QUA VÙNG DI SẢN

Đặc sắc làng hương xứ Huế

Xứ Huế từ lâu nổi tiếng với nhiều di sản văn hóa, lịch sử… cũng như các làng nghề độc đáo chứa đựng hồn cốt của đất Cố đô, trong đó nổi bật là làng hương Thủy Xuân (TP Huế) bởi khung cảnh rực rỡ của những bó hương đa sắc xanh, đỏ, tím, vàng. Không quá sôi động và nhộn nhịp, làng hương Thủy Xuân có truyền thống lâu đời, mang một nét đẹp cổ kính ở xứ Huế và luôn cuốn hút du khách, nhất là các bạn trẻ khi ghé thăm.
0:00 / 0:00
0:00
Làng hương trầm truyền thống trải qua hàng trăm năm của người dân Thủy Xuân (thành phố Huế).
Làng hương trầm truyền thống trải qua hàng trăm năm của người dân Thủy Xuân (thành phố Huế).

Cách trung tâm thành phố Huế chỉ khoảng 7km, làng hương Thủy Xuân nằm trên trục đường Huyền Trân Công Chúa, phường Thủy Xuân, TP Huế (Thừa Thiên Huế). Cùng với đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức, Đồng Khánh…, làng hương có tuổi đời hàng trăm năm này đã góp phần gắn kết và tạo nên tuyến du lịch tham quan, trải nghiệm văn hóa, di sản Huế hấp dẫn du khách.

Nghề làm hương ở Thủy Xuân hình thành từ thời nhà Nguyễn, cách nay khoảng 700 năm. Thời xưa, đây là nơi cung cấp hương cho cung đình và người dân trong vùng Thuận Hóa - Phú Xuân. Không quá nhộn nhịp hay sôi động, làng hương Thủy Xuân vẫn lưu giữ một nét đẹp cổ kính mà cuốn hút, với những bó hương đa sắc, rực rỡ và nổi bật.

Thời gian trước khi còn thiếu dụng cụ và nguyên liệu, bó hương chỉ có hai mầu cơ bản là nâu và đỏ. Với khối óc sáng tạo, thích tìm tòi học hỏi, các nghệ nhân đã nghiên cứu và chế tạo ra nhiều loại hương với những mầu sắc khác nhau. Mỗi chùm hương một mầu sắc, khi để cạnh nhau tựa như bông hoa nhiều mầu nở rộ.

Những năm gần đây, người dân làng hương Thủy Xuân phát triển loại hình du lịch làng nghề truyền thống kết hợp trải nghiệm nhằm quảng bá nghề đến du khách trong và ngoài nước. Làng hương Thủy Xuân có không gian lưu trữ nghề làm hương cổ truyền, một nét truyền thống của người dân ở vùng quê Việt Nam, trở thành một điểm đến check-in không thể bỏ lỡ dành cho du khách khi đến Huế.

Người làng hương Thủy Xuân không được đào tạo để trở thành làng nghề du lịch, nhưng với tấm lòng mộc mạc, chân chất, sự đón tiếp nồng hậu, họ đã trò chuyện, giới thiệu với du khách về đặc điểm của làng nghề. Ngày nắng ấm, hàng chục chiếc kệ được đặt cạnh con đường dẫn lên đồi Vọng Cảnh rực rỡ sắc mầu.

Mê mẩn vẻ đẹp từ những "đóa hoa" tre, Lê Thị Mỹ Anh, sinh viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: "Cũng bởi yêu những sắc mầu nơi đây nên mình muốn lưu giữ hình ảnh của tuổi thanh xuân ở làng hương Thủy Xuân. Không cần quá nhiều phụ kiện, có thể chỉ là chiếc quạt, hoặc nón lá là mình đã có ngay bộ ảnh yêu thích. Bởi chỉ với hoa tre, sắc mầu và sự sắp xếp có chủ ý của các nghệ nhân nơi đây, bản thân nó đã là một khung cảnh nên thơ, rực rỡ và lãng mạn".

Đến làng hương Thủy Xuân, du khách có thể trải nghiệm phương pháp làm hương truyền thống, từ cách se hương, cách tạo những mẻ hương thơm nức từ những nguyên liệu sẵn có trong nước như quế, sả, trầm... đồng thời sẽ được tự tay se nên một que hương.

Đây là một cơ hội trải nghiệm quý báu để du khách trải nghiệm nghề làm hương, cũng như cảm nhận những nét đẹp về văn hóa, con người và cuộc sống thường nhật của người dân xứ Huế, hay thích thú, trầm trồ khi tận mắt chứng kiến cách người thợ làm ra những cây hương trầm. Không đơn thuần chỉ là phát triển kinh tế, nghề làm hương trầm còn thể hiện được nét đẹp văn hóa tâm linh, tín ngưỡng ở vùng đất kinh kỳ linh thiêng xứ Huế.

Dần dần, nơi đây trở thành địa danh được đánh dấu trên sổ tay, cẩm nang của du khách. Hằng ngày, trên tuyến đường du lịch này có khoảng 20-25 đoàn khách du lịch đến đây để tham quan, thường là khách đi theo tua cố định.

Hiện nay, tại phường Thủy Xuân có hơn 100 hộ gia đình sản xuất hương trầm, thu nhập bình quân từ 5 triệu đến 7 triệu đồng/người/tháng. Trước đây, người dân bán hương cho các đại lý trung tâm TP Huế và các vùng lân cận, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, lái buôn phương xa đến tận nơi đặt mua hương trầm với số lượng lớn, nhất là trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán, lễ hội Festival Huế.

Thậm chí, làng nghề hương trầm Thủy Xuân còn xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Bên cạnh những điểm đặc sắc, thú vị của nghề làm hương trầm Thủy Xuân, con người vùng đất nơi đây còn thể hiện được những nét văn hóa tinh túy, đặc trưng của xứ Huế đến với du khách, thể hiện qua cách tiếp đón lịch thiệp, nhã nhặn, cùng với những đặc sản xứ Huế và các mặt hàng lưu niệm đặc sắc, tinh xảo luôn được bày bán sẵn để phục vụ du khách.

Tất cả đã tạo nên một làng nghề hương trầm Thủy Xuân nổi tiếng, níu chân biết bao du khách khi đến với thành phố Huế xinh đẹp.