Dân vùng tái định cư ở Cà Mau còn có nơi chưa an cư, lạc nghiệp

NDO - Để ổn định nơi ăn chốn ở và cuộc sống của cư dân vùng ven biển, tỉnh Cà Mau xúc tiến xây dựng nhiều khu dân cư để bố trí, sắp xếp dân cư. Phần đông phát huy hiệu quả, nhưng vẫn còn vài nơi có chung tình cảnh người dân chưa an cư, lạc nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Điểm dân cư Vàm kênh Lung Ranh đầu tư đồng bộ và bố trí đủ 130 nền cho dân nhưng hơn 45% số hộ đã đi nơi khác làm ăn.
Điểm dân cư Vàm kênh Lung Ranh đầu tư đồng bộ và bố trí đủ 130 nền cho dân nhưng hơn 45% số hộ đã đi nơi khác làm ăn.

Chiều 29/11, theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, từ năm 2009 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, Cà Mau triển khai đầu tư xây dựng được 11 Dự án cụm dân cư, tổng vốn đầu tư hơn 391 tỷ đồng.

Nhờ đó mà đến nay, Cà Mau đã sắp xếp, di dời, bố trí được gần 1.680 hộ dân tại các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai và khu vực vùng phòng hộ vào các khu tái định cư cất nhà ở ổn định sinh sống. Trong năm 2022 này, Cà Mau sẽ bố trí thêm 530 hộ ở vùng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu vào sinh sống ổn định tại các khu tái định cư đã hoàn thành.

Theo đánh giá của ngành chức năng Cà Mau, hầu hết các khu định cư đã hoàn thành được đầu tư hạ tầng đồng bộ, bước đầu giúp người dân ổn định cuộc sống, giảm nhẹ rủi ro khi có thiên tai. Tuy nhiên, vẫn còn một số khu định cư có dân vào sinh sống nhưng chưa chịu cất nhà, hoặc cất nhà nhưng sau một thời gian thì bỏ đi nơi khác sinh sống.

Điển hình như Dự án dân cư vàm kênh Hương Mai (ấp 7, xã Khánh Tiến, huyện U Minh), xây dựng từ năm 2012, quy mô 14ha, tổng vốn đầu tư hơn 16,7 tỷ đồng. Từ khi hoàn thành cho đến nay, chính quyền địa phương đã bố trí tái định cư được hết quy mô công suất nền (240 nền) nhưng chỉ có 121 hộ dân cất nhà, tỷ lệ khoảng 50,4%.

Gần đó là điểm dân cư Vàm kênh Lung Ranh (xã Khánh Hội, huyện U Minh), quy mô 9,5ha, tổng vốn đầu tư được phê duyệt hơn 50 tỷ đồng. Sau khi đầu tư hoàn thành các hạng mục công trình theo dự án, chủ đầu tư đã phân lô, cắm mốc 130 nền, bàn giao công trình cho chính quyền địa phương quản lý để sắp xếp dân cư. Dù đã bố trí tái định cư đủ toàn bộ 130 nền cho dân vào ở nhưng đến nay, điểm dân cư nêu chỉ có 71/130 hộ đã cất nhà và đang cư trú (chiếm 54,6%), 59/130 hộ còn lại (chiếm 45,4%) chỉ cất nhà tạm giữ đất nhưng không ở, bỏ đi nơi khác làm ăn.

Tại hội thảo giám định Dự án đầu tư xây dựng công trình khu tái định cư rừng phòng hộ biển Tây và Dự án sắp xếp dân cư khu sạt lở ven biển Đông tổ chức sáng 29/11, theo đánh giá từ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cà Mau, phần lớn các dự án định cư ven biển Cà Mau điểm chung là sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương, thời gian kéo dài nên bị dàn trải. Vì lẽ đó, nhiều hạng mục đầu tư bị kéo dài thời gian thực hiện, đến khi hoàn thành thì dễ bị xuống cấp, hư hỏng, chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế.

Cùng với đó, phần lớn các khu dân cư ven biển ở xa vị trí trung tâm thương mại-dịch vụ hoặc công nghiệp…, nên hạn chế cơ hội chuyển đổi sinh kế để tạo thu nhập. Trong khi đó, người dân vào sinh sống chỉ được cấp đất nền định cư, không được cấp đất sản xuất nên phụ thuộc chủ yếu vào nghề khai thác ven biển bấp bênh, thu nhập thiếu ổn định. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân chưa mặn mà khi vào an cư tại các khu dân cư ven biển, hoặc vào nhưng được thời gian thì tìm nơi khác sinh nhai.