Cứu sống bé mới sinh suy hô hấp nặng

NDO -

Ngày 1/10, bác sĩ Võ Hữu Đức, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Nhi (Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang) cho biết, đơn vị vừa cứu sống bé mới sinh bị tổn thương não nặng bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy.

Các bác sĩ của ê-kíp trực tiếp cứu sống bệnh nhi chụp ảnh cùng với cha và bé.
Các bác sĩ của ê-kíp trực tiếp cứu sống bệnh nhi chụp ảnh cùng với cha và bé.

Trước đó, chị V.T.H.N sinh một bé gái nặng 3,2kg. Sau sinh, da bé trắng bệch, môi tím tái, không thở, tim không nghe được, không phản xạ tay chân nên được tiến hành hồi sức tim, phổi tại phòng sinh tại bệnh viện tuyến huyện. Ngay sau khi có nhịp tim trở lại, bé được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang để tiếp tục chữa trị. 

Tại đây, các bác sĩ của Khoa Hồi sức tích cực chống độc Nhi chẩn đoán bệnh nhi đang mắc bệnh não thiếu oxy thiếu máu cục bộ (HIE:  Hypoxic  Ischemic  Encephalopathy) do sinh  ngạt...

Nhiều ê-kíp khẩn trương cấp cứu cho bé. Các bác sĩ giỏi và có nhiều năm kinh nghiệm được huy động để tiến hành đặt nội khí quản và lắp máy thở, đặt catheter tĩnh mạch rốn và catheter động mạch đo huyết áp xâm lấn, chọc hút dẫn lưu khí màng phổi, chống sốc, bù toan, dịch truyền dinh dưỡng tĩnh mạch. 

Sau khi bé được hồi sức tích cực, mạch và huyết áp có lại nhưng tay chân bé xuất hiện các cơn co gồng liên tục, bác sĩ nhận định bé bị tổn thương não nặng do bệnh não thiếu oxy (nhưng còn trong thời gian “vàng” trước 6 giờ) nên ê-kíp hội chẩn quyết định hạ thân nhiệt chủ động nhằm cứu sống tế bào não của bé càng sớm càng tốt. 

Theo bác sĩ Võ Hữu Đức, cứu sống được bé tổn thương não nặng bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy đầu tiên tại khoa là một kỳ tích đáng ghi nhận của Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang.

Trong quá trình điều trị, bé gặp nhiều biến chứng nặng khác như: rối loạn đông máu, suy gan, suy thận, nhiễm trùng huyết... Tuy nhiên, nhờ theo dõi sát và điều trị tích cực, qua 14 ngày điều trị, bé đã ngưng thở máy, hết co gồng tay chân, bú mạnh, ngủ ngon và chuẩn bị ra viện trong vài ngày tới.

Theo thống kê, có khoảng 3 - 5/1.000 trẻ sinh sống bị sinh ngạt và là một trong ba nguyên nhân gây tử vong sơ sinh và di chứng hàng đầu ở trẻ sơ sinh. Hậu quả là dẫn đến trẻ tử vong hoặc để lại di chứng não như chậm phát triển tâm thần vận động, động kinh, bại não...