Cách trung tâm thành phố Bắc Giang chưa đến 30km, chợ Vân thuộc thôn Hoàng Liên, xã Hoàng An, địa phương giáp sông Cầu, vốn là chợ làng từ xưa mà nay rộng hơn và buôn bán đông đúc, nhộn nhịp. Do vậy, chính quyền địa phương đã cho san bằng phẳng phần đất trống ở trước cửa đình rồi đổ bê-tông sạch đẹp để người dân họp chợ trên một diện tích rộng khoảng gần 3.000m2 với hồ nước và những cây cổ thụ xanh mát.
Theo người dân bản địa kể lại thì chợ này có từ khoảng hơn 100 năm trước. Chợ nằm ngay trước cửa đình làng Vân, một ngôi đình cổ được xây dựng từ thế kỷ XII, thời nhà Lê.
Trong thời kỳ vận động cách mạng tháng 8/1945, đình Vân từng là nơi diễn ra nhiều cuộc mít tinh, tuyền truyền của của các đồng chí lãnh đạo trung ương với các đảng viên và quần chúng nhân dân địa phương. Sau chiến tranh, đình Vân được phục dựng lại và được công nhận là “an toàn khu 2” của Hiệp Hòa cùng với các địa danh khác ở huyện này.
Chợ bán các mặt hàng nông sản địa phương. |
Hằng tháng, chợ họp theo phiên, vào các ngày có con số cuối là 2, 4, 7, 9 âm lịch. Các tiểu thương và đông đảo người dân trong vùng đến đây tập trung mua bán hàng hóa. Ở chợ Vân bán đủ các loại nông sản từ gạo, đỗ, lạc, ngô, khoai, rau,… trong đó đặc trưng nhất của huyện là măng rừng và quả trám. Đến mùa thu, trám đen, trám trắng chín rộ, nên có khá nhiều người bán và mua loại quả đặc trưng của vùng trung du miền núi này.
Nhiều cụ già chỉ đi bán mấy mớ rau, vài quả mướp và đôi ba nải chuối thu hoạch ở trong vườn nhà do không ăn hết. Đặc điểm dễ thấy nhất ở chợ Vân là những người bán hàng đa phần là các bà, các mẹ, vốn là những người nông dân mang những thứ từ trong ruộng vườn nhà hoặc tự chế biến thành đồ ăn rồi mang ra chợ bán. Rau xanh, nhìn tươi ngon và giá rẻ hơn nhiều so với ở thành phố nên có nhiều người về quê chơi tranh thủ mua một số rau củ quả để mang đi.
Tương nếp bán tại chợ. |
Ở chợ quê này, một trong những thứ bán khá nhiều là tương nếp, một loại tương khác biệt với những loại tương ở nơi khác. Loại tương nếp ở đây nhìn rõ những hạt gạo nếp to tròn, màu vàng óng, với mùi thơm ngọt tự nhiên. Nhà bà Phạm Thị Lý, ở Kè Vân, chuyên làm tương nếp để bán. Cứ đến phiên chợ Vân, bà Lý chở theo nhiều chai tương nếp thành phẩm, và cả mốc tương để bán cho những người muốn tự làm tương ở nhà.
Các sản phẩm làng nghề địa phương. |
Chợ Vân có cả những hàng lò rèn - một hình ảnh hiếm gặp ngay cả ở các chợ nông thôn bây giờ. Hàng rèn bán các nông cụ cho người nông dân để sản xuất nông nghiệp và có bếp than để rèn lại dao, liềm, cuốc, xẻng cho những ai có nhu cầu. Ông Nguyễn Văn Thắng ở xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa, năm nay gần 60 tuổi, chủ một hàng rèn tại chợ Vân, người đam mê theo đuổi nghề làm rèn từ nhỏ, theo nghề truyền thống từ ông nội truyền lại.
Ở chợ Vân, những người đến mua bán đều gửi xe vào trong bãi và tất cả cùng đi bộ để trao đổi hàng hóa, do vậy khung cảnh chợ khá êm đềm. Vì thế, đi chơi ở chợ Vân cũng là một trong những thú vui của những người muốn “bỏ phố về làng”.
Đình chợ Vân là một trong những di tích nằm trong quần thể các di tích của huyện Hiệp Hòa, được công nhận là “an toàn khu 2”, và mới đây, năm 2020 được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đình cổ và “an toàn khu 2” nằm ngay cạnh chợ truyền thống. Chợ và đình có mối gắn kết mật thiết từ xa xưa, nên mới có tên là đình chợ Vân.
Chợ làng Vân nằm bên đình cổ thuộc “an toàn khu 2”, lại ở trong một không gian rộng lớn với phong cảnh làng quê xanh mát, yên bình và cổ kính. Thời gian qua, chính quyền và nhân dân địa phương luôn quan tâm, trân trọng những nét văn hóa truyền thống và bảo tồn, phát huy những giá trị của di tích lịch sử cũng như văn hóa làng quê xưa.