Đặc sắc lễ hội Lẩu then và Khao Sluông của người Tày, Nùng xứ Lạng

NDĐT - Từ bao đời nay, mỗi độ Tết đến Xuân về, bà con các dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn lại có dịp tổ chức lễ "Lẩu then" (Hội then). Đây là dịp để bà con dân bản cùng người thân ở nơi xa về gặp gỡ, thanh niên nam nữ có cơ hội làm quen, tìm hiểu, yêu đương nên vợ nên chồng; vui chơi giải trí lành mạnh. Hội then mang nhiều yếu tố văn hoá tâm linh, hưởng thụ văn hóa, văn nghệ đặc sắc của người Tày, Nùng xứ Lạng.

Các màn biểu diễn trong Lễ hội Lẩu then và Khao sluông của bà con dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn.
Các màn biểu diễn trong Lễ hội Lẩu then và Khao sluông của bà con dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn.

Chủ tịch câu lạc bộ dân ca tỉnh, ông Vi Hồng Nhân cho biết: Lẩu then thường tổ chức vào dịp đầu Xuân sau Tết Nguyên đán. Xuân về gợi cảm con người với thiên nhiên, gắn bó lòng mình với quê hương đất nước, gợi nhớ tổ tiên, đoàn kết xóm làng. Mùa xuân cũng gợi mở trong lòng mỗi con người biết bao khát vọng ước mơ về một tương lai phồn vinh và hạnh phúc. Lẩu then là dịp gặp gỡ hội tụ nhiều lứa tuổi về đây sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tâm linh, các bậc cao niên đã qua rồi một thời sắc xuân sôi động, đến đây để nhớ lại những kỷ niệm xưa còn lưu giữ mãi mãi. Còn các nam thanh, nữ tú thi coi đây là là dịp gặp gỡ giao lưu trò chuyện, tâm tình yêu đương.

Để có được ngày Lẩu then đúng với ý nghĩa của nó bà then chính và các “lục pựt” (học trò của then) phải chuẩn bị hằng tháng, công việc bận rộn nhất diễn ra trước vài ngày mở hội, người thì gấp chim én bằng giấy ngũ sắc, rồi sâu lại thành từng dây treo trên bàn thờ then, người làm những chiếc “cầu hoa” bằng nứa giống như một cái thang, mỗi bậc dán một tờ giấy bản trắng hình vuông to bằng ô thang có các họa tiết trạm trổ rất đẹp để trang trí. Những sâu bánh dày nặn nhỏ có hoa văn bằng giấy đỏ dán ở giữa treo cạnh sâu chim én, một buồng chuối rừng rất to còn cả pi (hoa chuối) đỏ thẫm tượng trưng cho âm dương và sự sinh sôi nảy nở, cùng với dao, cuốc, thuổng là công cụ sản xuất được sắp xếp trình tự trên bàn then. Phía trước bàn thờ có một bát hương được cắm “dấu hoa thị” đúc bằng đồng hình vuông dẹt mỏng đó là “cân”của then (tức là dòng tên thờ của bà then).

Lễ hội Lẩu then ở gia đình bà Mông Thị Sấm, thị trấn Cao Lộc (Lạng Sơn).

Sau các nghi thức ban đầu như cắm hương vào bát nhang có ấn, bà then xòe quạt nhấp chén nước thanh thảo để tẩy trần về với người của trời rồi truyền cho các “lục pựt” cùng nhấp theo, hát đoạn dạo đầu rồi bà dẫn một đạo “quân âm binh” đi lên chầu “Ngọc Hoàng”. Từ đoạn “phát tàng” (mở đường) ra đi vào rừng sâu “thấu quan, thấu nạn” (săn hươu, săn nai) rồi đi suốt vào rừng đại ngàn tới “quá đông ngoảng” (qua rừng ve sầu). Đêm về khuya, trong cảnh tĩnh mịch của núi rừng, cùng với âm thanh cây đàn tính bà then ngồi tự sự, kể những nỗi gian truân, vất vả, đưa người nghe lọt vào một thế giới mơ tưởng đầy huyền thoại. Chuyện kể về con ve sầu suốt ngày kêu than thảm thiết, về nỗi an ức của mình là con trời ngày xưa bị đầy xuống trần gian hóa thân (lột xác) thành con ve sầu!

TS Hoàng Văn An, nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật Lạng Sơn nhận xét, trong các đoạn hát then thường có câu ca mang ý nghĩa nhắc nhở người nông dân về thời vụ, có tính nông lịch. Cụ thể như:

Lời then cổ: “Bươn slam lảm chả

Bươn hả lảm nà

Hóc nguột, lồng nặm piến đa

Chất nguột, khỉn khau phia piến ngoảng

Khỏi là lục nàng Bân mừa đía.

Lược dịch: “Tháng ba chăm mạ

Tháng năm chăm lúa

Tháng sáu, xuống nước hóa thành muồm muỗm

Tháng bảy lên rừng lột xác biến thành ve

Tôi là con trời ngày xưa”.

Hoặc như những câu ca mang giai điệu bay bổng phù hợp với một vùng biên cương hiểm trở, được ví với những con chim én khát khao tự do, tung cánh cùng bay sóng đôi trên nền trời xanh.

Lời cổ: “Tốp píc én bân sloong

Rộng cánh én bân slung

Thắng cảnh bân đuổi lầm, đuổi moóc

Tốp píc én khỉn lót mường bân”.

Lược dịch: “Vỗ cánh én bay đôi

Rộng cánh en bay cao

Thẳng cánh bay với mây, với gió

Vỗ cánh én bay lên tít trời xanh”

Trong Lẩu then còn có các đoạn “khảm hải” (vượt biển) nghe thống thiết và “khứn háng Tam Quang” (lên chợ trời) diễn tả không khí chợ tấp nập, đông vui bên chợ vải, chợ hoa trên trời rồi “khẩu tu vua” (vào cửa vua)… Tất cả các chương đoạn này đều đi sâu vào lòng người một cách tự nhiên thích thú.

Then có nhiều chương đoạn, nhiều chuyện kể tùy theo mỗi vùng, mỗi địa phương mà có chỗ khác nhau. Hiện nay, nhiều bà then ở các câu lạc bộ hát then trên địa bàn tỉnh đã cố gắng ghi chép lại lời hát then cổ ngày xưa rất phong phú. Nào là “khao noọng, khao nàng”, “Quang bân”, “truyền quân pắt mẻ ngoảng”… “phong bân - phong cộ”, “khứn háng Tam Quang”… Tất cả nội dung đều sinh động, ca ngợi cuộc sống bình yên, cũng như đấu tranh sinh tồn của con người với thiên nhiên.

Cũng như lễ hội Lẩu then, lễ hội “Khao sluông” (tạm dịch mừng Xuân) cũng thực sự là ngày hội văn hóa. Để có ngày hội Khao sluông vui tươi, lành mạnh, các cô gái trẻ trong làng chưa có chồng đi vào rừng kiếm hoa xuân, có hai thứ hoa không thể thiếu được đó là:

“Bjoóc rầm hom ón”

“Bjoóc phón hom van”

Tạm dịch: Hoa rầm thơm mát

Hoa phón thơm ngọt ngào.

Hoa được chặt cả cành rồi bó lại thành từng bó buộc vào một cái sào dài để ngoài sân đợi ngày mang ra mở hội. Không khí chuẩn bị cho ngày hội Khao sluông rất khẩn trương, nhộn nhịp và sôi động.

Buổi lễ Khao sluông thường được tổ chức vào buổi sớm mai nắng xuân dịu dàng trải trên thảm cỏ xanh. Bà then chính cùng các “lục pựt” sẽ tổ chức một số nghi lễ khấn Ngọc Hoàng bà then cùng các "lục pựt" đóng vai các tiên nữ ở trên trời hạ giới xuống trân gian hát lượn đối đáp giao duyên với người trần. Đây là lúc đẹp nhất, các trai tài, gái sắc thi nhau hát lượn trao duyên, xuất khẩu thành chương, hoa và người đắm mình trong không khí ấm áp đậm sắc xuân, tâm hồn bâng khuâng, thanh thản và hạnh phúc.

Sau cùng là chia tay hẹn năm sau gặp lại, mọi người mua hoa mạng lộc về nhà, gọi là mua hoa nhưng thật sự ra mọi người thi nhau xem ai lấy được nhiều hoa đem chất thành núi cao ở cuối chợ, rồi bà then đem buồng chuối ném lên núi hoa tương trưng cho sự sống bình an, hòa nhập hướng niềm tin vào một tương lai ấm no và hạnh phúc.

Có thể nói “Lẩu then” và “Khao sluông” là một hình thức lễ hội mà các nghi lễ ở đây có ý nghĩa tâm linh là chính, phần hội bao gồm các điệu múa và trò diễn… nhằm tạo ra không khí vui tươi thoải mái, tất cả đều mạng đậm dấu ấn văn hóa dân gian. Trong lễ hội “Lẩu then” và “Khao sluông” có sự tổng hợp các yếu tố “văn hóa dân gian như: nghệ thuật trang trí hội họa, âm nhạc, múa, lời ca, huyền thoại và trò diễn… xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử mang theo dấu ấn địa lý (vùng và miền) của người Tày, Nùng cư trú. Tất cả đều bố cục thành chương, đoạn dễ đi vào lòng người theo kiểu tự sự. Nhờ đó nó đã góp phần khơi dậy, bảo tồn các nét đẹp văn hóa trong các lễ hội, tạo ra không khí thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh tế, xã hội của địa phương trong một năm mới.

Có thể bạn quan tâm