Dáng nước, hồn quê - những câu chuyện kể từ cổ vật

Ngày càng có nhiều cá nhân sở hữu những cổ vật giá trị, trong đó, có cả những Bảo vật quốc gia. Trong khi không ít người cất giữ bí mật, thì ông Nguyễn Thế Hồng lại lập ra Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng ở thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh để giới thiệu hơn 2.000 hiện vật đặc sắc, giá trị với cộng đồng. Ðó là thành quả hơn 20 năm ngược xuôi nam-bắc sưu tầm cổ vật và cả những chuyến xuất ngoại hồi hương cổ vật đang lưu lạc đưa về Tổ quốc. Nhờ tâm huyết của ông mà Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng trở thành điểm đến của nhiều nhà nghiên cứu cũng như nhiều người yêu văn hóa truyền thống.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Thế Hồng giới thiệu với du khách Tranh thêu chỉ vàng thời Nguyễn trưng bày trong Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng.
Ông Nguyễn Thế Hồng giới thiệu với du khách Tranh thêu chỉ vàng thời Nguyễn trưng bày trong Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng.

Có thể ví hơn 2.000 cổ vật ở Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng như một bức tranh thu nhỏ về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật của dân tộc. Trong hàng nghìn cổ vật tại đây, có hai cổ vật giá trị nhất, trong đó một cổ vật tiêu biểu cho buổi đầu dựng nước của dân tộc - chiếc Thạp đồng thời Ðông Sơn được công nhận là Bảo vật quốc gia, một cổ vật đại diện cho triều đại quân chủ cuối cùng của nước ta - chiếc ấn Hoàng đế chi bảo triều Nguyễn.

Vàng son một thuở

Bước vào không gian của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, người ta không khỏi choáng ngợp bởi những cổ vật lộng lẫy vàng son. Tại gian phòng được thiết kế theo lối truyền thống, những hoành phi, câu đối, hương án, ngai thờ… được dát vàng mười. Nhưng tất cả dường như chỉ làm nền cho chiếc ấn thuộc hàng bảo vật: Ấn Hoàng đế chi bảo.

Ðây chính là bảo vật truyền quốc được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Ðại. Hoàng đế của bất cứ triều đại quân chủ nào cũng có những chiếc ấn, dùng trong những công việc khác nhau. Với triều Nguyễn, Hoàng đế chi bảo là chiếc ấn quan trọng nhất, được dùng trong các sự kiện trọng đại của đất nước như truyền ngôi, đối nội, đối ngoại và sắc phong cho các quan.

Ðã mấy tháng kể từ khi “rước” bảo vật từ Pháp về, mỗi lần nói đến ấn Hoàng đế chi bảo là một lần ông Nguyễn Thế Hồng rưng rưng xúc động. Xúc động, bởi vì mới hơn một năm trước, ngay cả khi nằm mơ ông cũng không nghĩ mình có thể hồi hương được chiếc ấn quý giá này. Bởi đây là chiếc ấn không chỉ gắn với quyền lực vương triều Nguyễn một thuở, thể hiện những đặc sắc của văn hóa Việt mà còn gắn với lịch sử Cách mạng nước ta, khi nước nhà giành được độc lập từ tay chế độ thực dân, phong kiến.

Dáng nước, hồn quê - những câu chuyện kể từ cổ vật ảnh 1

Thạp đồng thời Ðông Sơn được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Ông Nguyễn Thế Hồng chia sẻ: “Ngay khi biết Nhà đấu giá Millon (Pháp) tổ chức đấu giá ấn Hoàng đế chi bảo, tôi đã mất ăn, mất ngủ suy nghĩ, liệu mình có cơ hội hồi hương ấn báu hay không. Bởi chiếc ấn này có lịch sử đặc biệt, không chỉ gắn với triều Nguyễn mà còn gắn với sự mở đầu của thời đại Hồ Chí Minh ngày nay. Chắc mọi người đều biết rằng, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 30/8/1945 tại Ngọ môn, kinh thành Huế lúc bấy giờ, vua Bảo Ðại bàn giao cho Trưởng phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Trần Huy Liệu tiếp quản ấn, kiếm trong Lễ thoái vị để đưa ra Hà Nội.

Chiếc ấn được bàn giao hôm ấy chính là ấn Hoàng đế chi bảo. Việc bàn giao ấn, kiếm thể hiện sự kết thúc một triều đại, mở ra một thời đại mới. Sau này, chiếc ấn lưu lạc ra nước ngoài. Tháng 11/2022, tôi và vợ đã bay sang Pháp để dự đấu giá. Tuy nhiên, do thấy khó có thể đấu giá thành công, tôi mới tìm cách nộp các chi phí để hoãn phiên đấu giá, đồng thời, liên lạc với các cơ quan nhà nước để tìm cách đưa chiếc ấn đặc biệt này về Việt Nam”.

Với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau nhiều lần thương thảo kéo dài trong suốt hơn một năm trời, đến ngày 18/11/2023, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” mới chính thức được ông Hồng rước về. Ðây là một việc làm vô cùng ý nghĩa, khẳng định sự trân trọng với những hiện vật lịch sử của cá nhân ông Hồng nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Trong bộ sưu tập đồ sộ các loại cổ vật trải qua các thời kỳ lịch sử của ông Hồng, có hai cổ vật có giá trị đặc biệt nhất. Cổ vật đầu tiên chính là ấn Hoàng đế chi bảo, cổ vật thứ hai là Thạp đồng thuộc văn hóa Ðông Sơn. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Thạp đồng văn hóa Ðông Sơn của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng là Bảo vật quốc gia. Chiếc Thạp đồng này có niên đại cách ngày nay từ 2.200-2.300 năm (thế kỷ III - II trước Công nguyên). Ðây là chiếc Thạp hiếm hoi còn nguyên vẹn các phần, gồm cả nắp, thân và phần quai.

Theo Hội đồng Di sản quốc gia, một trong những điểm độc đáo của Thạp đồng văn hóa Ðông Sơn tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng là hoa văn động vật trên các băng trang trí.

Trong số này, tại băng thứ 21 có đàn 14 con thú nối đuôi nhau chạy ngược chiều kim đồng hồ, được đúc trong tư thế vận động, tạo cho người xem cảm giác đàn thú đang chuyển động. Ðó là nghệ thuật thể hiện động trong tĩnh, được nghệ nhân đúc đồng thời Ðông Sơn vận dụng vô cùng hiệu quả và đến nay đây là chiếc Thạp đồng Ðông Sơn duy nhất ở nước ta có trang trí băng hoa văn này.

Ngoài những hiện vật nêu trên, ông Nguyễn Thế Hồng còn có bộ sưu tập trống đồng biểu tượng thiêng liêng cho văn minh, văn hóa dân tộc Việt Nam với hơn 40 chiếc đầy đủ kích thước và chủng loại từ Heger I cho đến Heger IV. Bộ sưu tập gốm men ngọc và men trắng - dòng gốm tiêu biểu nhất của thời Lý, đặc biệt là nhóm hiện vật bát đĩa men trắng đồ ngự dụng Hoàng thành Thăng Long, là những hiện vật rất giá trị và còn nguyên vẹn. Các hiện vật này đang được phân loại thành những bộ sưu tập, trưng bày tại các không gian riêng, được các nhà sưu tập đến tham quan, giao lưu đánh giá cao.

Dáng nước, hồn quê - những câu chuyện kể từ cổ vật ảnh 2

Không gian trưng bày kim ấn Hoàng đế Chi bảo.

Để các cổ vật không ‘‘ngủ yên’’

Ông Nguyễn Thế Hồng hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh, nhưng với tình yêu và hiểu biết về văn hóa, ông còn được bầu là Chủ tịch Hội sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc. Nhìn cách ông chăm sóc từng cổ vật mới thấy tình yêu với di sản trong ông lớn đến mức nào. Mỗi cổ vật với ông đều là những câu chuyện, câu chuyện được kể từ quá khứ, câu chuyện về nhân duyên khiến ông “thỉnh” được về.

Với ông, mỗi cổ vật không chỉ là kết tinh những tinh hoa văn hóa của mỗi thời đại, mà cổ vật còn như có linh hồn. Việc chơi, sưu tầm cổ vật là giữ gìn di sản văn hóa. Ngoài yếu tố mấu chốt về khả năng tài chính, niềm đam mê, thì người chơi cổ vật rất cần có duyên. Dường như ngay cả khi có điều kiện tài chính, nhưng thiếu đi cái tâm, thì chưa chắc đã mua được những món đồ quý.

Từ một doanh nhân trở thành một “kỳ nhân” trong làng cổ vật là cả một quãng đường dài. Ông tự mày mò học hỏi, đồng thời, nhờ đến các chuyên gia hướng dẫn, thẩm định khi gặp những món cổ vật quý. Ðể có được không gian bảo tàng như hôm nay, ông cũng phải nhờ đến các chuyên gia bảo tàng, mỹ thuật, lịch sử, khảo cổ học thẩm định, góp ý để bài trí hiện vật sao cho hợp lý nhất, để các món đồ trong cùng không gian có sự liên kết với nhau.

Ông Hồng cho biết thêm, từ ngày hồi hương ấn Hoàng đế chi bảo, ông bận rộn hơn với việc… tiếp khách. Nhưng điều đó chính là mong muốn, là khát vọng của ông ngay từ những ngày đầu “tập tành” sưu tầm cổ vật. Từ khi tập trung vào sưu tầm, ông đã nghĩ sẽ không giữ những giá trị di sản cho riêng mình. Do đó, ông làm hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh xin lập bảo tàng tư nhân.

Năm 2017, Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng ra đời phục vụ nghiên cứu, sưu tầm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam và thế giới; tổ chức trưng bày giới thiệu các bộ sưu tập, tài liệu có giá trị tiêu biểu trong và ngoài nước phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của nhân dân. Ðây là bảo tàng tư nhân đầu tiên và cũng là duy nhất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến thời điểm hiện tại.

Dáng nước, hồn quê - những câu chuyện kể từ cổ vật ảnh 3

Không gian trưng bày kim ấn Hoàng đế Chi bảo.

Hiện bảo tàng mới chỉ đón các nhà nghiên cứu, sưu tầm đến tham quan, khảo cứu và mở cửa đón du khách theo từng thời điểm. Nhưng đó đã là nỗ lực lớn của nhà sưu tập Nguyễn Thế Hồng trong việc đưa giá trị di sản đến cộng đồng. Là một du khách đến thăm bảo tàng, chị Phạm Thanh Huyền, ở quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội cho biết: Tôi thật sự choáng ngợp trước hàng nghìn cổ vật được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng. Những hiện vật giúp tôi xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử đất nước từ thuở sơ khai đến hết thời nhà Nguyễn để thấy tự hào và thêm yêu Tổ quốc mình.

Trong kho tàng di sản văn hóa của bất cứ quốc gia, dân tộc nào, những hiện vật từ quá khứ chính là thông điệp của người xưa gửi tới hôm nay và mai sau. Sự góp mặt của các bảo tàng tư nhân đã mở ra xu thế mới, tạo nên sự đa dạng cho hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa nghệ thuật và qua đó góp phần hạn chế tình trạng “chảy máu” cổ vật.

Tuy nhiên, để mở được một bảo tàng tư nhân và thu hút khách tham quan không phải là việc dễ dàng, khi ít nhất, bảo tàng phải đáp ứng được hai tiêu chí địa điểm phù hợp với điểm du lịch và nội dung trưng bày hấp dẫn. Chính vì vậy, một trong những hướng đi hiện nay của các bảo tàng tư nhân là hợp tác với các bảo tàng công lập thực hiện các hoạt động chuyên môn, liên kết với cơ quan chức năng ngành giáo dục, du lịch nhằm phát huy các giá trị di sản và phát triển du lịch.

Ðây cũng là hướng đi mà các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh phối hợp Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng đang triển khai. Ông Nguyễn Văn Ðáp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh khẳng định, trong hệ thống bảo tàng của Bắc Ninh, Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng là bảo tàng ngoài công lập lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm.

Ðể phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa đang tiềm ẩn trong nhân dân khi Bắc Ninh có nhiều tư nhân sở hữu nhiều hiện vật quý, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ để các nhà sưu tập có thể thành lập thêm những bảo tàng tư nhân mới, ở các lĩnh vực khác nhau.

Bên cạnh Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, gia đình ông Nguyễn Thế Hồng đang triển khai xây dựng một Khu du lịch văn hóa tại thành phố Từ Sơn trưng bày triển lãm các cổ vật tiêu biểu để mở cửa đón khách tham quan. Tin rằng, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cùng niềm đam mê cháy bỏng với cổ vật của ông Hồng, những hiện vật quý trong bảo tàng tư nhân sẽ ‘‘thức dậy’’ để tiếp tục kể về những câu chuyện lịch sử, văn hóa mang dáng nước, hồn quê tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.