Chiều 27/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Có sự trùng lắp về mục đích giữa 2 quỹ
Góp ý về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết mục đích của quỹ là rất tích cực, tuy nhiên khi đặt quỹ này trong tổng thể các quy định của dự thảo Luật đang được xây dựng thì có sự trùng lắp về mục đích với Quỹ dự trữ bắt buộc. Theo dự thảo Luật, mục đích của Quỹ dự trữ bắt buộc là để bổ sung vốn chủ sở hữu và bảo đảm khả năng thanh toán, do vậy cũng bao hàm cả mục đích và đối tượng hướng đến của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.
Thực tế cho thấy sau gần 12 năm thành lập và trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, vẫn chưa phải sử dụng đến nguồn quỹ này. Trong hồ sơ dự án Luật, quỹ cũng ít có khả năng phải sử dụng.
Nêu vấn đề một quỹ ít có khả năng phải sử dụng đến, trong khi vẫn duy trì một quỹ khác có chức năng, mục đích tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Quốc hội có thể cân nhắc việc không tiếp tục duy trì Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm như Phương án 1 đã nêu trong dự thảo Luật.
Đại biểu phân tích thêm, việc duy trì hai quỹ song song sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và cho cả người được bảo hiểm vì các chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, nếu duy trì hai quỹ trong quá trình thực thi, trường hợp phải sử dụng nguồn quỹ trên để thanh toán cho người được bảo hiểm sẽ còn phát sinh thêm vấn đề phân chia tỷ lệ chi trả của từng quỹ, mỗi quỹ bao nhiêu phần trăm và người được bảo hiểm nhận thanh toán từ nguồn quỹ khác nhau.
Trước những bất cập trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga tán thành không tiếp tục duy trì trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; đồng thời cho rằng, cần phải có những quy định rõ ràng về quản lý sử dụng hiệu quả số dư hiện nay.
Có chung quan điểm, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) và đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) cũng đề xuất bỏ quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và sửa đổi Điều 154 về điều khoản chuyển tiếp, giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư quỹ, yêu cầu phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Duy trì trích nộp quỹ phòng trường hợp xấu xảy ra
Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lại cho rằng cần tiếp tục duy trì quỹ nhằm bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, qua đó góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm. Theo đại biểu, việc 12 năm qua quỹ này vẫn chưa được sử dụng là đáng mừng bởi điều này cho thấy các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, trong hoạt động có những phức tạp khó lường, do đó việc trích lập quỹ là cần thiết vì khi có trường hợp xấu xảy ra, quỹ sẽ được dùng để chi trả cho người mua bảo hiểm, bảo đảm họ không bị mất quyền lợi.
Đại biểu Phạm Văn Hòa lưu ý cần đánh giá kỹ nguồn hình thành quỹ bao gồm từ nguồn nào, đồng thời đề xuất có thể cho phép doanh nghiệp được trích một phần quỹ để phục vụ kinh doanh và không làm lãng phí nguồn lực; và việc trích lại quỹ tỷ lệ bao nhiêu sẽ do Chính phủ quy định.
Giải trình, làm rõ về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết quỹ này được tính vào chi phí bảo hiểm, trước đây mức trích nộp là 0,3% doanh thu, bây giờ Chính phủ đề xuất giảm xuống còn 0,05%. Như vậy sẽ có 3 lớp bảo vệ gồm ký quỹ, Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.
Bộ trưởng cho rằng không thể khẳng định khi một doanh nghiệp có 3 lớp bảo vệ thì không có khả năng xảy ra sự cố và mất khả năng thanh toán. Trong trường hợp đó, quỹ này sẽ được sử dụng để chi trả cho người tham gia bảo hiểm. Bộ trưởng cũng cho biết, trong trường hợp Quốc hội thống nhất bỏ trích nộp quỹ thì sẽ giao lại cho Chính phủ và Quốc hội xử lý số dư của quỹ.
Trước đó, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với phương án thứ nhất, đó là bỏ quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và sửa đổi Điều 154 về điều khoản chuyển tiếp, giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư quỹ.
Lý giải điều này, ông Thanh cho rằng dự thảo Luật đã chuyển từ phương thức can thiệp sau sang phương thức can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro, do đó đã nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong quản trị doanh nghiệp và kiểm soát tài chính, tăng cường yêu cầu đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp can thiệp sớm.
Ngoài ra, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của cả 2 quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm, do đó không cần thiết duy trì đồng thời cả 2 quỹ.