Cụ thể, hằng năm, đơn vị thanh tra đã tham mưu lãnh đạo Sở ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền.
Theo đó, trong năm 2023 đã tiến hành thanh tra toàn diện 2 đơn vị, trong đó có 1 đơn vị thanh tra hành chính và 1 đơn vị thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật phòng chống tham nhũng và thực hiện quy chế dân chủ; kiểm tra lĩnh vực khoáng sản đối với 3 đơn vị, lĩnh vực tài nguyên nước 2 đơn vị và lĩnh vực môi trường 44 đơn vị.
Theo thống kê, trong những năm gần đây số lượng vật nuôi tăng đàn theo quy mô trang trại là rất lớn, nhất là đối với các trang trại nuôi heo phát triển rất nhanh cả về số lượng trang trại và quy mô trang trại, đây là dấu hiệu đi lên tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, song song với hiệu quả kinh tế thì hệ lụy từ việc chăn nuôi của các trang trại cũng đã tác động, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, ô nhiễm môi trường, số đơn thư khiếu kiện gia tăng.
Sở Tài nguyên và Môi trường xác định, hầu hết các trang trại trên địa bàn tỉnh được xây dựng và vận hành khi chưa hoàn thiện thủ tục môi trường theo quy định, hệ thống xử lý chất thải chưa bảo đảm quy định, xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường... |
Trước thực trạng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập trung kiểm tra 40 trang trại chăn nuôi trong tổng số 44 đơn vị kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực môi trường (chiếm 90,9%).
Qua kiểm tra, các trang trại trên địa bàn tỉnh được xây dựng và vận hành khi chưa hoàn thiện thủ tục môi trường theo quy định, hệ thống xử lý chất thải chưa bảo đảm quy định, xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường...
Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu xử phạt vi phạm hành chính 27 đơn vị. Trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 20 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành 7 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tổng số tiền xử phạt gần 5 tỷ đồng.
Sau khi kiểm tra, đồng loạt các trang trại trên địa bàn tỉnh đã tiến hành rà soát, cải tạo hệ thống xử lý chất thải bảo đảm nước thải ra môi trường đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định, tạo môi trường chăn nuôi đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Hàng nghìn ha rừng và đất rừng tại Đắk Nông bị phá, chiếm đất sau khi được giao cho các đơn vị thuê thực hiện dự án nhưng đến nay chưa thể thu hồi. |
Đến nay, kế hoạch thanh tra năm 2023 cơ bản đã thực hiện xong. Tuy nhiên, đứng trước thực trạng chung, tồn tại nhiều năm trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện có nhiều doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để triển khai các dự án đầu tư nhưng do yếu tố chủ quan và khách quan nên các dự án triển khai chậm, kéo dài, gây lãng phí tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của tỉnh...
Trước thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 457/QĐ-STNMT, thành lập đoàn Kiểm tra để tiến hành rà soát, tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đối với các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mà không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất; hết hạn thuê đất mà không gia hạn sử dụng đất và các tổ chức sử dụng đất nhưng không lập hồ sơ thuê đất theo quy định trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Qua rà soát, hiện trên địa bàn tỉnh có 32 đơn vị được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án thuộc diện cần đưa vào Kế hoạch, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đối với các tổ chức vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh, đối với 32 đơn vị.
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra đối với 31 đơn vị. Không tiến hành kiểm tra đối với 1 đơn vị (01 đơn vị chưa được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện Dự án).
Hầu hết các Dự án nông lâm nghiệp tại Đắk Nông thực hiện không hiệu quả, bị người dân phá rừng, chiếm đất nhưng đến nay chưa thể thu hồi dự án do vướng các quy định liên quan. |
Sau khi kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông: thu hồi 16.940m2 đất của Công ty TNHH MTV Thương mại và sản xuất gỗ lạng Đắk Song; xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 đơn vị; thu hồi 38.034 m2 đất của Công ty TNHH Lâm Tất Thành; thu hồi 5.000 m2 đất của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thương mại Đắk Rồ và đề nghị gia hạn thời gian sử dụng đất, xử phạt vi phạm hành chính, buộc đưa đất vào sử dụng, thu hồi đất đó với một số đơn vị.
Ngoài ra, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã tiến hành xử phạt và tham mưu quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với tổng số tiền xử phạt là 110 triệu đồng, buộc tổ chức vi phạm phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm hành chính với số tiền hơn 4 triệu đồng.
Mặc dù đã có sự chuyển biến, nhưng trên thực tế, việc xử lý đối với các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật hiện nay vẫn còn một số vướng mắc, tồn tại, nhất là việc thu hồi các dự án còn nhiều khó khăn.
Một số dự án đã chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng nhiều năm, trong khi chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để triển khai tiếp, khi vận động các chủ đầu tư không chịu trả lại đất cho Nhà nước, nếu thu hồi ngay sẽ không bảo đảm quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai, phát sinh đơn thư khiếu kiện; nhưng nếu gia hạn tiến độ sử dụng đất thì dự án sẽ tiếp tục kéo dài, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, gây lãng phí tài nguyên đất đai.
Thông thường, các dự án nêu trên đã triển khai thực hiện được một số hạng mục công trình chính của dự án và đưa đất vào sử dụng, còn lại một số hạng mục công trình khác chưa đầu tư thực hiện.
Theo quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai thì phải thu hồi toàn bộ dự án, chứ không thu hồi một phần diện tích của dự án, dẫn đến khó khăn trong công tác thu hồi đất đối với những trường hợp này.
Nhiều dự án thực hiện không đúng quy định nhưng do vướng các tài sản đã đầu tư phát sinh trên đất nên không thể thu hồi toàn bộ dự án. |
Mặt khác, theo quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, các dự án chậm tiến độ sẽ được gia hạn 24 tháng, nếu sau thời gian được gia hạn vẫn không hoàn thành sẽ thu hồi và không được bồi thường.
Tuy nhiên, trên thực tế rất khó thực hiện vì có một số dự án kinh doanh hạ tầng chủ đầu tư đã ký hợp đồng góp vốn với nhiều hộ dân; một số dự án sản xuất kinh doanh chủ đầu tư đã đầu tư xây dựng các công trình kiên cố hoặc thực hiện được một phần của dự án trên diện tích đất được giao (hiện trên đất có tài sản như: Nhà xưởng, máy móc, hạ tầng...), nếu thu hồi không bồi thường sẽ phát sinh đơn thư khiếu kiện đông người kéo dài, gây mất ổn định an ninh chính trị; có một số dự án đã đầu tư được một số hạng mục công trình chính và đưa đất vào sử dụng, nếu thu hồi toàn bộ dự án sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội đầu tư, có thể dẫn đến phá sản hoặc mất công ăn việc làm của người lao động...
Do buông lỏng quản lý nên hàng chục hộ dân đã chiếm đất của Cụm công nghiệp Quảng Tâm, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức khiến tình hình khiếu kiện ở địa phương này nổi cộm, kéo dài. |
Để sớm giải quyết, tháo gỡ những hạn chế nêu trên, thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung nguồn lực nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để giải quyết những khó khăn vướng mắc, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra.
Tăng cường chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra những điểm nóng, có bức xúc trong dư luận xã hội. Tập trung bố trí nguồn lực cho bộ phận thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. Đẩy mạnh giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, kiểm tra để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi tiêu cực, sách nhiễu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, tránh lạm quyền, gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra.
Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc sau thanh tra, kiểm tra; vận hành hiệu quả đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường; thực hiện nghiêm quy trình xử lý thông tin qua đường dây nóng, nâng cao trách nhiệm phối hợp của các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội tham gia giám sát công tác bảo vệ môi trường...