Sáng nay, 6/8, UBND TP Đà Nẵng tổ chức lễ trao Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật thành phố lần thứ 4 (giai đoạn 2015-2020). Sự kiện nhằm khích lệ, động viên hoạt động sáng tác cũng như ghi nhận, biểu dương nỗ lực của các văn nghệ sĩ các thành phần sáng tạo khác trên lĩnh vực văn học-nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng trong 5 năm qua.
Các tác giả đạt giải A Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 4. |
Đồng hành cùng nhịp sống trẻ trung, năng động của thành phố, trong những năm qua, văn học-nghệ thuật Đà Nẵng đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Trong đó, đội ngũ văn nghệ sĩ đã có thêm nhiều gương mặt tài năng, tận tâm với nghề, họ luôn nỗ lực sáng tạo để có thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật mới, hay, hấp dẫn, có ích cho cuộc sống, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân Đà Nẵng và đóng góp tích cực vào thành tựu chung của thành phố.
Ban Tổ chức Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 4 đã nhận được 167 tác phẩm của các tác giả và nhóm tác giả tham gia dự Giải. Sau khi lựa chọn một cách kỹ lưỡng, công tâm, Hội đồng xét chọn giải thưởng thành phố đã đề nghị UBND thành phố tặng Giải thưởng cho 59 tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình và vai diễn xuất sắc nhất, gồm 8 giải A, 16 giải B, 19 giải C và 16 giải Khuyến khích.
Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 4 tôn vinh 59 tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình và vai diễn. |
Trong đó, 8 giải A thuộc về các tác phẩm xuất sắc gồm: Người mẹ của nhóm tác giả Đoàn Hồng Lê - Nguyễn Trần Huy - Đặng Tiến Nhựt (Chuyên ngành điện ảnh); Vai diễn Thi Sách trong vở tuồng Trưng Vương; Vai diễn Trần Phong trong vở tuồng Như những tượng đài; Vai diễn Đổng Kim Lân trong vở tuồng Sơn Hậu; Vai diễn Lê Đại Cang trong vở tuồng Hoạn lộ của diễn viên Phan Văn Quang (Chuyên ngành sân khấu); Xuôi và ngược của Phan Hồng Hà (Chuyên ngành múa); Hội An xưa của Nguyễn Tường Vinh (Chuyên ngành mỹ thuật); Công trình nghiên cứu: Tai nghe trống chiến trống chầu của nhóm tác giả Trương Đình Quang và Kim Viên (Chuyên ngành âm nhạc); Chó hoang của Bùi Tự Lực (Chuyên ngành văn học thiếu nhi); Trong những lời yêu thương của Đinh Thị Như Thúy (Chuyên ngành văn học) và Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới, phòng chống Covid-19 (ảnh bộ) của tác giả Huỳnh Văn Truyền (Chuyên ngành nhiếp ảnh).
Phát biểu tổng kết giải thưởng, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng khẳng định: Các tác phẩm, vai diễn được trao giải lần này thể hiện được năng lực sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sĩ, góp phần đáng kể vào sự phát triển văn học, nghệ thuật thành phố nói riêng và vào việc gây dựng thương hiệu văn hóa Đà Nẵng nói chung. Một số tác phẩm được trao giải từng được đánh giá cao ở các diễn đàn quốc tế như phim tài liệu của Đoàn Hồng Lê và các cộng sự, hay như công trình kiến trúc của Hồ Khuê và các cộng sự; nhiều tác giả được giải còn thấm đẫm tính thời sự như bộ ảnh của Huỳnh Văn Truyền, hay như phim tài liệu của Phạm Hồng Liên và các cộng sự...
Văn học-nghệ thuật đóng góp một phần cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. |
“Có thể nói việc xét tặng Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật thành phố lần thứ 4 đã đạt được kết quả như mong đợi. Đó là xét trên đại thể, bởi cũng như mọi giải thưởng Văn học-Nghệ thuật xưa nay, kết quả xếp giải khó lòng đạt sự đồng thuận tuyệt đối. Tôi xin cảm ơn các vị giám khảo trong và ngoài thành phố đã nỗ lực hướng đến sự công tâm và khách quan, căn cứ chủ yếu vào chất lượng nghệ thuật của từng tác phẩm, tiết mục để xếp giải; xin cảm ơn các văn nghệ sĩ trong và ngoài thành phố đã tích cực hưởng ứng gửi tác phẩm dự giải, góp phần vào thành công chung của Giải; đặc biệt xin cảm ơn các văn nghệ sĩ đoạt giải, bằng thành quả lao động nghệ thuật chất lượng cao của mình, đã tạo thêm một dấu mốc trong tiến trình phát triển của văn học và nghệ thuật thành phố chúng ta 5 năm qua”, ông Tiếng nhấn mạnh.