Đặc sắc lễ hội cầu ngư

Cứ ba năm một lần, ngư dân vùng biển xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) tổ chức Lễ hội cầu ngư Lăng Thần Nam Hải Mỹ Tân (còn gọi là Lễ hội Nghinh Ông), nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, thuyền đầy tôm cá. Lễ hội đã thu hút đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của ngư dân nơi đây.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn tàu thực hiện nghi thức lễ rước linh hồn Ông Nam Hải vào bờ.
Đoàn tàu thực hiện nghi thức lễ rước linh hồn Ông Nam Hải vào bờ.

Lễ hội Nghinh Ông thường diễn ra trong thời gian năm ngày (từ 11-15/3 âm lịch hằng năm). Nhiều ngày trước đó, không khí chuẩn bị vui đón những ngày diễn ra lễ hội của ngư dân vùng biển rất nhộn nhịp.

Nhà nhà, người người tất bật tuyển chọn những chiếc tàu lớn nhất vùng để trang trí mầu sắc lộng lẫy, treo cờ, hình ảnh liên quan đến đời sống tâm linh của ngư dân và chọn những thanh niên khỏe mạnh để tập luyện những màn trình diễn múa lân, sư, rồng, múa náp… biểu diễn trong lễ hội, nhằm bày tỏ sự tôn kính, tri ân cá voi - loài cá được ngư dân gọi là “Ông” từ đời này qua đời khác. “Ông” đã cứu sống nhiều người dân gặp nạn trên biển, cho nên ngư dân luôn nhớ đến công ơn và lập lăng để thờ cúng.

Từ sáng sớm, khắp đường làng, ngõ xóm đều treo cờ Tổ quốc, cờ phướn…; nhà ở của ngư dân cũng được bài trí khang trang. Đúng 12 giờ, mọi người tập trung tại lăng ông Nam Hải để cúng lễ. Tiếp đó, đoàn cúng lễ hội đi về khu vực cảng cá Mỹ Tân để thực hiện nghi thức nghinh thần, phần nghi lễ đặc sắc, thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương thưởng lãm.

Trong nghi thức này, ngư dân làng biển Mỹ Tân, xã Thanh Hải sẽ nghinh thần từ ngoài biển vào vùng dân cư (còn gọi là lễ rước linh hồn Ông Nam Hải). Theo phong tục, lễ rước được bố trí hàng chục chiếc tàu to nhất làng cùng với những ngư dân khỏe mạnh, can trường nhất, tinh thần sảng khoái nhất… đã được tuyển chọn đứng xếp hàng nghiêm trang trước mũi tàu và hai bên sườn tàu. Trong đó, ba chiếc tàu to được ghép chặt vào nhau, khởi hành từ lăng Ông Nam Hải hướng ra biển khơi.

Trên tàu ghép vị trí trung tâm, bà con lập hương án ở mũi tàu, chở theo ban nghi lễ cùng đội nhạc, chiêng trống, cờ phướn, lọng che rất uy nghiêm. Tàu bên trái và bên phải chở hai đoàn lân, sư, rồng, đoàn múa náp (múa siêu) cùng các bậc hào lão, kỳ mục. Theo sau là hàng chục tàu khác của ngư dân nối đuôi nhau vươn khơi theo hướng mặt trời mọc.

Khi đã vươn khơi hơn một hải lý, tàu chính rẽ phải chạy lên hướng Hòn Đỏ, rồi ngược lại đến Hòn Chông và dừng lại. Theo các cụ cao tuổi trong làng, kể từ lúc lập làng đến nay, đây là hai vị trí thường được “Ông” đưa người gặp nạn tấp vào và thoát chết mỗi khi gặp giông bão trong lúc ra khơi đánh bắt hải sản. Ghi nhớ công ơn đó, dân làng đã lập lăng để tưởng nhớ và thờ cúng.

Khi dừng lại ở Hòn Chông, trên tàu nổi lên một hồi trống hiệu, chủ tế sẽ thực hiện nghi thức dâng hương và cầu khấn theo lễ tục. Khoảng gần một giờ đồng hồ thì lễ cúng hoàn tất, cả đoàn người trên các tàu cùng hò reo vang dậy với tinh thần phấn khởi và cùng quay mũi tàu chạy hướng vào bờ.

Ông Nguyễn Khắc Thuận, Phó trưởng Ban tổ chức Lễ hội cầu ngư Lăng Thần Nam Hải Mỹ Tân ở xã Thanh Hải cho biết: Năm nay, cùng với lễ nghinh thần còn có nhiều nghi thức khác như: Lễ thỉnh sinh, lễ giỗ tiền hiền, lễ tế chánh Ông Nam Hải, lễ tế hội đồng khai tràng, ca diên, hát tuồng và cuối cùng là lễ tôn vương nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp, tri ân các bậc tiền nhân và các chư vị Ngư Thần, thể hiện lòng thành kính, đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Đã bao đời qua, lễ hội cầu ngư là món ăn tinh thần không thể thiếu của cư dân vùng biển. Qua đó, bà con cầu mong “mẹ biển” phù hộ ngư dân khi vươn khơi khai thác hải sản được an toàn, thuận buồm xuôi gió, thuyền đầy cá, tôm…

Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngư dân địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, trò chơi mang đậm văn hóa vùng biển, giúp thắt chặt hơn nữa tinh thần đoàn kết, gắn chặt tình làng nghĩa xóm, cùng vươn lên trong cuộc sống.

Ngư dân Lê Trọng Hiền, ở làng biển Mỹ Tân, chia sẻ: “Nhờ thần biển phù hộ cho nên những tháng đầu năm 2023, tàu, thuyền ra khơi khai thác đều đạt sản lượng lớn với nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao, mọi nhà đều no ấm”.

Dịp này, bà con càng phấn khởi hơn khi Lễ hội cầu ngư Lăng Thần Nam Hải Mỹ Tân ở xã Thanh Hải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.