Dải nước mầu đỏ tại biển Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế là do thủy triều đỏ

Chiều 1-3, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) cho biết, dải nước mầu đỏ xuất hiện tại các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế vào cuối tháng 2 vừa qua là do hiện tượng thủy triều đỏ.

Trước đó, từ ngày 19-1 đến ngày 25-2, tại cảng Vũng Áng, cảng Sơn Dương và Âu thuyền xã Kỳ Hà (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh); biển Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và ven biển Sơn Trà, TP Ðà Nẵng xuất hiện các vệt nước biển mầu đỏ và nổi bọt. Ngay sau khi nhận được các thông tin, Bộ TN và MT đã phối hợp UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế và TP Ðà Nẵng chỉ đạo Tổng cục Môi trường, Sở TN và MT phối hợp Viện Công nghệ môi trường; Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước biển để phân tích lý, hóa và thủy sinh vật.

Kết quả phân tích cho thấy: Thời gian qua, đã có hiện tượng bùng phát mật độ rất cao của tảo Noctiluca scintillans (bloom - sự nở hoa của nước, còn gọi là thủy triều đỏ) tại khu vực sát bờ của cảng Sơn Dương, cảng Vũng Áng, Âu thuyền xã Kỳ Hà (tỉnh Hà Tĩnh); khu vực biển Chân Mây - Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Kết quả phân tích các mẫu thực vật phù du thu được tại các khu vực nêu trên thấy, tảo này đã bắt đầu tàn lụi (có nhiều mảnh vỡ). Theo các tài liệu nghiên cứu trên thế giới, loài tảo Noctiluca scintillans sau khi tàn lụi thường giải phóng ra Amonia ở nồng độ cao trong môi trường nước. Hiện tượng này phù hợp kết quả phân tích chất lượng nước biển khu vực vệt nước mầu đỏ tại cảng Vũng Áng, cảng Sơn Dương, Âu thuyền xã Kỳ Hà có Amonia vượt từ 31,2 đến 257 lần quy chuẩn cho phép. Từ trước tới nay, đã ghi nhận hiện tượng bùng phát mật độ tảo Noctiluca scintillans tại một số vùng ven biển tại Việt Nam.

Về vệt nước mầu đỏ tại khu vực ven biển Sơn Trà (TP Ðà Nẵng), qua quan sát bằng mắt thường thấy có mầu giống với vệt nước mầu đỏ tại tỉnh Hà Tĩnh và Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, do Sở TN và MT thành phố Ðà Nẵng không tiến hành thu mẫu thực vật phù du nên không có căn cứ xác định cụ thể hiện tượng này.

★ Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, trong tháng 3-2017, dải áp thấp xích đạo vẫn có xu hướng hoạt động mạnh và tác động đến khu vực phía nam, do vậy khu vực phía nam của Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có thể xuất hiện mưa trái mùa. Trong tháng ba, khu vực miền bắc có thể chịu ảnh hưởng từ ba đến bốn đợt không khí lạnh với cường độ không mạnh.

★ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) vừa có Thông báo số 78/TWPCTT-VP ngày 1-3, về việc ứng phó rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển. Theo đó, đề nghị ban chỉ huy PCTT các tỉnh, thành phố thuộc Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động ứng phó.

★ Tỉnh Nam Ðịnh đang tập trung ngăn cúm gia cầm A/H5N1 lan rộng. Từ đầu năm 2017 đến nay, dịch đã bùng phát tại ba xã thuộc huyện Vụ Bản và Trực Ninh. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hộ kinh doanh, vận chuyển động vật, cơ sở giết mổ, sơ chế sản phẩm từ động vật... Cùng với đó, các địa phương tổ chức tiêm phòng 1,5 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm của các xã có dịch, nơi có ổ dịch cũ và khu vực nguy cơ cao.

★ Tại Nghệ An, từ đầu năm 2017 đến nay xảy ra sáu ổ dịch cúm gia cầm tại các huyện Ðô Lương, Diễn Châu và TP Vinh. Tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường công tác giám sát, báo cáo dịch bệnh; rà soát, thống kê các trang trại, các hộ chăn nuôi gia cầm lớn trên địa bàn, yêu cầu gia cầm tiêm vắc-xin phòng cúm cho toàn bộ gia cầm…