THÔNG TIN MỚI

Đắk Lắk kêu gọi hỗ trợ xóa 7.687 căn nhà tạm cho hộ nghèo

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2023 với chủ đề “Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn căn nhà Đại đoàn kết”.
0:00 / 0:00
0:00

Theo đó, từ năm 2021 đến nay, công tác vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh vận động được 59 tỷ đồng. Ngoài các mục chi hỗ trợ khác cho người nghèo, công tác hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết được 925 căn, bình quân khoảng 300 căn/năm.

Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025, tổng số hộ nghèo tính đến cuối năm 2022 toàn tỉnh là 54.689 hộ, chiếm tỷ lệ 10,94%, trong đó có 7.687 hộ có nhà ở nhà tạm, dột nát.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh tiếp tục ủng hộ giúp đỡ xóa nhà tạm bợ và dột nát cho các hộ nghèo, chăm lo giúp đỡ người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội… nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 sắp tới.

Gia Lai tôn vinh các nghệ nhân người dân tộc thiểu số

Nằm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Dự án 6), tỉnh Gia Lai quyết định hỗ trợ kinh phí trong 5 tháng (từ tháng 8/2023 đến tháng 12/2023) để trao truyền văn hóa truyền thống và đào tạo bồi dưỡng thế hệ kế cận cho 4 Nghệ nhân Ưu tú người Ba Na, Gia Rai; mỗi nghệ nhân được hỗ trợ 52 triệu đồng.

Các nghệ nhân được hỗ trợ gồm: Nghệ nhân chỉnh chiêng A Lip ở làng Groi Wêt, xã Glar, huyện Đắk Đoa; nghệ nhân chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc Rơ Châm Tih ở làng Jút 1, xã Ia Dêr,

huyện Ia Grai; nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng Đinh Văn Hmưnh ở làng Mơ Hra-Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện

Kbang và nghệ nhân thực hành lễ hội truyền thống Rơ Ô Bhung ở buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa.

Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế hợp tác xã vùng Tây Nguyên: Rào cản và giải pháp”

Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế hợp tác xã vùng Tây Nguyên: Rào cản và giải pháp”.

Tại Hội thảo các đại biểu được nghe các báo cáo tham luận, làm rõ thực trạng phát triển kinh tế hợp tác xã vùng Tây Nguyên hiện nay; nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, hạn chế, thách thức và rào cản trong quá trình phát triển của hợp tác xã; định hướng chiến lược cho thời gian tiếp theo; giải pháp để tháo gỡ khó khăn, rào cản hiện nay và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế hợp tác xã trong thời gian tới...

Qua 20 năm thực hiện đổi mới, vai trò của hợp tác xã không chỉ thể hiện trong lĩnh vực phát triển kinh tế mà còn góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn.