Đó là, IPG (Đại học Lạc Hồng) với dự án Bảng điện thông minh đoạt giải Vô địch; Đội Giao thoa Tech (dự án Khóa Thông minh cho nhà cho thuê online) đoạt giải Siêu việt; đội D-Family (dự án Giải pháp trồng trọt cho hộ gia đình) được trao giải Ứng dụng; Đội Temo (dự án Hệ thống đo kinh lạc ứng dụng trong Đông Y) được trao giải Triển vọng.
Kết quả, Giải vô địch trị giá 150 triệu đồng thuộc về đội IPG với Dự án Bảng điện thông minh có tính thực tiễn cao, đơn giản và hiệu quả, phù hợp xu thế IoT trong lĩnh vực điện gia dụng.
Giải Siêu việt trị giá 90 triệu đồng thuộc về đội Giao thoa Tech với dự án Atovi Smart Lock (Khóa Thông minh cho nhà cho thuê online) có giải pháp độc đáo, sáng tạo, tính khả thi trong thị trường ngách kết hợp các dịch vụ HomeStay, AirBnB.
Đội D-Family đạt giải ứng dụng trị giá 70 triệu đồng với dự án Giải pháp trồng trọt cho hộ gia đình có tính hoàn thiện cao, thực tế, phù hợp xu thế nông nghiệp thông minh cho gia đình.
Giải triển vọng trị giá 60 triệu đồng thuộc về Đội Temo với dự án Hệ thống đo kinh lạc ứng dụng trong Đông Y có tính mới, sáng tạo trong kết hợp Đông Y và công nghệ, có triển vọng phát triển trong lĩnh vực tư vấn, chăm sóc sức khỏe cá nhân.
Ngoài các giải thưởng bằng tiền mặt và hiện vật với tổng trị giá lên tới 600 triệu đồng, Viettel cam kết sẽ đồng hành và cùng với các tác giả xây dựng các sản phẩm đoạt giải trong vòng một năm.
Ông Phùng Văn Cường, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel cho rằng, IoT hiện là xu hướng và có tiềm năng rất lớn trên thế giới. Đối với Việt Nam, những sản phẩm IoT đã và đang triển khai vẫn chưa có sự nổi trội và thành công một cách xuất sắc. Do đó, Viettel mong muốn cộng đồng khởi nghiệp quan tâm đến vấn đề này, để nắm bắt kịp với xu hướng thế giới và cung cấp những sản phẩm tốt nhất ra thị trường.
Cuộc thi Vietnam IoT Hackathon 2017 chỉ là một sân chơi nhỏ, nhưng chứa đựng một thông điệp lớn mà Viettel muốn truyền tới cộng đồng khởi nghiệp: Viettel luôn sẵn sàng hỗ trợ các Start Up bằng tất cả các tiềm lực mình đang có.