Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình hay để giảm nghèo bền vững

NDO -

Ngày 18/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình GREAT/DFAT tổ chức hội thảo tham vấn xây dựng thực hiện nội dung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Hội thảo tham vấn hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Hội thảo tham vấn hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện, hoạt động triển khai Chương trình giảm nghèo quốc gia giai đoạn 2021-2025. Trong giai đoạn này, Chương trình giảm nghèo quốc gia mới có rất nhiều sự thay đổi từ thiết kế, mục tiêu đến nội dung dự án.

Theo đó, có nhiều điểm cốt lõi rất mới của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 so với giai đoạn 2016-2020 trước đây.

Trước hết, Chương trình thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo.

Phương thức hỗ trợ người nghèo cũng thay đổi. Sẽ chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo thông qua việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tại hội thảo, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Tô Đức đặc biệt nhấn mạnh đến phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững-một trong những dự án của Chương trình giảm nghèo quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Qua các đánh giá, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thấy rằng, cứ một hộ dân bình thường chỉ cần có một lao động được đào tạo nghề nghiệp thì người lao động có cách tiếp cận thị trường lao động để tạo ra nguồn thu nhập. Đây là cách thoát nghèo hiệu quả và cũng là một trong những nội dung trọng tâm của hội thảo.

“Vì thế, làm thế nào để lựa chọn, xác định được đối tượng hỗ trợ, đưa ra được các phương thức hỗ trợ hiệu quả để khắc phục vấn đề hỗ trợ thiếu hiệu quả trong giáo dục nghề nghiệp ở giai đoạn trước đối với hộ nghèo là vấn đề hội thảo rất quan tâm”, ông Tô Đức nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Chương trình GREAT/DFAT, thiết kế và xây dựng các hướng dẫn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã có nhiều đổi mới. Chương trình đã tiếp thu các bài học kinh nghiệm hay từ quá trình thực hiện các Chương trình giai đoạn trước.

“Với các tiếp cận mở và tinh thần tạo điều kiện địa phương và cộng đồng áp dụng sáng tạo các mô hình sinh kế giảm nghèo, huy động sức mạnh của doanh nghiệp, các hộ không thuộc diện nghèo và nhạy bén cùng liên kết kinh doanh với hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo mới sẽ tạo nền tảng cần thiết cho năng lực sản xuất, hạ tầng, công nghệ giữa vùng phát triển hơn với vùng trũng nghèo để phát triển kinh tế”, đại diện Chương trình GREAT/DFAT cho biết.

GREAT là dự án lớn do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ ở Việt Nam. Dự án nhằm mục tiêu tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ tham gia thị trường ngành nông nghiệp và du lịch ở hai tỉnh Sơn La và Lào Cai.

Trong thời gian qua, dự án GREAT đã tập trung vào việc tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các liên kết kinh doanh trong nông nghiệp như gai xanh, chè, rau, dược liệu, quế… và du lịch với các doanh nghiệp đầu chuỗi; đồng thời tăng cường kỹ năng sinh kế cơ bản cho các hộ và phụ nữ để họ tự tin sản xuất và cung cấp các sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp; tư vấn kỹ thuật sản xuất và kinh doanh cho các hợp tác xã để sản xuất theo kế hoạch của doanh nghiệp.

Dự án đã thu hút hơn 27 nghìn phụ nữ tham gia vào các hoạt động trong 10 lĩnh vực của ngành nông nghiệp và du lịch ở 2 tỉnh Sơn La và Lào Cai. 70% là phụ nữ dân tộc thiểu số đến từ 20 nhóm dân tộc thiểu số khác nhau, chủ yếu sống ở vùng có tỷ lệ nghèo cao, tăng thu nhập cho hơn 15 nghìn phụ nữ.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đóng góp ý kiến để cụ thể hóa các nội dung đổi mới trong thông tư hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Các chuyên gia cũng chia sẻ, thảo luận và thống nhất những giải pháp sáng tạo, phù hợp với bối cảnh mới, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước trong thực hiện các mô hình phát triển sinh kế; đồng thời tăng cường tính phối hợp, bổ trợ của chương trình này với hai chương trình còn lại là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển nông mới.