Trong số 560 tình nguyện viên, có 80 người được tiêm giả dược, 105 tình nguyện viên là người cao tuổi trên 60, tình nguyện viên cao tuổi nhất là 76 tuổi. 375 tình nguyện còn lại được chia tiêm ba nhóm liều 25mcg, 50mcg và 75mcg.
Ở giai đoạn 2, vaccine NanoCovax được thử nghiệm đồng thời tại Học viện Quân y và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, tỉnh Long An do Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thực hiện, mỗi đơn vị tiêm cho 280 tình nguyện viên.
Hiện sức khỏe tất cả các tình nguyện viên đều ổn định. Sau tiêm, tình nguyện viên sẽ được lấy máu xét nghiệm kháng thể vào ngày thứ 28, 34, 42, ba tháng và sáu tháng kể từ mũi tiêm đầu tiên.
Sau 28 ngày nữa, 560 tình nguyện viên này sẽ tiếp tục được tiêm mũi 2 vaccine NanoCovax.
Do giai đoạn 2 phối hợp đa trung tâm nên thời gian thử nghiệm sẽ rút ngắn một nửa, chỉ còn hai tháng.
Đến tháng năm, nhóm nghiên cứu sẽ có dữ liệu để báo cáo Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, Bộ Y tế.
Trước đó, ngày 26-2, chương trình tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 vaccine NanoCovax do Học viện Quân y và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện, tiêm tại Hà Nội và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, Long An với tổng 560 tình nguyện viên độ tuổi từ 12-75.
NanoCovax là vaccine Covid-19 do Nanogen nghiên cứu, phát triển, sản xuất là vaccine phòng Covid-19 đầu tiên của Việt Nam được thử nghiệm trên người. Quá trình thử nghiệm lâm sàng Nano Covax được kỳ vọng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021.
Sau khi được cấp phép, Nanogen dự kiến cung cấp vaccine này với giá 120 ghìn đồng một liều, sản xuất 50-70 triệu liều một năm, trước mắt bảo đảm đủ nhu cầu trong nước, sau đó mới xuất khẩu.
Với giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19, kết quả cho thấy đã có kháng thể chống lại virus biến chủng mới tại Anh (B117).
Giai đoạn 2 chú trọng đánh giá kháng thể, đồng thời tìm kháng thể của người tham gia thử nghiệm chống lại biến chủng của virus SARS-CoV-2 tại Anh và Nam Phi.
Giai đoạn 3 giữ nguyên nguyên tắc, tuân thủ theo đúng các quy định, với cỡ mẫu khoảng từ 10 nghìn đến 15 ghìn đối tượng tham gia nghiên cứu, có thể mở rộng việc lựa chọn các đối tượng tham gia để bảo đảm tính phổ rộng cũng như những vấn đề liên quan đến tính khoa học (bao gồm tình nguyện viên tại các nước có dịch cộng đồng như Ấn Độ, Hungary, Bangladesh…).