Đà Nẵng: Xây dựng, nhân rộng mô hình về phòng cháy, chữa cháy

Sau một tháng cao điểm ra quân cao điểm thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới, Công an thành phố Đà Nẵng phối hợp các chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan, tuyên truyền sâu rộng đến từng tổ dân phố, khu dân cư; qua đó mang nhiều kết quả thiết thực, xuất hiện nhiều cách làm mới, mô hình hay, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác này.
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN TÙNG
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN TÙNG

Đợt phát động cao điểm xây dựng, nhân rộng mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy", "Điểm chữa cháy công cộng"; tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thực tập Phương án chữa cháy tại khu dân cư; kiểm tra, hướng dẫn bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và vận động hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay, bố trí lối thoát hiểm thứ 2 trên địa bàn thành phố, đã thực hiện được 1 tháng.

Đến nay, rất nhiều địa phương tại Đà Nẵng đồng loạt ra quân, đốc thúc các đơn vị triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến mới, đặc biệt nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy đến mỗi hộ gia đình, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, vì bình yên cuộc sống.

Trong đợt cao điểm, một số công an các đơn vị, địa phương chủ động nghiên cứu, áp dụng linh hoạt các giải pháp nhằm tiết kiệm kinh phí thực hiện vừa bảo đảm hiệu quả hoạt động, chủ động khảo sát giá, tự mua sắm các vật tư, trang thiết bị; sử dụng lực lượng công an và lực lượng nòng cốt tại khu dân cư hỗ trợ việc thi công, lắp đặt mô hình, qua đó giảm tối đa kinh phí thực hiện.

Lực lượng Công an thành phố Đà Nẵng rà soát xây dựng, ra mắt 146 mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy", 1.015 mô hình "Điểm chữa cháy công cộng"; tổ chức 531 buổi tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy kết hợp thực tập phương án chữa cháy với hơn 110 nghìn người dân tham gia.

Lực lượng Công an thành phố thực hiện kiểm tra, hướng dẫn gần 110.500 hộ gia đình, vận động hơn 162.200 hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay, hơn 202.200 hộ gia đình thực hiện mở lối thoát nạn thứ hai. Đây thật sự là nỗ lực rất lớn của các đơn vị liên quan, đặc biệt kêu gọi được sự đồng lòng, tham gia tích cực của từng hộ dân.

Chính các mô hình này là cánh tay nối dài của lực lượng chức năng, phản ứng kịp thời, nhanh nhạy nhất khi tại địa bàn có xảy ra hỏa hoạn, góp phần mang lại hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại địa phương, tạo sự chuyển biến nhận thức và kỹ năng ứng phó với sự cố của người dân tại cơ sở.

Hiệu quả của mô hình mang lại đó chính là vận động người dân có mặt kịp thời nhất, huy động tối đa lực lượng tại chỗ và sử dụng các phương tiện dập tắt.

Tại Đà Nẵng, tuy tình hình cháy, nổ cơ bản được kiềm chế, kiểm soát, kéo giảm; nhưng thực tế vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ phát sinh cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản do nhận thức chưa đầy đủ của đại bộ phận người dân về công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt tại các khu dân cư, hộ gia đình.

Đà Nẵng đặt mục tiêu đợt cao điểm này sẽ có 100% nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ và liền kề nhau tham gia mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy"; 100% các khu dân cư nằm sâu hơn 50m trong các kiệt, hẻm mà xe chữa cháy không thể tiếp cận xây dựng mô hình "Điểm chữa cháy công cộng"; 100% hộ gia đình có ít nhất một người được tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, trang bị tối thiểu một bình chữa cháy xách tay và mở lối thoát nạn thứ hai; 100% khu dân cư được tổ chức thực tập phương án chữa cháy; 100% hộ gia đình và hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh được kiểm tra, hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.

Đại tá Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho biết: Qua triển khai thực hiện đợt cao điểm cũng phát sinh một số vấn đề có liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy, xây dựng các mô hình tại các địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới, công an các địa phương, nhất là tại phường, xã khẩn trương rà soát, lập danh sách chính xác, đầy đủ và tổ chức thực hiện hoàn thành bốn mục tiêu đã đề ra của đợt cao điểm, nhất là công tác xây dựng mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy" một cách hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống, nhận thức của nhân dân về công tác phòng cháy, chữa cháy cũng được quan tâm. Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tích cực tham mưu chính quyền các cấp; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn nâng cao vai trò Cơ quan thường trực trong công tác phòng cháy, chữa cháy, nhân rộng cách làm hay, linh hoạt, sáng tạo và hỗ trợ các đơn vị, địa phương trong đợt cao điểm.

Để bảo đảm hiệu quả công tác phòng ngừa hỏa hoạn tại các khu dân cư, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra, cần nâng cao hơn nữa ý thức tự giác của cộng đồng. Mỗi người dân cần lưu ý về các kỹ năng xử lý tình huống phòng cháy, chữa cháy, ý thức chấp hành tốt việc sử dụng năng lượng điện, nhiệt, nước, lửa, hạn chế đốt vàng mã hoặc đốt thực bì…