Đàm phán hạt nhân Iran-phương Tây gặp khó

Căng thẳng leo thang giữa Iran và phương Tây sau khi Hy Lạp giữ tàu chở dầu Pegas treo cờ Iran và sau đó Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt giữ hai tàu chở dầu của Hy Lạp tại vùng Vịnh.

Tàu chở dầu Pegas. Ảnh: Reuters
Tàu chở dầu Pegas. Ảnh: Reuters

Các động thái “ăn miếng trả miếng” giữa hai bên làm gia tăng căng thẳng ở khu vực, gây thêm khó khăn cho nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân mà Iran đang đàm phán với phương Tây.

Tàu Pegas cùng 19 thủy thủ người Nga trên tàu treo cờ Iran bị Hy Lạp bắt giữ khi đang neo đậu gần bờ biển thuộc đảo Evia, miền nam Hy Lạp. Quốc gia châu Âu khẳng định hành động này nằm trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) áp đặt với Nga.

Sau đó, Mỹ thông báo với Hy Lạp rằng lô hàng dầu trên tàu Pegas là của Iran và lô hàng đã bị tịch thu. Số dầu mỏ trên tàu Pegas đã được chuyển lên tàu Ice Energy treo cờ Liberia, do công ty tàu biển Dynacom của Hy Lạp vận hành và theo các nguồn tin, tàu Ice Energy sẽ chở số dầu này tới Mỹ.

Phản ứng trước vụ việc, Bộ Ngoại giao Iran đã triệu Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hy Lạp tại Tehran để bày tỏ phản đối việc giữ tàu Pegas. Tổ chức các cảng và hàng hải Iran khẳng định tàu Pegas đang tạm trú nạn tại Hy Lạp sau khi gặp các vấn đề kỹ thuật do thời tiết xấu. Iran cũng đã triệu Đại sứ của Thụy Sĩ, vốn đại diện cho lợi ích của Mỹ tại Tehran, để phản đối việc Mỹ tịch thu lô hàng dầu mỏ trên tàu Pegas. Bộ Ngoại giao Iran kêu gọi ngay lập tức thả tàu Pegas và trả lại lô hàng, đồng thời nhấn mạnh quan ngại về việc Chính phủ Mỹ tiếp tục vi phạm luật quốc tế và các hiệp ước hàng hải quốc tế.

Trong một động thái tiếp theo từ phía Iran, IRGC đã giữ hai tàu chở dầu Hy Lạp tại vùng Vịnh với lý do các tàu này có hành vi vi phạm. Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho biết, một trực thăng của Hải quân Iran đã đáp xuống tàu Delta Poseidon mang cờ Hy Lạp đang neo đậu tại vùng biển quốc tế, cách lãnh hải của Iran 22 hải lý và bắt giữ thủy thủ đoàn, trong đó có hai công dân Hy Lạp.

Trước đó, tàu chở dầu Prudent Warrior mang cờ Hy Lạp cũng bị giữ khi đang ở gần vùng biển của Iran. Phía Hy Lạp khẳng định cả hai con tàu đều tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế. Hy Lạp đã thông báo những sự việc này với các nước đồng minh, EU và Tổ chức Hàng hải quốc tế. Bộ Ngoại giao Hy Lạp đồng thời khuyến cáo công dân nước này không nên tới Iran.

Trong khi đó, Tổ chức các cảng và hàng hải Iran khẳng định không giam giữ thủy thủ đoàn thuộc hai tàu chở dầu của Hy Lạp, khẳng định các thủy thủ đều có sức khỏe tốt và được bảo vệ và chăm sóc chu đáo ngay trên tàu, phù hợp luật pháp quốc tế.

Các động thái trả đũa lẫn nhau giữa Iran và Hy Lạp đe dọa làm gia tăng căng thẳng ở khu vực, ảnh hưởng tiêu cực tới chặng cuối của các cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 nhằm đưa Mỹ và Iran trở lại thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Trong bối cảnh Iran khẳng định vẫn chưa đạt đến điểm có thể tin tưởng vào phía Mỹ, căng thẳng giữa Iran và phương Tây sẽ cản trở nỗ lực xây dựng lòng tin giữa hai bên. Iran luôn khẳng định Mỹ cần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và xóa bỏ chính sách “gây sức ép tối đa”.

Trong khi đó, Đặc phái viên của Mỹ về Iran Rob Malley mới đây tuyên bố, Mỹ và các đồng minh sẽ gia tăng thực thi các lệnh trừng phạt chống Iran nếu không đạt được một thỏa thuận hạt nhân với nước Cộng hòa Hồi giáo. Gần đây nhất, Mỹ đã áp đặt các lệnh cấm vận đối với một mạng lưới mà Washington cáo buộc là buôn lậu dầu mỏ và rửa tiền và dưới sự lãnh đạo giới chức lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc IRGC. Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, mạng lưới này đã hỗ trợ hoạt động bán dầu mỏ trị giá hàng trăm triệu USD của Iran và phong trào Hezbollah ở Liban.

Cuộc đàm phán giữa Iran với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đang ở thời điểm rất khó khăn, liên quan các mẫu urani đã qua xử lý được tìm thấy tại các cơ sở hạt nhân không nằm trong danh sách mà Iran đã thông báo. Nhiều vấn đề bất đồng trong quan hệ giữa Iran với phương Tây cũng cản trở đàm phán khôi phục JCPOA. Trong bối cảnh đó, bất cứ động thái nào làm leo thang căng thẳng giữa hai bên đều có thể “thêm dầu vào lửa”, đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân vốn khó khăn lại lâm vào bế tắc.