Đăk Hà nâng cao chất lượng tổ chức đảng ở cơ sở

Thời gian qua, Đảng bộ huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã quan tâm thực hiện nhiều giải pháp nhằm củng cố, phát huy vai trò của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, thực hiện hiệu quả phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
Đảng bộ xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại cơ sở.
Đảng bộ xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại cơ sở.

Đến nay, Đảng bộ huyện Đăk Hà có 61 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với 3.387 đảng viên; có 100% số thôn, tổ dân phố có chi bộ, trong đó có 64 chi bộ có chi ủy; 69 trong số 84 trưởng thôn, tổ trưởng dân phố là đảng viên, đạt 82,14%; 24 trong số 84 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng dân phố.

Phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở

Nằm cách trung tâm huyện Đăk Hà gần 20 km, xã Đăk Pxi vẫn còn là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Kon Tum với hơn 90% số dân là người đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết là người Xơ Đăng. Đảng bộ xã Đăk Pxi hiện có 11 chi bộ trực thuộc với tổng số 136 đảng viên, trong đó có 62 đảng viên là người dân tộc thiểu số; 45 đảng viên là người có đạo; có 8 trong số 11 chi bộ có chi ủy và một thôn có bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn.

Bí thư Đảng ủy xã Đăk Pxi Trần Thanh Minh cho biết: Để lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2023, Đảng ủy xã đã ban hành các nghị quyết về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ theo từng giai đoạn, từng nhóm nhiệm vụ cụ thể. Từ đó, Đảng ủy tập trung xây dựng và ban hành các chương trình công tác; chương trình công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng kế hoạch tạo nguồn, phát triển đảng viên để phát huy vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; qua đó, thực hiện tốt phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Tiêu biểu như tại thôn Đăk Rơ Wang, được sáp nhập từ hai làng Đăk Rơ Wang và Kon Pao Kram. Thôn có 145 hộ với bốn dân tộc anh em cùng sinh sống. Được nhân dân tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, đồng chí Nguyễn Hữu Sơn cho rằng cái khó nhất khi vận động người dân là rút ngắn được những “khoảng cách” về tập quán, trình độ của bà con dân tộc thiểu số với những người mới đến sinh sống, xây dựng vùng kinh tế mới. Nhiều giải pháp phù hợp được đưa ra và sớm thực hiện nhờ uy tín và sự tâm huyết của đồng chí bí thư chi bộ và đội ngũ đảng viên trong thôn.

Trải lòng về những trăn trở, giải pháp của mình, đồng chí Nguyễn Hữu Sơn cho biết: “Là bí thư chi bộ, tôi phân công các đảng viên phụ trách hộ hoặc nhóm hộ với những công việc cụ thể; đối với nhóm hộ này thì cần tuyên truyền vận động người làm cái gì, với nhóm hộ khác thì vận động họ làm phần việc khác, sao cho phù hợp tập quán, điều kiện thực tiễn của các hộ. Chính sự vào cuộc, chung sức của các đảng viên tại cơ sở là những cánh tay nối dài để chi bộ triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của đảng bộ các cấp đến với đời sống người dân. Khi nhận thức của người dân được nâng lên, đã khắc phục được tình trạng một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã tích cực tham gia phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa mới.

“Năm 2021, đời sống nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào canh tác các loại cây trồng ngắn ngày, hiệu quả kinh tế thấp thì nay, hầu hết bà con trong thôn đã chuyển đổi sang trồng các loại cây công nghiệp như cà-phê, cao-su và tận dụng nguồn lực tại chỗ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm có chuồng trại. Hơn 90% số gia đình làm vườn rau xanh và làm hàng rào xanh. Đến cuối năm nay, dự kiến thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 40 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 47 hộ xuống còn 13 hộ; trong đó, có nhiều hộ dân tộc thiểu số chủ động làm đơn xin thoát nghèo”, đồng chí Nguyễn Hữu Sơn phấn khởi chia sẻ.

Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

Tại xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, để phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023, xã chú trọng phát huy vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Phan Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Ngọk Réo cho biết: Đến nay, toàn đảng bộ có 190 đảng viên, sinh hoạt tại 13 chi bộ trực thuộc, đây là lực lượng nòng cốt để xã triển khai các nghị quyết của đảng vào đời sống người dân. Việc phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ trong triển khai Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/2/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về chủ trương thực hiện và nội dung Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, được triển khai hiệu quả. Các đảng viên được phân công phụ trách hộ, nhóm hộ theo từng lĩnh vực đã phát huy được trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hộ gia đình thực hiện đầu tư sản xuất, phát triển đàn gia súc, gia cầm, đăng ký quản lý bảo vệ và trồng rừng, phát triển kinh tế hộ... từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đáng chú ý, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống hằng ngày của người đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo trên địa bàn xã. Đến nay, xã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có hai thôn đạt 10/10 tiêu chí thôn (làng) dân tộc thiểu số nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 32,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 24% so với tổng số hộ toàn xã.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đăk Hà Lưu Duy Khanh cho biết: Bên cạnh vai trò hạt nhân trong việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên từ huyện đến cơ sở còn phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, trở thành những cánh tay nối dài đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Đây cũng là cơ sở để huyện đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp thực tiễn, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chi bộ hết sức chú trọng đến nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và phát huy năng lực lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ. Các tổ chức đảng đã chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc phù hợp chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình chi bộ, đảng bộ bảo đảm quy chế đề ra. Chú trọng công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên gắn với củng cố, kiện toàn đội ngũ cấp ủy viên ở những nơi còn thiếu. Nhờ vậy, hầu hết các cấp ủy, chi bộ đều duy trì nghiêm túc nền nếp sinh hoạt chi bộ định kỳ; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn đoàn kết nội bộ, thực hiện tự phê bình và phê bình…; qua đó, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ, đảng bộ và chất lượng đội ngũ đảng viên.

“Với nhiều giải pháp có tính đột phá, sát với thực tiễn, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng tại Đảng bộ huyện Đăk Hà từng bước được nâng lên. Tính kỷ luật, tính tiền phong gương mẫu của mỗi đảng viên không ngừng được duy trì và ngày càng nâng cao; phát huy được vai trò nòng cốt của đội ngũ đảng viên và sự đồng thuận của người dân trong việc kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc nảy sinh tại cơ sở. Đây là nền tảng quan trọng để Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ trong tình hình mới; góp phần xây dựng huyện đạt huyện nông thôn mới vào năm 2025 theo nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra”, đồng chí Lưu Duy Khanh nhấn mạnh ■