Đắk Nông khuyến cáo người dân cẩn trọng khi mở rộng diện tích sầu riêng

NDO - Trong những năm gần đây giá sầu riêng luôn ổn định, đem lại nguồn thu nhập cao cho người trồng. Do đó, nhiều hộ dân đã mở rộng thêm diện tích, thậm chí phá bỏ cây trồng khác để trồng sầu riêng, phần lớn là do tự phát. Điều này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là mất cân đối về cung, cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Đến thời điểm này số lượng sầu riêng đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế của Đắk Nông còn rất thấp, chỉ 155ha/1.858ha sầu riêng cho thu hoạch.
Đến thời điểm này số lượng sầu riêng đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế của Đắk Nông còn rất thấp, chỉ 155ha/1.858ha sầu riêng cho thu hoạch.

Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông có 4.957 ha sầu riêng, trong đó có 1.858 ha cho thu hoạch, năng suất bình quân 10,9 tấn/ha, sản lượng 19.163 tấn; sản xuất tập trung ở khu vực huyện Đắk Mil, Tuy Đức, Đắk R’lấp, Đắk Glong... Hiện Đắk Nông đã công bố 4 mã vùng trồng và 1 cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Đắk Nông, hiện nay diện tích, sản lượng sầu riêng đã cơ bản cân bằng với nhu cầu thị trường. Tỉnh cũng đã định hướng tập trung sản xuất sầu riêng theo hướng chất lượng cao thay vì mở rộng diện tích. Do đó, khi người dân tự phát mở rộng diện tích sầu riêng sẽ có nguy cơ gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, người dân còn thiếu gắn kết với chế biến, tiêu thụ, nên dễ dẫn đến cung vượt cầu.

Do canh tác quảng canh, nên diện tích sầu riêng đạt chuẩn của tỉnh Đắk Nông hiện còn thấp, mới chỉ có 155 ha. Trong đó, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 130 ha, sản lượng 1.570 tấn. Còn lại 25 ha được áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ. Phần lớn người dân vẫn còn thói quen canh tác manh mún, nhỏ lẻ; việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật quá mức làm ảnh hưởng môi trường đất chưa bảo đảm được chất lượng của sản phẩm. Giống cây chưa bảo đảm, khó đáp ứng được với từng loại thị trường.

Mặt khác, hiện trên địa bàn tỉnh còn thiếu nhà máy, cơ sở chế biến sâu nên sản phẩm qua chế biến chưa nhiều, khó nâng cao được giá trị sảm phẩm. Sầu riêng đến mùa thường được tiêu thụ ở thị trường nội tỉnh và một số tỉnh trong nước, nên đầu ra chưa ổn định.

Do đó, để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm sầu riêng người trồng cần cẩn trọng khi mở rộng diện tích, lựa chọn giống phù hợp, bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, các cấp, các ngành chức năng cần rà soát, thống kê diện tích trồng, nghiên cứu thị trường, kịp thời có định hướng, quy hoạch và khuyến cáo cho nông dân. Đồng thời, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm bền vững, gắn kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi giá trị.