Đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen thúc đẩy thỏa thuận hòa bình

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen Hans Grundberg ngày 4/10 kêu gọi các bên tham chiến tại Yemen khôi phục các nỗ lực hướng tới thỏa thuận rộng rãi hơn, nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 7 năm qua tại nước này, sau khi những nỗ lực gia hạn thỏa thuận ngừng bắn thất bại ngày 2/10.
0:00 / 0:00
0:00
Đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen Hans Grundberg phát biểu với báo giới tại Sanaa, Yemen, ngày 13/4/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen Hans Grundberg phát biểu với báo giới tại Sanaa, Yemen, ngày 13/4/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Grundberg nêu rõ: "Tôi kêu gọi các bên đối địch tại Yemen kiềm chế và cho phép tiến hành thảo luận, nhằm giúp Yemen thoát khỏi tình trạng bạo lực hoành hành tại nước này trong 7 năm qua".

Ông nhấn mạnh, đây là thời kỳ đặc biệt nhạy cảm tại Yemen, bởi "bất cứ sự cố nhỏ nào cũng có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng".

Theo đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen, 1 thỏa thuận mở rộng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thêm các chuyến vận chuyển nhiên liệu lần đầu tiên trong nhiều năm qua từ cảng Hodeidah ở Biển Đỏ do lực lượng Houthi kiểm soát, cũng như cho phép nối lại các chuyến bay thương mại đến và khởi hành từ sân bay Sanaa.

Ngày 2/10, ông Grundberg cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy hướng tới 1 thỏa thuận mở rộng giữa liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu và lực lượng nổi dậy Houthi tại Yemen, trong bối cảnh cả 2 bên đều đang chịu áp lực quốc tế phải đi tới 1 thỏa thuận.

Ông Grundberg đưa ra tuyên bố trên sau khi thỏa thuận ngừng bắn do Liên hợp quốc làm trung gian, có hiệu lực từ ngày 2/4 và đã được gia hạn 2 lần, không được gia hạn lần thứ ba do vấp phải sự phản đối của Houthi.

Theo ông, nguyên nhân khiến các bên không gia hạn thỏa thuận ngừng bắn là do bất đồng về những đề xuất mới nhất do Liên hợp quốc làm trung gian, liên quan tới việc trả lương cho công chức và lương hưu, tăng các chuyến vận chuyển nhiên liệu, bổ sung các chuyến bay hàng không, mở các tuyến đường bộ và tăng cường giảm leo thang quân sự.

Việc thỏa thuận ngừng bắn không được gia hạn đã dẫn đến làn sóng chỉ trích, chủ yếu nhắm vào Houthi, vì thỏa thuận ngừng bắn đã làm giảm đáng kể tình trạng bạo lực ở Yemen, cho phép sân bay Sanaa mở cửa trở lại và tạo điều kiện cho hàng chục tàu chở nhiên liệu cập cảng Hodeidah.

Cuộc xung đột kéo dài ở Yemen đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, phá hủy nền kinh tế và đẩy hàng triệu người Yemen vào cảnh nghèo đói.