Để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch đậu mùa khỉ với tinh thần và giải pháp là “sớm một bước, cao hơn một mức”, không để xảy ra dịch chồng dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành và triển khai phương án hành động tạm thời phòng, chống đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh với 3 tình huống:
Tình huống có ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam nhưng chưa có ca bệnh tại tỉnh sẽ tập trung kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người các cấp nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch đậu mùa khỉ trên địa bàn toàn tỉnh; chỉ đạo các đơn vị y tế và các ban, ngành liên quan phối hợp trong công tác phòng chống; xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch theo các giai đoạn của dịch trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; đồng thời, chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện cho phòng, chống dịch; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch để có phương án điều chỉnh phù hợp thực tế…
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường truyền tải các thông điệp, khuyến cáo phòng, chống dịch đậu mùa khỉ tới người dân, đặc biệt là các đoàn khách du lịch, cư dân di biến động, người lao động đi hoặc trở về từ các vùng có dịch đậu mùa khỉ; khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh; thiết lập đường dây nóng, nơi tiếp nhận thông tin tư vấn, hỗ trợ người dân về bệnh đậu mùa khỉ…
Tình huống xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào tỉnh thì khẩn trương thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính với đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lây lan ra cộng đồng; tăng cường giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ có yếu tố dịch tễ liên quan; giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng 21 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Tăng cường giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ; tổ chức thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ tại các đơn vị y tế; các đội chống dịch cơ động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch; thường xuyên cập nhật các tài liệu chuyên môn trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch để triển khai thực hiện…
Tình huống dịch có nguy cơ lây lan trong cộng đồng thì tăng cường hoạt động của các tổ đáp ứng nhanh để khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch bệnh, tổ chức cách ly y tế tại khu vực có dịch trong cộng đồng; đồng thời, triển khai hướng dẫn người dân thực hiện cách ly y tế tại nhà.
Đối với công tác điều trị, các cơ sở y tế phân loại người bệnh theo mức độ nặng nhẹ để điều trị tại các tuyến phù hợp; hạn chế di chuyển người bệnh; thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác điều trị, chống nhiễm khuẩn và kiểm soát lây nhiễm, giám sát. Các cơ sở y tế mở rộng khu vực cách ly điều trị.
Theo ngành y tế, bệnh đậu mùa khỉ hiện chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng. Dịch bệnh có khả năng lây lan cao nên nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập và bùng phát tại Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng là rất lớn nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả và kịp thời.