Dân vùng ngọt Cà Mau “khát” nước ngọt

NDO -

NDĐT - “Tâm hạn” ở Cà Mau đã và đang gây ra nhiều bất ổn, không chỉ đối với sản xuất mà còn đe dọa đời sống, sinh hoạt của người dân, đặc biệt là nước phục vụ sinh hoạt, ăn uống…

Ao đìa trữ nước ngọt ở miệt rừng Cà Mau khô cạn vì hạn hán.
Ao đìa trữ nước ngọt ở miệt rừng Cà Mau khô cạn vì hạn hán.

Hơn 20 nghìn hộ “khát nước”

Rà soát mới đây từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau cho thấy, đến giữa tháng 2 vừa qua, toàn tỉnh đã có thêm gần 17 nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, nâng tổng số thiếu nước sinh hoạt toàn tỉnh lên hơn 20.500 hộ.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt tập trung hầu hết ở vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau và được phân thành bốn nhóm: Đối tượng ở khu vực gần công trình cấp nước nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng (nhóm 1) với 6.061 hộ; đối tượng đang sử dụng hệ thống nước nối mạng bị xuống cấp, không đủ nước cung cấp (nhóm 2) với 6.203 hộ; đối tượng ở khu vực dân cư thưa thớt, phân tán (nhóm 3) với 4.188 hộ và nhóm 4 là đối tượng ở khu dân cư tập trung nhưng chưa có công trình cấp nước, với 4.090 hộ.

Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) là một trong những địa phương khó khăn về nước sinh hoạt phục vụ cho người dân, đặc biệt là địa bàn ấp 1 của xã. Ông Bùi Chí Ngạn, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Dù đa phần người dân đã sử dụng nước nối mạng nhưng khối lượng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu. Để bảo đảm đủ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, người dân ở đây phải chia cử lấy nước, tức một số hộ này sử dụng thì một số hộ khác phải tạm ngưng”.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) tỉnh Cà Mau, nước sạch vùng nông thôn liên quan đến sức khỏe người dân nên thời gian qua được các cấp chính quyền trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đến nay Cà Mau đã đầu tư được 240 công trình cấp nước phục vụ người dân vùng nông thôn, góp phần giúp tỉnh nâng tỷ lệ cư dân vùng nông thôn có nước hợp vệ sinh sử dụng trong sinh hoạt lên hơn 90,56%. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiện vẫn còn một bộ phận cư dân vùng nông thôn “khát nước”, trong đó có việc thiếu kinh phí xây dựng trạm cấp nước hoặc do điều kiện địa chất vùng đó chưa khoan được giếng nước ngầm, hoặc có khoan nhưng nước ngầm bị nhiễm phèn-mặn, không bảo đảm sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống.

Dân vùng ngọt Cà Mau “khát” nước ngọt ảnh 1

Nhà nông vùng ngọt Cà Mau dùng lu, khạp chứa nước mưa nhưng “chữa cháy” trong mùa khô hạn.

Ứng phó trước tình trạng “khát nước” trong mùa khô hạn gay gắt như hiện nay, sau khi tiến hành khảo sát thực tế, phân loại theo từng nhóm đối tượng, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đề xuất UBND tỉnh thực hiện một số giải pháp cấp bách: Ưu tiên mở rộng tuyến ống các công trình cấp nước hiện có để cấp nước cho các đối tượng thuộc nhóm 1. Giải pháp này được xem là giảm nhẹ chi phí so với đầu tư hệ thống mới nhưng vẫn phát huy hiệu quả công trình.

Đối với nhóm 2, tỉnh ưu tiên nâng cấp, đấu nối, hòa mạng các công trình nhỏ lại với nhau nhằm khai thác tối đa mô hình cấp nước tập trung quy mô liên xã, liên huyện. Với các đối tượng thuộc nhóm 3, cơ quan chức năng đầu tư vốn khoan giếng tập trung và hỗ trợ dụng cụ trữ nước. Trong khi đó, giải pháp sau cùng với đối tượng thuộc nhóm 4 là sẽ xúc tiến xây dựng mới công trình cấp nước tập trung.

Chớ để người dân “khát nước”

Chiều 17-2, trao đổi với phóng viên quanh câu chuyện “khát nước” tại địa phương, ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: Các giải pháp nêu trên chỉ mang tính tạm thời bởi hiện tại, nước sử dụng trong sinh hoạt cho người dân Cà Mau chủ yếu được khai thác từ giếng ngầm dưới lòng đất.

Ông Triều lý giải, Cà Mau là tỉnh duy nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mê Kông. Do đó, sản xuất của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước ngọt mùa mưa. Đó cũng là lý do mỗi khi vào cao điểm mùa khô hạn, tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và nước phục vụ sinh hoạt của người dân lại diễn ra, kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sản xuất, giao thương hàng hóa và đời sống dân sinh.

Dân vùng ngọt Cà Mau “khát” nước ngọt ảnh 2

Nhiều nơi ở miệt rừng huyện U Minh (Cà Mau) khoan giếng nước ngầm nhưng không dùng được vì phèn-mặn.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của địa phương trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ cấu lại thời vụ và giống cây trồng vật nuôi phù hợp trong điều kiện hạn hán ngày càng diễn biến phức tạp theo từng năm…, về lâu dài, ông Lê Thanh Triều đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét cho triển khai xây dựng hồ chứa nước ngọt ở khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ. Khi có hồ đủ lớn, Cà Mau sẽ có thêm nguồn nước đấu nối vào hệ thống nước nối mạng cung cấp cho dân sử dụng, vừa có thêm nguồn nước phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng vào mùa khô.

Song hành với đó, ông Triều đề xuất xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau nhằm bổ sung cho vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp (54.480 ha), vùng U Minh Hạ (154.414 ha) và vùng nam Cà Mau (203 nghìn ha). “Khi có thêm nguồn nước ngọt dẫn về, Cà Mau không chỉ khai thác được nước mặt phục vụ nước sinh hoạt cho người dân, mà còn phục vụ nước tưới tiêu cho sản xuất hệ ngọt rộng lớn hơn 400 nghìn ha. Khi đó, tình trạng “khát nước” trong sản xuất và sinh hoạt của người dân Cà Mau mới không tái diễn”, ông Lê Thanh Triều chia sẻ.

Để ứng phó, giảm thiệt hại, bảo đảm không để người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2019-2020, ngày 13-2 vừa qua, Bộ trưởng NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất một số giải pháp.

Đối với vấn đề nước sử dụng trong sinh hoạt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề xuất: Khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt, kéo dài đường ống từ các nhà máy nước tập trung; kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước; đầu tư vòi công cộng, bồn nhựa, túi nhựa dẻo lớn đặt tại UBND xã, nhà văn hóa... để cung cấp nước cho người dân. Chuẩn bị phương án huy động các xe bồn lưu động chở nước ngọt cho khoảng 40 nghìn hộ dân sống phân tán tại các tỉnh: Kiên Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau, Trà Vinh.

Cùng với đó là việc lắp đặt hệ thống lọc nước mặn, nước lợ (thiết bị RO) tại tỉnh Bến Tre, Trà Vinh. Xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung (Cà Mau 30 công trình, Sóc Trăng ba công trình, Kiên Giang năm công trình). Mở rộng, kéo dài tuyến ống cấp nước cho các hộ dân khu vực lân cận (Long An mở rộng cho 32.350 hộ dân, Kiên Giang mở rộng cho 7.880 hộ dân...). Xây dựng các hồ trữ nước ngọt từ hệ thống sông, kênh cụt (Trà Vinh, Long An, Bến Tre, Hậu Giang)…