Đã gỡ bỏ hơn 224 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước trên Facebook

NDO - Từ ngày 1 đến 24/7, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 224 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (đạt tỷ lệ đáp ứng 90%).
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông.
Quang cảnh buổi họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tăng cường quản lý phân phối các sản phẩm văn hóa xuyên biên giới

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để quản lý việc phân phối những sản phẩm văn hóa xuyên biên giới, đặc biệt đối với các sản phẩm có chứa nội dung, hình ảnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ tháng 8 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, từ ngày 1/7 đến 24/7, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 224 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (đạt tỷ lệ đáp ứng 90%).

Google cũng đã gỡ 1.052 video vi phạm trên Youtube, đạt tỷ lệ đáp ứng 91%. TikTok đã gỡ bỏ 19 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, đạt tỷ lệ đáp ứng 90%.

Đã gỡ bỏ hơn 224 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước trên Facebook ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền thông tin tại buổi họp báo.

Thông tin thêm về kết quả thanh tra TikTok, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết: Đến thời điểm này, đoàn kiểm tra vẫn đang hoàn thiện kết luận và bổ sung các kiến nghị liên quan. Khi nào có kết quả, sẽ cung cấp thông tin chính thức cho báo chí.

Công tác giám sát tỷ lệ thông tin tiêu cực và thông tin tích cực trên báo chí cũng có nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ thông tin tiêu cực trên báo chí chiếm 20,9%, giảm 0,9% so với tháng trước; tỷ lệ thông tin tích cực trên báo chí chiếm 66,4%, tăng 3,3% so với tháng trước.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để quản lý việc phân phối những sản phẩm văn hóa xuyên biên giới, đặc biệt đối với các sản phẩm có chứa nội dung, hình ảnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào.

Đề xuất "cắt" Internet với đối tượng livestream vi phạm pháp luật

Cũng liên quan đến các nền tảng mạng xã hội, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang tiếp tục lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP.

Trong bản dự thảo này, có nội dung quy định: Theo yêu cầu của Bộ Thông tin và truyền thông, doanh nghiệp có thể từ chối hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet… đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để livestream, đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng. Đây là nội dung đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền đã giải thích rõ hơn về quy định mới được đưa ra trong Dự thảo này. Theo đó, hiện nay việc sử dụng livestream trên mạng xã hội rất phổ biến. Đáng chú ý, có những đối tượng đã sử dụng việc livestream để tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm cá nhân, tổ chức...

Đã gỡ bỏ hơn 224 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước trên Facebook ảnh 2

Quang cảnh buổi họp báo.

"Để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng dịch vụ Internet đối với các vi phạm này, Dự thảo Nghị định thay thế đã đề xuất các biện pháp xử lý nhanh, khẩn cấp đối với những cá nhân vi phạm pháp luật trên môi trường mạng, trong đó có hình thức livestream", bà Huyền thông tin.

Về đề xuất ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với các trường hợp sai phạm, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử nhận định, đây chưa phải là giải pháp triệt để do đối tượng vi phạm có thể dùng các tài khoản khác.

"Tuy nhiên, đây là giải pháp xử lý bổ sung khẩn cấp để xử lý kịp thời ngay lập tức cho các tình huống, các sai phạm được phát hiện trên môi trường mạng", bà Huyền nhấn mạnh.

Theo dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 72, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) là đầu mối chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, Internet thực hiện từ chối cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, các dịch vụ khác đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trữ web (hosting), dịch vụ trung tâm dữ liệu (data center) và các doanh nghiệp khác có trách nhiệm:

Một là, thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật chậm nhất không quá 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin).

Hai là, từ chối cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, các dịch vụ khác đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử).

Ba là, nhận lệnh điều phối, báo cáo kết quả qua hệ thống kỹ thuật và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.