Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành y tế tỉnh Ðắk Lắk đã và đang tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ðắk Lắk, tính đến ngày 12/9, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2.556 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 51% so với cùng kỳ năm 2022. Các trường hợp mắc sốt xuất huyết xảy ra tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã ghi nhận 104 ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ tại 56 xã, phường, thị trấn của 14 huyện, thị xã, thành phố. Ngành y tế tỉnh đã tiến hành điều tra, xử lý 100% ổ dịch được phát hiện, trong đó xử lý bằng phun hóa chất và vệ sinh môi trường 67 ổ dịch và chỉ xử lý bằng vệ sinh môi trường 37 ổ dịch. Hiện có 56 ổ dịch đã kết thúc và có 48 ổ dịch đang còn hoạt động.
Cùng với bệnh sốt xuất huyết, trên địa bàn bàn tỉnh Ðắk Lắk đã ghi nhận gần 1.259 trường hợp bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng với 21 ổ dịch, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong.
Tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 600 trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Ðáng chú ý, sau khi học sinh tựu trường, số trẻ mắc bệnh, nhập viện tăng đột biến, cao điểm từ 20-30 ca/ngày. Phần lớn trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, biến chứng về thần kinh, suy hô hấp, suy tuần hoàn…
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, hiện số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng tăng nhiều, hầu hết các trẻ đều mắc tay chân miệng tuýp Enterovirus 71 (EV71). Ðây là tuýp vi-rút có độc tính rất mạnh và có nhiều khả năng làm tổn thương tổ chức thần kinh trung ương, gây nên các biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong ở trẻ. Do đó, khi phát hiện trẻ mắc tay chân miệng, gia đình không nên chủ quan tự theo dõi tại nhà mà cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Trong khi bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng chưa được kiểm soát thì những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Ðắk Lắk lại bùng phát bệnh đau mắt đỏ. Tính đến ngày 16/9 đã có 10.586 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 9.845 trường hợp mắc bệnh trong trường học.
Ðiều đáng lo là bệnh đau mắt đỏ đang lây lan rất nhanh, chỉ riêng ngày 16/9, toàn tỉnh có 2.947 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 2.781 trường hợp mắc bệnh trong trường học. Bác sĩ Ngô Văn Cường, Trưởng khoa Mắt (Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết: "Từ khi học sinh tựu trường, mỗi ngày khoa Mắt tiếp nhận khám và điều trị từ 40-50 trường hợp đau mắt đỏ, tăng nhiều lần so với thời điểm trước đó. Phần lớn, những trường hợp mắc bệnh là trẻ ở độ tuổi mầm non và học sinh".
Không chỉ tại khoa Mắt (Bệnh viên đa khoa vùng Tây Nguyên) mà tại Bệnh viện Mắt tỉnh Ðắk Lắk, Bệnh viện Mắt Tây Nguyên và các phòng khám tư trên địa bàn tỉnh, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị đau mắt đỏ cũng tăng đột biến.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Dương Thùy Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Ðắk Lắk thông tin: Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 300 ca đau mắt đỏ, trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ và học sinh. Cô giáo Lương Thị Bích Nguyên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Buôn Ma Thuột) cho biết: Hiện tại nhà trường có 139 em bị đau mắt đỏ, nhưng vẫn có một nửa số em đi học bình thường. Ðể phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhà trường mong muốn các phụ huynh nên cho các em ở nhà điều trị, chứ trong điều kiện các em đau mắt như vậy mà đến lớp sẽ lây lan bệnh trong trường học.
Tăng cường phòng, chống dịch
Trước tình hình các loại dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Lắk đã ban hành công văn yêu cầu Sở Y tế, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động các biện pháp tăng cường phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ... không để dịch bùng phát, giảm đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra dịch chồng dịch. Ðặc biệt, đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch; triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023; nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị; bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc-xin, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng chống dịch...
Thạc sĩ, bác sĩ Chuyên khoa II Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ðắk Lắk cho biết, hiện nay đang vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa và chuẩn bị giao mùa là điều kiện thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm tiếp tục gia tăng. Ðối với bệnh sốt xuất huyết, qua điều tra chỉ số véc-tơ truyền bệnh ở các địa bàn trọng điểm đều tăng cao. Ðể chủ động phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu Sở Y tế có văn bản đề nghị các đơn vị và ủy ban nhân dân các huyện cùng vào cuộc thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Ðối với các đơn vị y tế xã, huyện trọng điểm, thực hiện điều tra chỉ số véc-tơ truyền bệnh và tiến hành thực hiện phun thuốc xử lý môi trường trên diện rộng... Ðối với bệnh tay chân miệng, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Giáo dục và Ðào tạo phối hợp với ngành y tế trong công tác truyền thông, điều tra, giám sát và thực hiện vệ sinh tại các lớp học...
Với các ca mắc mới, các đơn vị cần điều tra, khoanh vùng, khử khuẩn tại gia đình và trường học; đồng thời, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh và giáo viên tăng cường công tác vệ sinh. Dự báo trong thời gian tới, nhất là vào mùa mưa bão, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và đau mắt đỏ sẽ tăng cao nếu không có các biện pháp phòng chống và giải pháp kịp thời.
Tuy nhiên, để công tác phòng chống dịch truyền nhiễm đạt hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Ðiển hình là huyện Ea H’leo, kể từ khi bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã trên địa bàn phát động các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, từ đó đã giảm được số ca mắc sốt xuất huyết. Do đó, lãnh đạo các đơn vị y tế cần tham mưu ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ủy ban nhân dân xã, trạm y tế xã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để đẩy mạnh công tác phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm, duy trì thường xuyên các hoạt động diệt bọ gậy, diệt muỗi...
Nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã tổ chức tập huấn hướng dẫn giám sát và phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh sốt xuất huyết cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện của tỉnh Ðắk Lắk. Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tuyến xã, cộng tác viên y tế và đội xung kích các thôn, buôn, tổ dân phố về công tác truyền thông, loại trừ bọ gậy và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại hộ gia đình và cộng đồng; tập huấn cho cán bộ tuyến tỉnh, huyện về công tác điều dưỡng, chẩn đoán và điều trị các bệnh nhân mắc bệnh và công tác điều tra, giám sát phòng, chống dịch bệnh...
Bên cạnh đó, các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện, xã ở Ðắk Lắk đã tham mưu các cấp chính quyền thành lập, kiện toàn và duy trì các đội cơ động phòng, chống dịch tại đơn vị; trong đó tuyến tỉnh 2 đội, tuyến huyện 30 đội, tuyến xã 185 đội và 3.299 tổ xung kích ở các thôn, buôn, tổ dân phố tích cực tham gia phòng, chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm ở địa phương, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và cộng đồng.