Nghệ An là địa phương có số lượng khai thác thủy sản trên biển lớn. Thực hiện nhiệm vụ chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỉnh đã tăng tốc triển khai nhiều giải pháp. Đạt được những kết quả quan trọng, nhưng tình trạng tàu cá vi phạm các quy định vẫn còn xảy ra.
Nâng cao nhận thức cho ngư dân
Vài ngày sau cơn bão số 4, chúng tôi có mặt tại cảng cá Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai. Bão đã qua, anh Hoàng Anh Toàn, chủ hai tàu cá hành nghề lưới rê NA 91207 TS cùng các bạn thuyền chuẩn bị ra khơi, kỳ vọng về một chuyến biển thắng lợi. Chia sẻ về việc thực hiện các quy định trong khai khác thủy sản, anh Toàn cho hay, giai đoạn đầu, ngư dân thực hiện các quy định một cách rất khiên cưỡng, thậm chí là đối phó. Thế nhưng giờ đây, ý thức của ngư dân đã được nâng lên rõ rệt, chủ động thực hiện các quy định, thậm chí là thêm cả biện pháp phòng ngừa vi phạm do sự cố kỹ thuật. Đặc biệt, nhiều chủ tàu chấp nhận tốn thêm kinh phí để lắp đặt hai nhà mạng, tránh trường hợp bị mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình (VMS) do lỗi khách quan và tàu anh cũng vậy. Anh Nguyễn Tiến Huy, chủ tàu cá NA 90256 TS, công suất 1.000CV cũng cho biết, tàu của anh hành nghề câu và lưới vây. Năm ngoái, tàu bị mất kết nối VMS nên giờ anh quyết định đầu tư hơn 32 triệu đồng để lắp đặt thêm mạng VinaPhone.
Đồn Biên phòng Quỳnh Phương thực hiện nhiệm vụ quản lý 15,5 km bờ biển và địa bàn các xã Quỳnh Liên, Quỳnh Phương và Quỳnh Lập. Trên địa bàn có 1.069 tàu thuyền khai thác thủy sản. Trong đó, phương tiện từ 6 m trở lên có 962 chiếc, hoạt động các nghề, như: lưới kéo, lưới rê, lưới vây, câu mực…, thường xuyên đánh bắt xa bờ. Theo Thượng tá Nguyễn Trung Thành, Đồn trưởng Biên phòng Quỳnh Phương: Ngoài 3 đồng chí được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tăng cường, Đồn cũng tăng cường lực lượng cho tổ công tác thực hiện nhiệm vụ này. Đồn có 9 đồng chí phụ trách việc điều tra, xác minh các vi phạm của tàu cá; 5 đồng chí ở trạm kiểm soát và 2 đồng chí tham gia tổ liên ngành ở các cảng cá. Bên cạnh tăng cường nhân lực, Đồn cũng được bổ sung một tàu của Hải đội 2. Xác định công tác tuyên truyền là khâu hết sức quan trọng để nâng cao nhận thức và thay đổi ý thức chấp hành pháp luật cho ngư dân, ngoài tuyên truyền bằng loa truyền thanh, tờ rơi, mạng xã hội Facebook, Zalo, lúc ngư dân làm thủ tục xuất nhập cảng…, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị còn trực tiếp tuyên truyền khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển và tuyên truyền cả tại gia đình các ngư dân. Hiện có 138 tàu cá trên địa bàn đơn vị quản lý được ngư dân đầu tư kinh phí để lắp đặt hai mạng, tránh trường hợp bị mất kết nối VMS.
Song song với đẩy mạnh tuyên tuyền, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương cũng quyết liệt trong việc xử lý các tàu cá vi phạm. “Khi nhận được thông báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tàu cá vi phạm, chúng tôi nhanh chóng xác minh, làm rõ vi phạm do lỗi chủ quan, hay khách quan. Ngoài lỗi do hạ tầng mạng, không ít tàu cá chủ động ngắt kết nối giám sát hành trình nhằm tránh sự giám sát của lực lượng chức năng. Đối với những tàu cá này, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tham mưu cho UBND thị xã Hoàng Mai ra quyết định xử phạt 55 phương tiện vi phạm, tổng số tiền khoảng 1,3 tỷ đồng”, Thượng tá Nguyễn Trung Thành cho hay.
Tại huyện Quỳnh Lưu, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận quản lý 19,5 km bờ biển và 9 xã địa bàn; trong đó có 2 cửa lạch (Lạch Thơi và Lạch Quèn). Trên địa bàn có 753 phương tiện khai thác thủy sản; trong đó có 132 tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên, khai thác xa bờ. Đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Thủy sản năm 2017, các quy định về chống khai thác IUU, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản…
Thượng tá Phạm Hữu Tình, Chính trị viên Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận thông tin: Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, đơn vị kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Từ đầu năm đến nay, sau khi đã điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, đơn vị đã tham mưu UBND huyện Quỳnh Lưu xử phạt vi phạm hành chính đối với 57 tàu cá, tổng số tiền khoảng 1.380 triệu đồng, phần lớn là lỗi vi phạm do mất kết nối VMS quá thời gian quy định. Đơn vị cũng đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý 15 tàu cá vi phạm và tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi của 84 tàu cá.
“Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát phương tiện ra vào cảng, chúng tôi tranh thủ tuyên truyền, nhắc nhở bà con ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong khai thác thủy sản. Việc tuyên truyền không đơn thuần là phổ biến quy định này, quy định kia, mà mình phải nói, vận động làm sao để ngư dân họ hiểu và đồng lòng với mình. Có như vậy, họ mới tự giác chấp hành tốt các quy định”, Đại úy Hồ Trọng Hưng, Trạm trưởng Kiểm soát Biên phòng Lạch Cờn, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương chia sẻ.
Điều tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 3.462 tàu cá/11.108 lao động trực tiếp tham gia đánh bắt hải sản trên biển (tàu cá thuộc diện phải đăng ký từ 6 m trở lên là 2.565 chiếc). Để công tác chống khai thác IUU đạt hiệu quả cao, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An đã tổ chức triển khai 4 tổ công tác/15 cán bộ tăng cường ở các đồn Biên phòng tuyến biển làm nhiệm vụ điều tra, xác minh, xử lý tàu cá mất kết nối thiết bị VMS trên biển; duy trì một tổ công tác của Bộ Chỉ huy thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Là lực lượng nòng cốt trong chống khai thác IUU, BĐBP tỉnh Nghệ An đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Từ đầu năm đến nay, đã phát hiện, xử lý 42 vụ/26 chủ phương tiện vi phạm về lĩnh vực thủy sản, tổng số tiền hơn 147 triệu đồng. BĐBP tỉnh Nghệ An cũng tham mưu UBND huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu và thị xã Hoàng Mai ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 122 vụ/122 chủ phương tiện về hành vi “Không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị VMS bị hỏng, trừ trường hợp bất khả kháng”. Tổng số tiền xử phạt khoảng 2.927.500 nghìn đồng.
Đại tá Dương Hồng Hải, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Nghệ An cho biết: Ngoài các tàu cá mất kết nối VMS do cố ý, nhiều tàu cá mất kết nối do lỗi khách quan. Theo đó, thiết bị VMS được lắp đặt trên các tàu cá hầu hết không có màn hình. Một số thiết kế cục kín như của nhà mạng Viettel không có tín hiệu báo mất kết nối nên ngư dân, thuyền trưởng khó khăn trong nhận biết, theo dõi hoạt động của thiết bị, nhất là trong trường hợp thời tiết xấu, mất nguồn điện… Nhiều thiết bị được lắp đặt ở vị trí không phù hợp, trên nóc ca-bin… nên ngư dân khó quan sát, theo dõi để duy trì thiết bị hoạt động 24/24. Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng phần mềm truy suất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử eCDT và phần mềm Hệ thống quản lý, kiểm soát tàu cá và nhắn tin truyền thông tại các trạm kiểm soát Biên phòng còn gặp một số bất cập do số lượng ngư dân sử dụng điện thoại di động thông minh còn ít, trình độ còn hạn chế nên việc tạo tài khoản, đăng nhập chưa nhiều.
Liên quan đến xử lý các vi phạm, Đại tá Dương Hồng Hải cho hay: Công tác phối hợp của các cơ quan chức năng trong quản lý số tàu cá di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác chưa chặt chẽ, dẫn đến khó khăn công tác quản lý, điều tra, xác minh thông tin và phối hợp xử lý các hành vi vi phạm. Ngoài ra, hệ thống cầu cảng chưa được đầu tư, nâng cấp; luồng lạch ra vào một số cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão bị bồi lắng gây nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát. Để tránh tàu bị mắc cạn, ngư dân thường tranh thủ thời điểm thủy triều dâng cao vào buổi tối, đêm khuya để xuất bến… Đặc biệt, việc đề nghị trích xuất dữ liệu, xác định nguyên nhân mất kết nối thiết bị VMS, do đơn vị quản lý dữ liệu đầu cuối không ở tại địa bàn Nghệ An khiến công tác phối hợp gặp nhiều khó khăn, mất rất nhiều thời gian. Có những nhà mạng cung cấp thông tin còn chung chung…
Chia sẻ về công tác chống khai thác IUU trong thời gian tới, theo đại diện lãnh đạo BĐBP tỉnh Nghệ An, chống khai thác IUU được xác định tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân. Rà soát, phân loại, lập hồ sơ quản lý chặt chẽ các tàu cá vi phạm, nhóm tàu cá nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài để có phương án ngăn chặn hiệu quả. Điều tra, xác minh, xử lý theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm khai thác IUU, trọng tâm là tàu cá gửi thiết bị VMS và các tàu vận chuyển thiết bị VMS của các tàu cá khác, tàu ngắt kết nối thiết bị VMS… là những giải pháp được đơn vị tập trung thực hiện.