Đó là những kết quả tại Hội thảo công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV - thực trạng và giải pháp, diễn ra tại tỉnh An Giang ngày 6-7, do Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia phối hợp BCĐ 389 Bộ NN&PTNT và BCĐ 389 tỉnh An Giang tổ chức.
Đại diện BCĐ 389 quốc gia của 26 tỉnh, thành phố khu vực phía nam, cùng các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất phân bón và thuốc BVTV trong khu vực đã tham dự.
“Vỏ” ngoại, “ruột” Hà Nội, Hải Phòng…
Theo đánh giá của các đại biểu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ được mua bán tràn lan tại các địa bàn trọng điểm về trồng trọt nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng đến nguồn nước, đất trồng trọt, gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại lớn cho nông dân, các doanh nghiệp chân chính. Hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại phân bón vô cơ, hữu cơ vô cùng phức tạp. Tuy dán nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài, nhưng thực chất chỉ là các sản phẩm phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, được sản xuất hoặc đóng gói tại nhiều nơi trong nước không đủ điều kiện theo quy định như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang... Còn thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ nước ngoài, xen lẫn với thuốc kém chất lượng tràn lan trên thị trường.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, những cơ sở này lợi dụng quy định của pháp luật về các chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón kém chất lượng; trộn thêm tạp chất như: bột đá, đất sét... để tăng khối lượng các sản phẩm phân bón; đăng ký sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau để khi có sản phẩm bị phát hiện sẽ thay thế bằng loại khác hoặc ghi nhãn hiệu, thành phần, địa chỉ trên bao bì mập mờ; sản xuất một lô duy nhất với số lượng nhất định bán cho một doanh nghiệp, đại lý kinh doanh; ký hợp đồng bán phân bón cho các đơn vị đầu tư để cung ứng trực tiếp cho người sử dụng phân bón, không đưa ra lưu thông trên thị trường; bán phân bón cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh nhưng lại thỏa thuận ký hợp đồng gửi kho nhằm trốn thuế Nhà nước và tiêu thụ sản phẩm phân bón kém chất lượng…
“Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, lối tắt, sông suối mùa khô cạn và mối quan hệ thân tộc của cư dân trên tuyến biên giới phía bắc để vận chuyển trái phép thuốc BVTV qua biên giới; lợi dụng quy định về kiểm định chất lượng hàng hóa của các cơ quan chức năng để sản xuất phân bón kém chất lượng. Các đối tượng này còn lợi dụng nhận thức, hiểu biết hạn chế, tâm lý ham hàng hóa giá rẻ của số người nông dân ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi để quảng cáo, đưa ra các hình thức khuyến mãi hấp dẫn (trích khấu, cho nợ gối đầu), nhằm buôn bán phân bón thuốc BVTV giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sức khỏe nhân dân”, ông Phạm Tiến Dũng, Thanh tra Bộ NN&PTNT nói.
Theo số liệu của Cục BVTV, hằng năm ngành trồng trọt có nhu cầu sử dụng hơn 11 triệu tấn phân bón và hơn 100 nghìn tấn thuốc BVTV. Ngoài 735 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện hoạt động còn có 200 hồ sơ đang đề nghị cấp giấy chứng nhận. Đối với thuốc BVTV, năm 2017, Việt Nam nhập khẩu hơn 4,9 triệu tấn. Hiện nay, trong nước chưa sản xuất được hoạt chất thuốc BVTV hoặc thuốc BVTV kỹ thuật nên nhập khẩu 100% từ nước ngoài. Do vậy, năm 2017, nhập khẩu khoảng 100 nghìn tấn thuốc BVTV. Trước những thực trạng trên đã khiến cho phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng diễn ra rầm rộ ở nhiều địa phương trên cả nước.
Đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm trồng trọt là nơi chịu ảnh hưởng và thiệt hại nhiều nhất từ phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng.
Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Quản lý thị trường – Phó BCĐ 389 quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau để khi có sản phẩm bị phát hiện sẽ thay thế bằng loại khác hoặc ghi nhãn hiệu, thành phần, địa chỉ trên bao bì mập mờ vi phạm về nhãn hiệu, bao bì để gây nhầm lẫn, ngộ nhận, đánh lừa người tiêu dùng. Điển hình như, trên bao bì, các cơ sở gian lận bằng cách ghi nhiều tác dụng của sản phẩm như: tăng trưởng nhanh, quả to, chắc hạt, chống được các bệnh trên lúa… hoặc chất lượng thì quảng cáo trên bao bì là sản xuất theo công nghệ EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Đông,… đặt tên sản phẩm giống với các thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước…
Còn vướng mắc trong xử lý
Theo báo cáo, trong 4 tháng đầu năm 2018, các địa phương và lực lượng chức năng đã rà soát, thanh tra, kiểm tra hơn 1.400 vụ, đã tiến hành xử lý 306 vụ với 306 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV, xử phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng; đang xử lý 54 vụ. Trong đó, về phân bón, kiểm tra 958 vụ, phát hiện, xử lý 171 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,8 tỷ đồng, tịch thu 100 tấn phân bón nhập lậu, tiêu hủy 500 tấn và 956 bao phân bón giả, kém chất lượng; đối với thuốc BVTV, kiểm tra 462 vụ, phát hiện, xử lý 135 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 1 tỷ đồng, tịch thu, tiêu hủy hơn ba tấn thuốc BVTV các loại nhập lậu, không có trong danh mục, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia, doanh nghiệp chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, giải pháp trong việc phát hiện, phòng chống phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng. Một số đơn vị, tổ chức mới chỉ ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhưng chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Lực lượng thực thi công vụ còn thiếu và yếu về năng lực, trình độ chuyên môn, kiến thức nghiệp vụ. Một số đơn vị khi thanh tra kiểm tra, phát hiện sai phạm thiếu kiên quyết trong xử lý, chưa làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm, gây bức xúc trong nhân dân. Kinh phí giám định, kiểm tra, thuê kho bãi, xử lý tang vật vi phạm trong những vụ việc còn rất hạn chế và khó khăn. Trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ cho hoạt động thanh, kiểm tra, lấy mẫu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên các địa bàn chủ yếu là nhỏ lẻ, nằm phân tán, hoạt động lén lút, tinh vi gây khó khăn cho việc quản lý, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc trời, tỉnh An Giang cho biết: “Thủ tục hành chính phức tạp dẫn đến việc xử lý không hiệu quả. Bộ NN&PTNT cần có công văn chính thức để các đơn vị thuận tiện trong việc xử lý tang vật. Công tác vận động nông dân bảo vệ môi trường trong việc thu gom sẽ phát hiện ra hình thức, mẫu mã sản phẩm giả. Hệ thống cơ sở và hệ thống chính trị là gốc rễ bảo vệ người tiêu dùng, giảm hàng giả, hàng nhái, do vậy cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài ra, việc xử phạt quá nhẹ không đủ tính răn đe so với lợi nhuận của các đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng”.
Chi cục trưởng Quản lý thị trường TP Cần Thơ Nguyễn Văn Sanh cho rằng, thời gian kiểm định, kiểm mẫu kéo dài và trả kết quả rất chậm. Đến khi có kết quả lượng hàng hóa trên đã đưa ra thị trường tiêu thụ. Chúng tôi đề nghị cần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong kinh doanh và sản xuất thuốc BVTV; cần nâng cao nâng lực của tổ chức kiểm nghiệm, giám định; đưa kết quả giám định sớm và phải chịu trách nhiệm bởi cơ quan kiểm tra chỉ căn cứ vào đó giải quyết vụ việc.
Ông Phạm Tiến Dũng, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết: “Lĩnh vực phân bón và thuốc BVTV là hai vấn đề nổi cộm, nóng bỏng. Vấn đề thêm phụ gia để tăng hàm lượng thuốc BVTV nhiều đại biểu dẫn chứng đó là hoạt chất, hàng ngoài danh mục cần phải xử lý. Thực trạng mới hiện nay là có hóa chất công nghiệp Trung Quốc đưa sang Việt Nam như đưa đạm giả vào thức ăn chăn nuôi, tăng hàm lượng trong rau… Thông thường một số hoạt chất tồn tại chỉ cần cách ly bảy ngày, nhưng có hoạt chất tồn tại từ 14-20 ngày, nên khi người tiêu dùng ăn phải thực phẩm tồn dư dẫn đến ung thư. Đó chính là hành vi tội ác…”.
Ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng BCĐ 389 quốc gia, đánh giá cao những ý kiến của đại biểu, chuyên gia. Ông Thế cho rằng, ngành chức năng cần nhận diện được những phương thức, thủ đoạn của các mặt hàng phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng để từ đó xây dựng những kế hoạch đấu tranh đạt hiệu quả trong thời gian tới.