Chìa khóa để đổi mới sáng tạo báo chí xây dựng Đảng

NDO - Sáng 12/11, trong khuôn khổ Hội nghị Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc đã diễn ra phiên thảo luận 1 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo trong báo chí xây dựng Đảng”. Hội thảo đã nghe các diễn giả và các đại biểu trao đổi về cách thức để đổi mới sáng tạo, giúp báo Đảng sinh động hơn, gần gũi với đời sống hơn và có sức lan tỏa rộng hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh phiên thảo luận 1. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Toàn cảnh phiên thảo luận 1. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phiên thảo luận có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà báo, diễn giả: Ông Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nhà báo Ngô Kiên - Tổng Biên tập báo Nghệ An; Nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng Ban Sản xuất các chương trình Giải trí – VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam.

Đổi mới báo Đảng: Vẫn còn những rào cản lớn

Trao đổi tại hội thảo, các diễn giả đều nhận định, trong thời gian qua, các cơ quan báo Đảng từ Trung ương tới địa phương đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, với những cách thức sáng tạo hơn. Nhiều cơ quan như Báo Nhân Dân và một số báo khác đã có những bước đột phá về chuyển đổi số, nội dung và hình thức các ấn phẩm được cải tiến. Một số báo đã chịu khó cải tiến hình thức, đầu tư công nghệ, như Báo Quảng Ninh, Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Báo Hà Nội mới…

Mặc dù vậy, các đại biểu cũng đã nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế cản trở sự đổi mới, sáng tạo một số một số cơ quan báo Đảng, khiến nội dung tuyên truyền còn khô cứng, thiếu hấp dẫn.

Ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thẳng thắn chỉ rõ: “Nhiều cơ quan báo Đảng địa phương chưa phát huy được vai trò mở đường trong thông tin tuyên truyền các vấn đề đi trước ở địa phương”.

Ông Thanh Lâm cho rằng, chính báo Đảng địa phương phải là người chủ động thông tin, tuyên truyền về các vấn đề, nhất là các vấn đề được dư luận quan tâm.

Bên cạnh đó, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo cũng chỉ ra rằng, “hiện nay các báo Đảng địa phương đang đưa tin theo một không gian địa lý, mới chỉ trong phạm vi địa phương, chưa có sự liên kết với các địa phương khác làm thông tin thiếu sự sinh động, giảm sức lan tỏa”.

Ngoài ra, những người làm báo Đảng địa phương vẫn còn theo lối mòn, vẫn văn bản hóa, báo cáo hóa các bài báo, tác động lan tỏa chưa cao, vẫn gặp tình trạng thiếu tính phản biện cao, đôi khi nặng về tô hồng.

Từ kinh nghiệm thực tế hoạt động báo chí tại địa phương, nhà báo Ngô Kiên, Tổng Biên tập báo Nghệ An cho rằng, khó khăn để đổi mới sáng tạo tại các báo Đảng địa phương còn đến từ nguồn nhân lực, nguồn vốn, môi trường tác nghiệp, công nghệ và kỹ thuật.

Nhà báo Ngô Kiên chỉ rõ, nhiệm vụ ngày càng nhiều, nhu cầu đưa tin, phản ánh, tuyên truyền ngày càng nhiều, nhưng lại phải tinh giản biên chế, phải tinh giản bộ máy. Ngoài ra, thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ thay đổi nhanh, nhưng cơ chế chính sách không thay đổi kịp.

“Thí dụ tại Nghệ An, đây là địa bàn có khí hậu khắc nghiệt, khu vực tác nghiệp nguy hiểm, quy mô rộng lớn… nhưng lại không có cơ chế đặc thù về nhuận bút, công tác phí”, nhà báo Ngô Kiên chia sẻ.

Giải đáp yếu tố hạn chế về công nghệ cho đổi mới sáng tạo từ chính thực tiễn nhà quản lý của một cơ quan báo Đảng địa phương, nhà báo Ngô Kiên cho rằng, các báo Đảng địa phương hiện chưa ưu tiên nguồn lực tương xứng cho báo điện tử, trang thiết bị kỹ thuật thường cũ kỹ, lạc hậu. Chưa kể việc xin trang bị thường chậm, chờ đợi lâu.

Chìa khóa để đổi mới sáng tạo báo chí xây dựng Đảng ảnh 1

Các diễn giả và đại biểu tham gia phần thảo luận. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Nhà báo Ngô Kiên cũng chỉ rõ, đổi mới sáng tạo tại các báo Đảng còn gặp rào cản từ chính tư duy nhận thức từ độc giả tại địa phương. Nhà báo Ngô Kiên cho biết, hiện nay vẫn còn một bộ phận độc giả cao tuổi không cổ vũ đổi mới, hoài nghi đổi mới. Để tiến hành được quá trình đổi mới sáng tạo, người làm báo địa phương phải kiên trì thuyết phục, giải thích bằng nhiều hình thức. Ngoài ra, một số độc giả trẻ còn chưa quan tâm tới báo giấy, báo Đảng.

Thêm vào đó còn những khó khăn đến từ hệ thống chính trị, từ địa bàn tác nghiệp, môi trường tác nghiệp như một số nơi quá trình phát triển nảy sinh nhiều tồn tại, hạn chế, sai phạm, ngại báo chí, né tránh báo chí.

Chìa khóa nào cho đổi mới sáng tạo của báo Đảng?

Nhìn thẳng vào những rào cản đối với sự đổi mới sáng tạo của hệ thống báo Đảng, các diễn giả và đại biểu đã gợi mở nhiều giải pháp để tìm ra những bước đột phá cho một lĩnh vực vốn được đánh giá là “khó, khô, khổ”.

Theo ông Trần Thanh Lâm, bên cạnh việc không ngừng rèn luyện đạo đức, bản lĩnh chính trị của đội ngũ những người làm các cơ quan báo Đảng, cần thay đổi tư duy từ lãnh đạo. Đặc biệt phải bỏ cơ chế làm thay, bao cấp để các cơ quan phát huy nội lực. Tăng tính phản biện mạnh mẽ, không tô hồng quá mức, thông tin cân bằng giữa tuyên truyền chính sách với phản ánh tâm tư của nhân dân, những vấn đề được người dân quan tâm cũng là những yếu tố tạo nên sự đổi mới sáng tạo cho các báo Đảng.

Nhân lực là trung tâm của đổi mới sáng tạo. Với đội ngũ lãnh đạo làm báo, cố gắng đầu tư quy hoạch người lãnh đạo ngay tại chỗ do làm báo có đặc thù riêng nên cần phải có người làm những công tác tương đồng. Cần đào tạo, bồi dưỡng những phóng viên, biên tập viên ngay tại chỗ.

Đối với yêu cầu đổi mới công nghệ làm báo, các cơ quan báo Đảng cần nhanh chóng ứng dụng những thành tựu khoa học-công nghệ mới nhất trong quá trình tác nghiệp, sản xuất các sản phẩm báo chí trong kỷ nguyên số.

Theo nhà báo Tạ Bích Loan, trong thời đại truyền thông đa phương tiện, tuyên truyền cần có sự đổi mới, đi vào lòng người, có sự lan tỏa sâu rộng chứ không phải chỉ thông tin bằng văn bản, giấy tờ, khô cứng. Đó là yêu cầu nhiệm vụ nhưng đồng thời cũng là điều kiện để công tác tuyên truyền được thành công.

Dẫn chứng câu chuyện làm cầu truyền hình “Ánh sáng niềm tin” với lựa chọn nhân vật là người Cộng sản Lưu Chí Hiếu để khắc họa, nhà báo Tạ Bích Loan đã làm rõ hơn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bài nói tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi 31/8/1963 rằng tuyên truyền phải: Cụ thể; Chân thực; Có mục đích, định hướng; Có cách thức phù hợp.

Tại phần thảo luận mở, các diễn giả đã cùng trao đổi để tìm ra chìa khóa giúp đổi mới sáng tạo tại các cơ quan báo Đảng, tạo ra sức sống mới cho báo Đảng trong bối cảnh thông tin đa dạng, có tính cạnh tranh cao và biến đổi nhanh chóng hiện nay.

Ông Nguyễn Hữu Đổng, Phó Tổng Biên tập báo Quảng Nam chia sẻ, thực tế, những đề tài xây dựng Đảng thường là khó, khổ, khô bởi có nhiều khó khăn, cản trở về xây dựng đề tài, ý tưởng, cách viết, làm thế nào đừng để tờ báo thành văn bản hóa, chính trị hóa vì đưa nghị quyết khô khan.

Theo cách làm của báo Quảng Nam những năm qua, tất cả nghị quyết của Đảng vào đời sống phải qua những tấm gương của già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, từ đó giúp việc tuyên truyền chính sách chủ trương trở nên sinh động, gần gũi với người dân hơn.

Ông Đổng chia sẻ thêm, bên cạnh đó, báo Quảng Nam cũng áp dụng cơ chế nhuận bút đặc thù để phóng viên có thể thực hiện các đề tài khó, đặc biệt là những đề tài khô, kén người đọc.

Theo Phó Tổng Biên tập báo Quảng Nam, chìa khóa để thực hiện đổi mới sáng tạo là khát vọng và kỹ năng.

Trong khi đó, đứng từ góc độ cơ quan tuyên giáo trung ương, ông Trần Thanh Lâm cho rằng, báo Đảng dù đổi mới sáng tạo vẫn luôn phải giữ vai trò là người truyền tải, có tính định hướng và dẫn dắt cho đảng viên và các đối tượng độc giả. Không chỉ có vậy, để đổi mới sáng tạo, các báo Đảng từ trung ương tới địa phương phải có tính phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau về mặt kinh nghiệm truyền tải nội dung cũng như ứng dụng công nghệ kỹ thuật.