Đại học Quốc gia Hà Nội phản hồi thông tin liên quan đến Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023

NDO - Trước một số thông tin trên mạng xã hội liên quan đến Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 của Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 26/4, GS, TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí (Đại học quốc gia Hà Nội) đã có những thông tin trao đổi làm rõ một số nội dung liên quan.
0:00 / 0:00
0:00
Thí sinh tham dự Kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội thi trực tiếp trên máy tính tại nhiều điểm thi trên cả nước.
Thí sinh tham dự Kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội thi trực tiếp trên máy tính tại nhiều điểm thi trên cả nước.

GS, TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết: Tính đến ngày 26/4, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận được 88.910 lượt đăng ký dự Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023.

Các đợt thi tháng 3 và tháng 4 đã hoàn thành, phục vụ 43.761 thí sinh với tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 97,3%.

Thí sinh đạt điểm cao nhất 129/150, thấp nhất 31/150. So với cùng kỳ năm 2022, điểm trung bình năm nay giảm 2,4 điểm. Phổ điểm ổn định theo từng đợt thi, số thí sinh đạt từ 100 điểm trở lên chiếm 4,4%.

Kết quả thống kê các đợt thi đầu tiên cung cấp thông tin quan trọng cho các trường đại học xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào phù hợp theo lĩnh vực, nhóm ngành đào tạo.

Đến thời điểm hiện tại, có 74 trường đại học công bố sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển.

Về việc có thí sinh vi phạm kỷ luật thi sau 4 đợt thi năm 2023, GS, TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết: Theo Quy chế thi đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông của Đại học Quốc gia Hà Nội, thí sinh có các vật dụng không được mang vào phòng thi, thí sinh sao chép, tiết lộ một phần câu hỏi, dữ kiện của đề thi trong quá trình làm bài hoặc sau khi kết thúc đợt đều bị đình chỉ thi, hủy kết quả bài thi và dừng phục vụ các đợt thi còn lại.

Năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai sử dụng thiết bị dò quét kim loại, truyền tin trước khi thí sinh vào khu vực thi đã ngăn ngừa thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.

Hầu hết thí sinh bị đình chỉ thi do sử dụng atlat Địa lý Việt Nam có ghi các công thức, ký hiệu thêm, chép đề thi…; một số thí sinh cố tình tiết lộ một phần dữ liệu câu hỏi thi sau khi kết thúc đợt thi cũng bị phát hiện và hủy kết quả thi theo đúng quy chế.

Tổng số thí sinh bị đình chỉ và hủy kết quả thi đến thời điểm này là 30 thí sinh. Các đợt thi tới, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục tuyên truyền nhắc nhở thí sinh tuân thủ đúng quy chế thi.

Liên quan đến việc lan truyền ý kiến cho rằng câu hỏi thi lặp lại trong các đợt thi, GS, TS Nguyễn Tiến Thảo nêu rõ: Đại học Quốc gia Hà Nội xác nhận là có một tỷ lệ dưới 0,5% câu hỏi lặp lại vì máy tính làm việc khách quan quét từ ngân hàng câu hỏi được rút ra từ ngân hàng dữ liệu đề thi.

Với 43.761 thí sinh dự thi thời gian qua, thì xác suất trùng lặp tuyệt đối câu hỏi là vô cùng thấp. Như vậy bảo đảm tính khách quan, khoa học của hoạt động kiểm tra đánh giá độc lập.

Đối với ý kiến phản ánh trên mạng xã hội về số lượng câu hỏi của mỗi phần (môn thi) ở các đề thi khác nhau, GS, TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết: Trong phần giới thiệu bài thi HSA, Trung tâm Khảo thí đã nêu rõ bài thi gồm 150 câu hỏi tính điểm, kèm theo 1-3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm.

Do đó, nếu như số câu hỏi của phần Lý có thể có 11 câu hỏi, nhưng chỉ tính điểm cho 10 câu. Nếu đề thi của một thí sinh có 11 câu hỏi Lý, thì thí sinh khác sẽ có 11 câu hỏi Hóa hoặc Sử…

Bài thi có cộng thêm thời gian làm bài cho câu thử nghiệm không tính điểm. Câu thử nghiệm cũng có thể lặp lại trong một vài đợt thi đôi khi làm thí sinh nghĩ đề thi lặp lại.

Nguyên tắc của thử nghiệm phải kiểm nghiệm chéo và đủ số lượng phản hồi mới đủ độ tin cậy của câu hỏi chuẩn hóa.

Hằng năm, Quy chế thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội quy định bổ sung tối thiểu khoảng 20% câu hỏi mới nên việc lồng ghép câu hỏi thử nghiệm trong đề thi chính thức góp phần tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi.

Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc Gia Hà Nội cũng lưu ý, các nhóm luyện thi cũng truyền thông về kỳ thi Đánh giá năng lực rất nhiều, nhưng mục đích lôi kéo thí sinh dự thi.

Đại học Quốc gia Hà Nội xác minh được rằng, một số nhóm luyện thi lập tài khoản ảo để lôi kéo thí sinh; giả làm thí sinh vừa thi đạt 126/150, nhưng thực tế đến thời điểm này không có thí sinh đạt điểm 126.

Điểm chung nhất là các tài khoản thảo luận đều là tài khoản ảo và không có thông tin xác thực. Nếu không tỉnh táo, thí sinh sẽ bị các tài khoản ảo kéo vào ma trận luyện thi.

Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã có quy chế phối hợp với Bộ Công an trong đó có hạng mục về bảo vệ an toàn kỳ thi đánh giá năng lực. Các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm sẽ được tập hợp thông tin, hồ sơ chuyển cho đơn vị chức năng xử lý thời gian tới.