Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí

NDO - Phần lớn các tòa soạn báo vẫn phụ thuộc vào hai nguồn thu chủ yếu là quảng cáo và phát hành, rất ít các cơ quan báo chí thực hiện đa dạng nguồn thu. Chỉ có một số ít tòa soạn báo đã từng bước tạo thương hiệu, thu tiền được của độc giả từ việc thu phí trực tuyến, bán nội dung số, tăng thêm nguồn thu từ việc tổ chức các sự kiện.
0:00 / 0:00
0:00
Các diễn giả thảo luận về chủ đề "Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí". (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Các diễn giả thảo luận về chủ đề "Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí". (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Theo kết quả khảo sát 63 báo Đảng địa phương, có tới 91% số cơ quan báo chí được hỏi có nguồn thu từ quảng cáo; 78% báo có nguồn thu từ phát hành; có tới 91% số cơ quan báo chí được hỏi có nguồn thu từ quảng cáo; 78% báo có nguồn thu từ phát hành. Trong khi đó, chỉ có 9% báo có nguồn thu từ tổ chức sự kiện và 7% báo có nguồn thu từ nội dung số.

Điều này cho thấy, phần lớn các báo vẫn phụ thuộc vào hai nguồn thu chủ yếu là quảng cáo và phát hành, rất ít các cơ quan báo chí thực hiện đa dạng nguồn thu. Tại hội thảo “Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí” trong khuôn khổ Hội nghị “Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc” diễn ra chiều 12/11, một số tòa soạn báo đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc đa dạng hóa nguồn thu cho tòa soạn.

Chiến lược thu phí báo điện tử

Thu phí trên báo điện tử chỉ là một lựa chọn trong rất nhiều lối đi trên con đường phát triển của một cơ quan báo chí. Việc đa dạng hóa nguồn thu, trong đó có chiến lược thu phí báo điện tử, là điều cần được các cơ quan báo chí tính đến khi nguồn thu từ các kênh khác bị hạn chế dần.

Tạp chí Ngày Nay là cơ quan báo chí duy nhất ở Việt Nam hiện đang phát hành miễn phí ấn phẩm tạp chí giấy với số lượng 1,5-2 vạn bản/kỳ/tuần. Tạp chí điện tử có chuyên mục thu phí với các cổng thanh toán đa dạng, có thể thanh toán qua thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng của hơn 40 ngân hàng trong nước.

Chia sẻ kinh nghiệm có rất nhiều tờ báo thành công triển khai mô hình thu phí báo chí trực tuyến, nhà báo Phạm Hữu Quang, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay cho biết, theo báo cáo thường niên “Các xu hướng và dự báo về Báo chí, Truyền thông và Công nghệ năm 2020” của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (RISJ), 52% lãnh đạo các cơ quan báo chí tại 29 quốc gia khẳng định thu phí báo điện tử là trọng tâm tạo doanh thu của họ trong thời gian tới. 14% cho rằng nguồn thu quảng cáo là trọng tâm trong năm tiếp theo.

Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí ảnh 1

Nhà báo Phạm Hữu Quang, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Ông Quang cho rằng, những tác phẩm báo chí đích thực, thông tin chính thống, có giá trị, được đầu tư bài bản, được trình bày hiện đại, bắt mắt là điều mà công chúng luôn mong đợi. Để tiếp cận những tác phẩm đó, độc giả sẵn sàng trả tiền.

“Yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự khác biệt và chất lượng của nội dung. Bạn đọc hiện nay tin rằng khi trả tiền thì họ sẽ thu được thông tin tốt hơn so với các nguồn miễn phí, họ cảm thấy không bị làm phiền bởi quảng cáo”, ông Quang bày tỏ.

Diễn giả nhấn mạnh, báo chí thu phí trực tuyến đòi hỏi rất khắt khe ba vấn đề về nội dung có bản quyền, chuyên sâu, khác biệt, báo chí giải pháp, báo chí dữ liệu. Các tòa soạn có thể thực hiện thu phí toàn bộ hoặc một số chuyên mục hoặc miễn phí một số tin bài nhất định.

“Chuyên mục thu phí mục Special Today trên Tạp chí Ngày nay của chúng tôi hiện đang thu phí 180 nghìn đồng/tháng. Chuyên mục có nội dung riêng biệt, chuyên sâu, có sự tích hợp giữa Multimedia và Multi Platform. Việc thu phí với mức giá như vậy với 2 mục tiêu, một là bạn đọc làm quen với thanh toán khi đọc báo điện tử và hai là tòa soạn, phóng viên làm quen với việc sản xuất nội dung cho bạn đọc trả tiền”, ông Quang nói.

Tạo nguồn thu từ nội dung số

Chia sẻ kinh nghiệm tạo nguồn thu từ nội dung số, ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ cho biết, nếu các toà soạn có thêm nội dung số sẽ có thêm công chúng và có thêm nguồn thu.

Nguồn thu từ nội dung số sẽ gồm: Thu từ việc bán bản quyền cho các trang tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng OTT…; Thu từ quảng cáo trực tiếp và gián tiếp thông qua các doanh nghiệp, đại lý, các công ty công nghệ; Thu từ sự kiện truyền thông, ưu tiên trên các nền tảng số.

Cách để có thêm nội dung số là phải số hóa những nội dung sẵn có, chế biến lại thành nội dung số, sản xuất phát triển nội dung số.

Theo đó, nhóm chuyên nội dung số sẽ tập trung sản xuất nội dung (text, ảnh, audio, video, đồ họa, livestream…) cho báo điện tử, truyền hình mạng, youtube, facebook, Tiktok, Podcast, Zalo…

“Mục tiêu của việc sản xuất nội dung là để đáp ứng người dùng, đặc biệt là người dùng trung thành, từ đó mới bảo đảm tạo ra nguồn thu bền vững”, ông Trung cho hay.

Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí ảnh 2

Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Do đó, nhà báo Lê Xuân Trung cho rằng, nhóm chuyên nội dung số nên ưu tiên những nội dung có nhiều bạn đọc trên báo điện tử và các kênh báo chí trên nền tảng số; Đầu tư sản xuất những nội dung riêng, khác biệt, chất lượng cao, không nhất thiết phải chạy đua về số lượng để tránh lãng phí, bội thực…

Để tăng số lượng công chúng, các tòa soạn cần xác định đối tượng người dùng chính và xây dựng hồ sơ người dùng thực tế trên cơ sở dữ liệu thu thập được thường xuyên. Tòa soạn nên phân loại khách hàng để lên chương trình quản lý, chăm sóc khách hàng, đặc biệt là khách hàng trung thành.

“Chúng tôi đã có những chương trình thành công như: Tọa đàm trực tuyến trên facebook về Chăm sóc phục hồi - Đồng hành cùng vượt biến cố sức khỏe; Chương trình nghệ thuật “Mẹ là tình yêu 2022”; Lễ công bố báo cáo: Để Việt Nam tươi sắc đào xuân? Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả; Ngày phở Việt; Ngày không tiền mặt; Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt. Nếu chúng ta không mở ra kênh mạng xã hội, chuyển đổi số sẽ không thể thực hiện được các đơn đặt hàng, để có thêm được nguồn thu như thế này”, ông Trung nói.

Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí ảnh 3

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Chia sẻ kinh nghiệm từ việc tăng thêm nguồn thu từ tổ chức sự kiện, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, ngày càng có thêm nhiều tòa soạn quan tâm đến hoạt động tổ chức sự kiện những mục đích khác nhau.

Có những sự kiện rất lớn, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần cả trong nước và quốc tế. Có những sự kiện về hình thức chỉ mang tính nội bộ, nhưng lại tạo ra sự chú ý của cả một cộng đồng. Có những sự kiện thuần túy được tổ chức với ý nghĩa là một phần nhiệm vụ của tòa soạn, không gắn với mục tiêu kinh doanh và có những sự kiện kết hợp cả hai nội dung trên.

Ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh, để việc tổ chức sự kiện thành công, một trong những yếu tố đầu tiên cần tính đến chính là tìm chủ đề tổ chức sự kiện, tọa đàm, hội thảo mang tính thời sự, thu hút được sự chú ý của truyền thông và công chúng. Sau đó, việc xây dựng kịch bản chi tiết, lựa chọn diễn giả, chuẩn bị kịch bản dự phòng sẽ giúp đơn vị tổ chức chủ động trước mọi tình huống.

“Các tòa soạn báo Đảng hội đủ những lợi thế cần thiết, nhất là vị thế và uy tín tại cộng đồng địa phương. Việc tổ chức thành công và hiệu quả các sự kiện sẽ không chỉ bổ sung thêm nguồn doanh thu quý giá để đầu tư trở lại cho phát triển hạ tầng cả cứng và mềm của tòa soạn, mà tự thân sự kiện cũng là một nguồn thông tin quý giá để tòa soạn tổ chức nội dung sâu hơn, hấp dẫn hơn, cập nhật hơn”, ông Lê Trọng Minh cho hay.

Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí ảnh 4

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, khó khăn nhất khi duy trì việc tổ chức sự kiện là làm mới mình, làm thế nào để cách tổ chức sự kiện của năm sau khác năm trước cả về mặt nội dung và hình thức.

Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Lê Xuân Trung nhấn mạnh, khó khăn nhất cho việc quyết định có nên tổ chức sự kiện là căn cứ tiêu chí: Có nên làm và đáng làm hay không. “Nếu sự kiện chỉ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp chưa đủ mà phải đáp ứng cả nhu cầu độc giả, khi đó hiệu quả truyền thông sẽ lan tỏa”, ông Trung nói.