Tỷ lệ trẻ em được tiêm đủ ba liều vaccine phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP3), thước đo đánh dấu tỷ lệ bao phủ vaccine giữa các quốc gia, đã giảm 5 điểm phần trăm từ năm 2019 đến năm 2021, xuống còn 81%. Tình trạng sụt giảm này xảy ra do nhiều yếu tố, như: gián đoạn dịch vụ và chuỗi cung ứng, chuyển hướng nguồn lực sang các nỗ lực ứng phó với đại dịch, hạn chế nguồn cung vaccine…
“Đây là báo động đỏ về sức khỏe trẻ em. Chúng ta đang chứng kiến mức sụt giảm liên tục lớn nhất về tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em trong một thế hệ. Mặc dù năm ngoái chúng ta có thể lường trước việc đình trệ do đại dịch gây ra, nhưng hiện nay chúng ta vẫn thấy sự sụt giảm liên tục. Covid-19 không phải là một cái cớ. Chúng ta cần tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em”, bà Catherine Russell, Giám đốc điều hành UNICEF chia sẻ.
Bà Catherine Russell. (Ảnh: news.un.org) |
Trên toàn thế giới, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng virus gây u nhú ở người (HPV) đã giảm đi hơn một phần tư so tỷ lệ đạt được vào năm 2019. Tỷ lệ bao phủ vaccine giảm ở mọi khu vực, trong đó khu vực Đông Á và Thái Bình Dương ghi nhận mức sụt giảm cao nhất về tỷ lệ bao phủ DTP3, giảm 9 điểm phần trăm chỉ trong 2 năm.
“Việc lập kế hoạch và ứng phó đại dịch Covid-19 cần phải đi đôi với việc tiêm chủng phòng ngừa những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: sởi, viêm phổi và tiêu chảy”, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, cho biết. “Đây không phải là vấn đề chọn một trong hai, chúng ta có thể làm cả hai việc này”, ông nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Reuters) |
Tại Việt Nam, năm 2021 ước tính có khoảng 251.972 trẻ em đã bỏ lỡ một hoặc nhiều liều DTP trong chương trình tiêm chủng thường xuyên. Số trẻ em bỏ lỡ một hoặc nhiều liều DTP đã tăng gấp gần 4 lần từ 63,001 em vào năm 2019 (trước đại dịch Covid-19) lên 251,927 em vào năm 2021. Hiện tại, 52 trong số 63 tỉnh, thành phố chưa đạt được tiến độ mục tiêu 90% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cơ bản được khuyến nghị khi các em khi tròn 12 tháng tuổi.
Để giải quyết tình trạng tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên thấp, Việt Nam đã và đang lên kế hoạch và triển khai tiêm bổ sung cho trẻ em ở các khu vực có độ bao phủ thấp. Thí dụ, từ tháng 3 đến tháng 6/2022, Việt Nam đã tiến hành tiêm chủng bổ sung (SIA) vaccine sởi-rubella (MR) và vaccine uống phòng bệnh bại liệt (bOPV) cho trẻ em từ 1 đến 5 tuổi và đã tiêm được một liều vaccine MR cho 144.448 trẻ em và cho uống bổ sung liều bOPV cho 141.866 trẻ em.
“Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực để đưa việc tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em trở lại đúng hướng. Tôi mong muốn được thấy Việt Nam bắt kịp với những tiến bộ trước đây vì Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống tiêm chủng mạnh mẽ, hệ thống đã đứng vững trong đại dịch Covid-19 để cung cấp vaccine cho người dân một cách an toàn và hiệu quả”, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết.
“Cha mẹ cần nhận thức được rằng tiêm đầy đủ những vaccine được khuyến nghị cho con em mình là vô cùng cần thiết để ngăn chặn các trường hợp tử vong do những căn bệnh có thể phòng ngừa được”, bà nói thêm.
Cần có nỗ lực rất lớn để đạt được mức độ bao phủ toàn cầu và ngăn chặn bùng phát dịch bệnh. Tỷ lệ bao phủ vaccine sởi liều đầu tiên giảm xuống còn 81% vào năm 2021, cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2008. Điều này có nghĩa là 24,7 triệu trẻ em đã bỏ lỡ liều vaccine sởi đầu tiên vào năm 2021, cao hơn 5,3 triệu so với năm 2019. Thêm 14,7 triệu trẻ em nữa không được tiêm liều thứ hai.
Tương tự như vậy, so năm 2019, có thêm 6,7 triệu trẻ em bỏ lỡ liều thứ ba của vaccine bại liệt và 3,5 triệu trẻ em bỏ lỡ liều đầu tiên của vaccine HPV - loại vaccine bảo vệ trẻ em gái trước bệnh ung thư cổ tử cung khi lớn lên.
Sự sụt giảm mạnh trong 2 năm gần đây sau gần một thập kỷ không có sự gia tăng, đã nhấn mạnh nhu cầu không chỉ cần giải quyết những gián đoạn liên quan đến đại dịch mà còn cả những thách thức về tiêm chủng trên toàn hệ thống để bảo đảm tiếp cận được mọi trẻ em và thanh thiếu niên.
WHO và UNICEF đang hợp tác với Gavi, Liên minh vaccine và các đối tác khác để thực hiện Chương trình tiêm chủng toàn cầu 2030 (IA2030), một chiến lược dành cho tất cả các quốc gia và các đối tác toàn cầu có liên quan nhằm đạt được các mục tiêu đề ra về phòng ngừa bệnh tật thông qua tiêm chủng và cung cấp vaccine cho mọi người, mọi nơi, ở mọi lứa tuổi.
Các đối tác của IA2030 kêu gọi các chính phủ và các bên liên quan:
• Tăng cường nỗ lực tiêm bổ sung để giải quyết tình trạng thụt lùi trong hoạt động tiêm chủng thường xuyên, đồng thời mở rộng dịch vụ tiếp cận tại các khu vực chưa được tiêm chủng nhằm tiếp cận trẻ em chưa được tiêm vaccine bao gồm tổ chức các đội tiêm chủng lưu động tới các khu vực có nguy cơ cao và thực hiện các chiến dịch ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát.
• Xây dựng năng lực cho nhân viên tiêm chủng ở mọi cấp bao gồm tập huấn và tập huấn lại để họ có thể thực hiện tốt hơn việc tiêm chúng trong tình hình mới.
• Thực hiện các chiến lược dựa trên bằng chứng, lấy con người làm trung tâm và được tùy chỉnh để xây dựng sự tin tưởng vào vaccine và tiêm chủng, xử lý thông tin sai lệch và tăng cường tiếp nhận vaccine, đặc biệt là giữa các cộng đồng dễ bị tổn thương.
• Bảo đảm những nỗ lực tăng cường trong công tác chuẩn bị và ứng phó với đại dịch và các cấu trúc y tế toàn cầu sẽ mang lại những khoản đầu tư vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, với những hỗ trợ cụ thể nhằm tăng cường và duy trì việc tiêm chủng các vaccine thiết yếu.
• Bảo đảm cam kết chính trị của các chính phủ và tăng cường phân bổ nguồn lực trong nước nhằm bảo đảm cung ứng đẩy đủ vaccine và các dụng cụ tiêm chủng để tăng cường và duy trì hoạt động tiêm chủng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.
• Ưu tiên thông tin y tế và củng cố hệ thống giám sát dịch bệnh nhằm cung cấp dữ liệu và sự giám sát cần thiết để các chương trình đạt được tác động tối đa.
• Tận dụng và tăng cường đầu tư vào nghiên cứu để phát triển và cải tiến các loại vaccine và dịch vụ tiêm chủng mới và hiện có để có thể đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và đạt được các mục tiêu của IA2030.