3, mức độ 4 (đạt 92,99%), trong đó có 625 TTHC mức độ 4 (đạt 36%); hơn 70% số người dân, doanh nghiệp trong tỉnh sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử... Thời gian giải quyết TTHC được rút ngắn, tạo sự thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, người dân. Nhờ đó, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức tiếp tục có sự cải thiện đáng kể, đạt 99,7% ở cấp tỉnh và 99,9% ở cấp huyện. Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nguyễn Hải Vân khẳng định: “Chúng tôi xác định cải cách là không ngừng đổi mới, nhất là trong cải cách TTHC, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời bám sát quy trình thực hiện năm bước giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm để tạo thuận lợi nhất và cắt giảm chi phí đi lại cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, chúng tôi cũng thực hiện hiệu quả hoạt động hỗ trợ như hỗ trợ thông qua hệ thống tổng đài, gửi tin nhắn SMS sau khi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, tương tác qua các trang fanpage của trung tâm đối với những thắc mắc về TTHC”.
 
 Những nỗ lực của Quảng Ninh trong tháo gỡ vướng mắc TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh và cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa ổn định kinh tế - xã hội, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ do dịch Covid-19, nhưng người dân và doanh nghiệp đặt niềm tin và sự kỳ vọng cao vào tỉnh. Đây vừa là nguồn lực, động lực cũng là áp lực để thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện chính quyền địa phương liêm chính, phục vụ, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh cải tiến phương thức làm việc, thích ứng với tình hình, khẩn trương giải quyết, xử lý có hiệu quả công việc; tuyệt đối không để lỡ hẹn với người dân và doanh nghiệp.
 
 Tỉnh ủy Quảng Ninh nhận định việc tạo niềm tin cho người dân cốt lõi phải từ yếu tố con người, trong đó đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh phải ngày càng gần dân, sát dân, trọng dân và có thái độ, tinh thần phục vụ vì nhân dân. Vì vậy, thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các khâu trong công tác cán bộ, hoàn thành xây dựng vị trí việc làm, nâng cao chất lượng về mọi mặt của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đồng thời tỉnh tiến hành rà soát, bổ sung quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện đổi mới, sáng tạo, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân.