Đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều tổ chức, cá nhân cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội, nhưng tình trạng lợi dụng những vụ việc được dư luận quan tâm để đưa ra thông tin sai sự thật, giật gân trên các trang cá nhân, hội, nhóm vẫn diễn ra làm nhiễu loạn thông tin, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
“Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” được phát hành theo hình thức sách in, sách điện tử. (Ảnh ANH VĂN)
“Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” được phát hành theo hình thức sách in, sách điện tử. (Ảnh ANH VĂN)

Có thể kể ra một số nguyên nhân, như: các tiện ích trên mạng xã hội ngày càng mở rộng, đa dạng, phong phú, tốc độ lan truyền thông tin nhanh, cơ chế không cần xác thực thông tin cho nên thuận lợi cho hoạt động tán phát thông tin giả, sai sự thật trên không gian mạng. Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước đối với các nền tảng xuyên biên giới như Meta, Google, YouTube... còn hạn chế.

Các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới chưa chấp hành đầy đủ các yêu cầu của cơ quan chức năng trong cung cấp thông tin đối tượng, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Công tác quản lý các trang thông tin điện tử cá nhân còn hạn chế, khó kiểm soát, nhiều đối tượng sử dụng tài khoản mạng xã hội ảo, sim rác để hoạt động phát tán thông tin.

Ngoài ra, hệ thống pháp luật về bảo đảm an ninh mạng chưa hoàn chỉnh, gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm. Việc xây dựng chính sách, pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng đang chịu nhiều tác động từ nước ngoài. Một số quy định của pháp luật đã được ban hành, có hiệu lực, nhưng việc triển khai thực hiện còn khó khăn.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, cần huy động cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng; phát huy vị trí, vai trò, hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 các cấp.

Tiếp tục quán triệt, thống nhất nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác truyền thông, thông tin trên không gian mạng; làm tốt công tác bảo vệ an ninh nội bộ, ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, không để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá trên mạng.

Nhanh chóng đổi mới về hình thức, phương pháp, cách thức triển khai để phát huy vai trò chủ động, định hướng của báo chí, phương tiện truyền thông chính thống trong nước. Thể chế hóa, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động truyền thông đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới yêu cầu phải thượng tôn, chấp hành nghiêm luật pháp Việt Nam.

Phối hợp chặt chẽ, thực hiện các yêu cầu của cơ quan chức năng trong ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc, sai sự thật trên không gian mạng. Làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động triển khai các mặt công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn, xóa bỏ thông tin xấu độc, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. Phát huy vai trò của các tổ chức và cá nhân, nhất là những người điều hành các hội, nhóm đông đảo trên không gian mạng trong dẫn dắt định hướng thông tin chính thống.

Từ năm 2019 đến nay, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp các đơn vị chức năng trong và ngoài ngành triệt phá, xử lý hơn 2.000 vụ đăng tải, phát tán thông tin xấu độc, tin giả, sai sự thật gây hoang mang dư luận, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Gần đây, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã triệu tập, đấu tranh, xử lý năm đối tượng thành viên các nhóm zalo có hoạt động phát tán thông tin tiêu cực liên quan đến vấn đề trái phiếu, bảo hiểm Ngân hàng SCB, vấn đề bất động sản, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế.

Theo Luật sư Nguyễn Xuân Sang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc các cá nhân đăng tải, phát tán những thông tin giả, tin sai sự thật lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Để xử phạt đối với hành vi này, các cơ quan chức năng có thể căn cứ Nghị định số 15/2020/NÐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Bộ luật Hình sự; Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, để hạn chế vi phạm, cần tăng mức xử phạt hành chính cũng như mức phạt tù đối với những người cố tình vi phạm.