Dán quảng cáo, vẽ bậy gây mất mỹ quan đô thị

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Hà Nội triển khai nhiều hoạt động chỉnh trang đô thị, góp phần xây dựng các tuyến phố văn minh, sạch đẹp. Tuy nhiên, trên nhiều tuyến đường, nhiều khu vực công cộng vẫn diễn ra tình trạng vẽ bậy, bôi bẩn, dán quảng cáo lên các bức tường, cột điện, thậm chí là cửa cuốn của nhà người dân gây mất mỹ quan đô thị, bức xúc trong dư luận. Để giải quyết tình trạng này đòi hỏi các ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hình vẽ gây mất mỹ quan tại đê Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội).
Nhiều hình vẽ gây mất mỹ quan tại đê Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội).

Ngay từ đầu năm 2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ra Chỉ thị số 27-CT/TU về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô và một số ngày lễ, kỷ niệm quan trọng trong năm.

Cùng với đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, trong đó có nội dung quan trọng là tăng cường các hoạt động chỉnh trang đô thị, làm đẹp các tuyến phố, con đường, khu vực công cộng.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, các cấp, các ngành và từng người dân đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm xây dựng cảnh quan của thành phố văn minh, sạch đẹp. Tuy nhiên, trên nhiều tuyến đường, khu vực công cộng vẫn diễn ra tình trạng vẽ bậy, bôi bẩn, dán quảng cáo ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Những hình ảnh phản cảm, những hình vẽ lem luốc trên nhiều bức tường, khu vực công cộng, thậm chí được vẽ luôn lên cửa cuốn của nhà dân dọc các tuyến đường Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ (quận Tây Hồ). Những hình vẽ bằng sơn xịt còn xuất hiện tràn lan ở các công trình công cộng như: Bốt điện, nhà vệ sinh công cộng, gầm cầu, thậm chí trên những mảng tường ngay sát với công trình nghệ thuật Con đường gốm sứ của Hà Nội.

Chị Nguyễn Thị M, đang sinh sống tại khu vực đường Âu Cơ phản ánh, người dân đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền có biện pháp xử lý những bất cập nêu trên nhưng đến nay tình trạng này vẫn diễn ra.

Còn tại những khu vực xa trung tâm thành phố, tình trạng vẽ tranh, dán quảng cáo không đúng quy định diễn ra phổ biến hơn. Mặc dù các cấp chính quyền cơ sở đã tăng cường tuyên truyền, kiểm tra xử lý, thậm chí tổ chức các đợt tổng vệ sinh nhằm xóa bỏ những hình vẽ, quảng cáo gây mất mỹ quan nhưng chỉ thời gian ngắn sau tình trạng nêu trên lại tái diễn.

Nhiều người dân sinh sống tại khu vực phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho biết rất khó chịu vì những người vẽ bậy trên các bức tường dọc tuyến đường đê. Chính quyền sở tại và người dân nhiều lần xóa bỏ những hình vẽ gây mất mỹ quan nói trên nhưng chỉ vài ngày sau, chúng lại xuất hiện.

Để xử lý hiệu quả tình trạng nêu trên, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng tuyến phố văn minh sạch đẹp, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vẽ bậy, dán quảng cáo không đúng quy định.

Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định, hành vi phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ một đến hai triệu đồng và buộc khôi phục tình trạng ban đầu.

Nếu hành vi phun sơn, vẽ bậy lên tường nhà người khác, các công trình công cộng khiến tài sản của cá nhân, tổ chức bị hư hỏng thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người vi phạm bên cạnh việc bị phạt tiền có thể bị xử lý hình sự với hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến phạt tù 10 năm tùy mức độ vi phạm.