Đắk Lắk thiết lập bảo vệ “vùng xanh” ngăn chặn dịch lây lan ra diện rộng

NDO -

Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tiếp ghi nhận các ổ dịch Covid-19 trong cộng đồng nhưng chưa rõ nguồn lây khiến người dân hết sức lo lắng. Để ngăn chặn dịch lây lan ra diện rộng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đắk Lắk đã thiết lập bảo vệ “vùng xanh” và chỉ đạo các địa phương trong tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt sớm kiểm soát các ổ dịch trong cộng đồng.

Các lực lượng chức năng của xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin tham gia chốt chặn kiểm soát người ra vào ổ dịch ở buôn Ea Bhốk.
Các lực lượng chức năng của xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin tham gia chốt chặn kiểm soát người ra vào ổ dịch ở buôn Ea Bhốk.

Nhiều ổ dịch trong cộng đồng

Trong hai ngày 21 và 22/8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk phối hợp Trung tâm Y tế huyện Krông Búk ngày đêm tiến hành xét nghiệm nhanh cho người dân trên địa bàn xã Cư Né, đặc biệt ở 2 ổ dịch lớn tại 2 buôn Drao và buôn Ktơng Run.

Theo bác sĩ Trần Kim Long, Phó Khoa phụ trách Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, đến sáng ngày 22/8, lực lượng y tế đã lấy hơn 1.800 mẫu test nhanh kháng nguyên cho người dân tại 2 buôn Drao và buôn Ktơng Run, trong đó đã ghi nhận gần 80 mẫu test nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2, trong số này đã có 54 mẫu có kết quả RT-PCR dương tính.

Xác định nguy cơ lấy nhiễm trong cộng đồng từ ổ dịch này là rất lớn, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm y tế huyện Krông Búk tiếp tục đẩy nhanh tiến độ truy vết và lấy mẫu xét nghiệm ra các buôn lân cận để sớm phát hiện các F0, F1 nhằm hạn chế nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Về nguồn lây của ổ dịch này, theo bác sĩ Trần Kim Long, hiện nay vẫn chưa xác định được nguồn lây, nhưng từ việc ghi nhận nhiều người mắc bệnh trong cộng đồng có thể suy đoán quá trình ủ bệnh đã qua 3-4 chu kỳ.

Để phòng chống dịch, huyện Krông Búk đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ toàn xã Cư Né, trong đó nhiều thôn, buôn được phong tỏa, cách ly theo hướng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nhằm sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Một ổ dịch Covid-19 khác trong cộng đồng khiến hàng chục người mắc bệnh xảy ra ở buôn Kwang A, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ. Ổ dịch này xuất phát từ trường hợp đầu tiên là bà H.R.A, sinh năm 1964 ở buôn Kwang A, xã Cư Bao. Bà H.R.A được xác định dương tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR từ ngày 17/8. Theo điều tra dịch tễ, khoảng 10 ngày trước, bà H.R.A có biểu hiện sốt cao, ho có đờm, khó thở nhiều nên bà đã đến một phòng khám tư nhân khám và uống thuốc.

Sau 5 ngày uống thuốc theo đơn không đỡ nên ngày 15/8, bà H.R.A vào Bệnh viện đa khoa thị xã Buôn Hồ điều trị. Tại đây, bà H.R.A được chụp phim Xquang phổi và test nhanh Covid -19 âm tính. Đến ngày 16/8, bệnh diễn biến nặng hơn nên bà được chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị. Sau khi vào viện, tại Khoa Cấp cứu ban đầu bệnh nhân được sàng lọc lại lần 2 bằng test nhanh Covid-19 cho kết quả âm tính, và được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và được xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR.

Đến 10 giờ ngày 17/8, kết quả xét nghiệm RT-PCR khẳng định bà H.R.A dương tính với SARS-CoV-2. Sau 3 ngày theo dõi, điều trị tích cực, thở máy, lọc máu liên tục, nhưng do tình trạng suy hô hấp, viêm phổi nặng do SARS-CoV-2, sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu và toan chuyển hóa, bà H.R.A đã tử vong vào chiều ngày 20/8. Điều đáng lo lắng là từ trường hợp này, đến nay đã lây lan trong buôn Kwang A, buôn Gram A, xã Cư Bao… với hàng chục trường hợp mắc bệnh.

Để ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng, Ủy ban nhân dân thị xã Buôn Hồ đã quyết định giãn cách xã hội toàn xã Cư Bao theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 19/8 đến hết ngày 3/9. Đồng thời chỉ đạo ngành y tế địa phương khẩn trương truy vết, xét nghiệm, tách các trường hợp F0, F1 ra khỏi cộng đồng. Đối với các xã, phường lân cận như xã Bình Thuận, phường Bình Tân… tổ chức các điểm chốt chặn liên xã, phường không để người từ vùng dịch xã Cư Bao đến địa bàn và người dân từ địa bàn mình đến xã Cư Bao làm lây lan dịch bệnh.

Trước đó, vào những ngày giữa tháng 7, tại một số buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk như buôn Jung A, Jung B, xã Ea Ktur và buôn Ea Bhốk, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin; buôn Khóa, xã Cư Pui, huyện Krông Krông Bông; thôn 6 và thôn 7 xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc… cũng bùng phát những ổ dịch Covid-19 trong cộng đồng làm hàng chục người mắc bệnh. Qua điều tra, truy vết của ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk xác định, nguyên nhân bùng phát các ổ dịch này là do các trường hợp từ vùng dịch TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… về địa phương không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch khiến dịch lây lan trong cộng đồng. 

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, tính đến 16 giờ ngày 22/8 trên địa bàn tỉnh đã có 739 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Điều đáng lo lắng là trên địa bàn tỉnh hiện có hàng nghìn người từ các vùng dịch như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… trở về địa phương tránh dịch nên nguy cơ bùng phát các ổ dịch trong cộng đồng là rất lớn, nếu các địa phương không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. 

Đắk Lắk thiết lập bảo vệ “vùng xanh” ngăn chặn dịch lây lan ra diện rộng -0
Để giúp người dân ở các buôn bị phong tỏa phòng chống dịch giảm bớt khó khăn, nhiều đơn vị, đoàn thể ở Đắk Lắk đã quyên góp và tổ chức các bếp ăn thiện nguyện phục vụ hàng nghìn suất ăn miễn phí cho người dân. 

Thiết lập bảo vệ “vùng xanh” 

Tính đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 79/184 xã, phường, thị trấn có trường hợp mắc Covid-19, trong đó thành phố Buôn Ma Thuột có 12/21 xã, phường có trường hợp mắc Covid-19; huyện Krông Pắc có 10/16 xã, thị trấn; huyện Cư M’gar có 8/17 xã, thị trấn; huyện Cư Kuin có 5/8 xã; huyện Ea Kar có 7/16 đơn xã; huyện Buôn Đôn có 5/7 xã; huyện Krông Bông có 5/14 xã; huyện Krông Ana có 4/8 và thị xã Buôn Hồ có 5/12 xã, phường…

Đặc biệt những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp ghi nhận các ổ dịch ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều trường hợp mắc bệnh. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Búk, bác sĩ Trần Thuận cho biết, chỉ sau 2 ngày xuất hiện các ổ dịch ở xã Cư Né, đến ngày 22/8, toàn huyện đã ghi nhận 97 bệnh nhân mắc Covid-19 trở thành địa phương có số ca bệnh cao nhất tỉnh Đắk Lắk.

Số lượng bệnh nhân tăng kéo theo áp lực điều trị và cách ly tại địa phương. Để nhanh chóng khống chế dịch Covid-19 ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn, vì mọi sinh hoạt của bà con mang tính cộng đồng rất cao. Hơn nữa, hiện nay đang là mùa mưa, mùa sản xuất chính ở Tây Nguyên nên việc giãn cách xã hội cũng gặp khó khăn. 

Trước các thực trạng nêu trên, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh ban hành Công văn số 3226/CV-BCĐ về việc thiết lập bảo vệ “vùng xanh” và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đề nghị các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chỉ đạo đối với 105 xã, phường, thị trấn chưa có trường hợp mắc bệnh trong 14 ngày vừa qua (vùng xanh) tập trung các biện pháp bảo vệ “vùng xanh” an toàn trong phòng, chống Covid-19, hạn chế dịch bệnh xâm nhập; đối với 44 xã, phường, thị trấn trong vòng bảy ngày liên tục gần nhất không có trường hợp mắc mới (vùng màu cam) tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch, giám sát cách ly, truy vết triệt để và theo dõi các trường hợp F1, F2 có liên quan đến các ca bệnh trong phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với 35 xã, phường, thị trấn (vùng màu đỏ) có các trường hợp bệnh rải rác liên tục trong 14 ngày gần nhất, cần phải tập trung các biện pháp phòng, chống dịch nhằm khoanh vùng, khống chế tối đa nguồn lây nhiễm và giải quyết triệt để các ổ dịch; thường xuyên tổ chức theo dõi, đánh giá nguy cơ dịch tại địa phương…

Đối với các ổ dịch ở các buôn làng, ngành y tế đang phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khoanh vùng, truy vết và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con trong buôn khai báo y tế thành thật để công tác điều tra, truy vết chính xác và kịp thời, sớm kiểm soát các ổ dịch. 

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân nhận thức rõ sự nguy hiểm và lây lan của dịch bệnh để mọi người dân đều đồng thuận tham gia chung tay phòng chống dịch. Đặc biệt là dựa vào những người có uy tín, già làng, trưởng buôn để tuyên truyền, vận động sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Dồn sức dập dịch tại các tỉnh thành phía nam