Quê hương thấm đẫm từng nét vẽ
Chúng tôi đã gặp gỡ và có cuộc trò chuyện về tranh với họa sĩ Vũ Trọng Thuấn mê mải đến quên cả thời gian. Trong câu chuyện hội họa và cuộc đời, ông đã nói về hàng trăm bức tranh mình dày công sáng tác. Ngắm không gian tranh được ông trưng bày tại tầng một, tầng hai trong căn hộ ông đang ở có thể phần nào hiểu được sự nhọc nhằn của người họa sĩ trong lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ. Những gam mầu nóng - lạnh, trầm - ấm được pha trộn, làm cho các bức tranh sinh động và có chiều sâu nội tâm. Tôi thật sự ấn tượng đặc biệt với những bức tranh cỡ lớn của ông, chúng như một câu chuyện kể đầy ắp kỷ niệm về quê hương, về cuộc đời. Rất dễ cảm nhận vẻ đẹp bình yên trong tranh Vũ Trọng Thuấn, từ những bức tranh tả thực với phong cảnh làng quê, những sắc mầu hoa mai, hoa đào, thuyền, biển cùng dáng hình người phụ nữ Việt Nam đến các tác phẩm trừu tượng... Tất cả toát lên vẻ đẹp hướng thiện, mầu sắc chuẩn cùng bố cục phá cách. "Tôi vẽ bằng ký ức và tình yêu quê hương tha thiết. Ở đó có lát cắt về số phận con người, những trải nghiệm sống và nỗi đau. Nhưng hơn hết là sự nhạy cảm của tâm hồn trước vẻ đẹp của cuộc đời mà tôi muốn lưu giữ bằng tranh", họa sĩ Vũ Trọng Thuấn tâm sự.
Trong ký ức của mình, ông thầm cảm ơn những năm tháng tuổi thơ đầy kham khó, vừa kiếm sống, vừa tự học mà ông đúc kết trong câu chuyện của mình: "Tôi từng có một tuổi thơ điêu linh". Phải tự lập từ bé và tự quyết định về cuộc đời mình, ông nuôi giấc mơ trở thành họa sĩ, rồi nỗ lực thi đậu vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Việc học của ông nhiều lần dang dở nhưng chính thời điểm đó, ông được các thầy trong trường cưu mang, đưa về xưởng vẽ cho thực tập học việc "có lương". Từ những đồng lương đầu tiên đó, ông dần ổn định cuộc sống và sống được bằng tranh. Trong những năm tháng ấy, trải qua nhiều vất vả mưu sinh, ông nhận ra điều trân quý nhất là biết đam mê và nuôi dưỡng niềm đam mê đến tận cùng. Ðó là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Ông đã chọn mỹ thuật và từ đó được "phác thảo cuộc đời qua nét vẽ" là giấc mơ chưa bao giờ dừng lại. Với ông, vẽ là được sống và thở. Hồi đó, ông tham gia vẽ trên các tấm pa-nô, áp-phích, tranh cổ động khổ lớn. Ðây là những nét cọ đầu tiên ông phác thảo cho giấc mơ mỹ thuật gắn kết một đời, hun đúc cho ông niềm khát khao được bung tỏa mọi mạch nguồn cảm xúc. Vượt qua rất nhiều những được - mất của cuộc đời, ông vẫn nhận mình là người may mắn, bởi đến bây giờ, đã bước qua tuổi xưa nay hiếm, nhưng ngọn lửa đam mê mỹ thuật vẫn luôn cháy bỏng.
Từ cái duyên vẽ tranh cổ động của ngày đầu khởi nghiệp cầm cọ, cho đến khi làm cán bộ Sở Văn hóa - Thông tin TP Hồ Chí Minh, ông có thêm kinh nghiệm về hoạt động vẽ tranh cổ động, tuyên truyền. Khi đã sống được nhờ tranh, có chỗ đứng trong làng mỹ thuật, ông không dừng lại mà tiếp tục tìm tòi, sáng tạo. Ông không ngần ngại thử sức mình với nhiều thể loại tranh, đặc biệt với tranh sơn mài, sơn dầu trên chất liệu truyền thống và cất công nghiên cứu, tìm nguồn sáng tạo trên chất liệu voóc (một loại vật liệu được dùng trong xây dựng). Ông cho biết, với sức bền của voóc, tranh sẽ ít bị hư hỏng, mối mọt. Ðể thực hiện những bức tranh khổ lớn, cần nhiều tấm voóc đan quyện, kết dính. Chính việc tận dụng độ dài, sức bền của chất liệu này mà ông đã thỏa được khát vọng vẽ những bức tranh "ngoại cỡ". Hơn 10 năm qua, ông tự tin khẳng định khám phá của riêng mình thật sự là hướng đi đúng, có kết quả. Với ông, người nghệ sĩ phải luôn sáng tạo trong cách thể hiện ý tưởng, nhưng quan trọng là phải cất công nghiên cứu, tìm kiếm cách thể hiện trên nhiều chất liệu mới để tạo dựng phong cách đặc trưng riêng. Bức tranh khổ lớn bằng chất liệu sơn mầu nước với khổ tranh dài 12 m, cao 2,5 m có tên gọi Bốn mùa ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất của đất nước Việt Nam qua những phút giao mùa xuân - hạ - thu - đông và sự ngưng đọng của lòng người, là tác phẩm ông khá tâm đắc. Bức tranh đưa người xem vào một thế giới bình yên và vẻ đẹp không tuổi của thời gian.
Những ngày này, trong xưởng vẽ, ông đang hoàn thiện tác phẩm Việt Nam với khổ lớn 1,6 m x 12 m và tác phẩm Biển với khổ 3 m x 2 m sử dụng chất liệu sơn mài trên voóc. Những bức tranh mang đậm sắc mầu văn hóa Việt Nam này được họa sĩ tập trung sáng tác trong ba năm qua, cùng với nhiều bức vẽ cỡ trung bình. Hình ảnh đất nước Việt Nam trải dài từ bắc vào nam với sắc hoa đào hồng thắm, đan xen là hình dáng người con gái Tây Nguyên xõa tóc bên ché rượu cần. Với gam mầu nóng, Việt Nam là bức tranh khá ấn tượng, khiến người xem bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp nối kết liền mạch trong tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ. Còn với tác phẩm Biển, ông đang dồn sức để thể hiện được nét đẹp hiền dịu của người mẹ, nhưng ẩn chứa trong lòng là những con sóng cuộn tràn. Ông bảo: "Không vẽ không thể chịu được vì rất nhớ. Khi cầm cọ, thời gian sẽ trôi đi nhanh hơn và mình sống có ý nghĩa hơn. Vẽ là nẻo về hướng thiện trong tâm hồn và để mình trả ơn cuộc đời này".
Tận hiến cho đời qua tác phẩm
Họa sĩ Vũ Trọng Thuấn sinh năm 1939 ở Kiến An, Hải Phòng, làm cán bộ Sở Văn hóa - Thông tin TP Hồ Chí Minh trước đây và có thời gian từng theo đuổi nghiệp sáng tác mỹ thuật tại các xưởng vẽ lớn ở Pháp. Trong những năm tháng ấy, tài năng nghệ thuật của ông được khẳng định, được nhiều người biết đến. Ðến năm 2003, ông tổ chức triển lãm cá nhân "Những tác phẩm mới 2003" tại Nhà triển lãm TP Hồ Chí Minh. Giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2011 ông sống và vẽ tại Hà Nội, kết nối với nhiều văn nghệ sĩ tại Thủ đô. Từ năm 2011 đến nay ông chọn thành phố Ðà Nẵng để sống, thành lập phòng tranh riêng và lặng thầm lao động nghệ thuật, thỏa sức đốt cháy niềm đam mê trong từng nét vẽ. Ðầu năm 2016, tập sách "Vựng tập tranh" của ông được xuất bản tại Pa-ri (Pháp). Sách dày 112 trang, khổ 32 x 28 cm, in trên giấy trắng, bìa cứng, giới thiệu gần 70 tác phẩm sơn dầu, sơn mài tiêu biểu của ông. Ngay sau đó, ông tổ chức triển lãm cá nhân tại Buốc La Ren - Pa-ri. Vợ chồng ông có sáu người con và không ai theo nghiệp của ông, song hết lòng ủng hộ ông trong mọi quyết định. Ông nói làm nghệ thuật phải có sự "thoát thân" mọi ràng buộc, đôi khi, hy sinh cả đời sống cá nhân của mình để sống trọn với đam mê.
Tôi hỏi ông, đến bây giờ, điều ông trăn trở nhất là gì? Ông trả lời ngay: "Ðó là muốn trao lại những kinh nghiệm quý trong hội họa, mỹ thuật cho các họa sĩ trẻ. Muốn truyền lại để họ phát huy được khả năng sáng tạo và phong cách riêng biệt". Nói về điều này, ông có nhiều trăn trở vì Ðà Nẵng có lực lượng họa sĩ khá mỏng và phần lớn trong số họ ít tập trung hết mình cho sáng tác, vì mưu sinh. Ông bảo, thế hệ ông ngày xưa tìm gặp được thầy giỏi rất khó, nhưng bây giờ nhiều họa sĩ trẻ lại không mặn mà lắm với học việc, học vẽ thật sự mà thường chỉ muốn nhanh nhanh để được nổi tiếng. Ðó là điều đáng buồn bởi nghệ thuật là con đường không có điểm dừng, mỹ thuật lại cần hơn sự kiên trì, nhẫn nại và phải thật sự đam mê. Ðiều cần lưu tâm là đừng bỏ qua những tình tiết nhỏ nhất trong hành trình ấy. Người họa sĩ phải vượt thoát được khỏi chính mình để tư duy mạch lạc và tự do pha trộn sắc mầu trong từng nét vẽ.
Lựa chọn Ðà Nẵng để "náu mình" và vẽ, thành phố là nguồn hứng khởi giúp ông thổi bùng mạnh mẽ ngọn lửa đam mê. Khối tài sản lớn của ông hiện tại là hàng trăm bức tranh đã treo kín gian trưng bày và xưởng vẽ. Nhiều năm qua, phòng tranh La tour Eiffel - Studio Vũ Trọng Thuấn trên đường Trần Hưng Ðạo luôn là điểm đến của nhiều người yêu hội họa và văn nghệ sĩ Ðà Nẵng. Ðây cũng là địa điểm tổ chức nhiều cuộc triển lãm hội họa của các họa sĩ ba miền đất nước và cả các họa sĩ đến từ các nước trong khu vực và thế giới, thậm chí còn là không gian để tổ chức nhiều trại sáng tác như Trại sáng tác tranh sơn mài hiện đại 2015; Trại sáng tác mỹ thuật Ðà Nẵng 2016,... Ðôi khi, khách đến gặp nhưng chỉ ngắm tranh của ông trưng bày chật các tầng nhà, trong khi họa sĩ Vũ Trọng Thuấn lại say sưa trong xưởng vẽ ở tầng trên cùng của ngôi nhà. Ông chưa bao giờ ngừng học hỏi vì theo ông phải học nhiều, kiến thức càng rộng thì sáng tác mới bao quát. Hơn 20 năm qua, ông cố gắng không bán tranh và muốn giữ lại tất cả các tác phẩm của mình để xây dựng một bảo tàng tranh trên quê hương.
Bước sang tuổi 80, mỗi sáng ông vẫn đều đặn đi bộ và hít thở không khí bình yên của biển trời Ðà Nẵng. Vẫn dành thời gian thư giãn với anh em văn nghệ sĩ thành phố để đàm đạo về thơ, ca, nhạc, họa và cùng các họa sĩ của Ðà Nẵng làm giàu thêm cho giá trị mỹ thuật miền trung. Ông hay nói với bạn bè về tâm niệm của mình: "Hạnh phúc là đang được sống và vẽ, tận hiến cho cuộc đời vẻ đẹp bằng tranh".