Nam bệnh nhân T.V.H (30 tuổi, Vĩnh Phúc) được đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với vết thương lóc da toàn bộ cổ bàn tay kiểu lột găng, phần da lóc rời ra ngoài, đã được bảo quản lạnh trong thùng xốp.
Theo lời kể của người bệnh, anh bị kẹt tay vào máy cuốn với một lực kéo ép rất lớn. Nếu không điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ của bàn tay, thậm chí phải cắt cụt bàn tay.
Qua thăm khám, thấy phần da lóc có thể trồng lại được, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Điện Thành Hiệp, Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cùng ê-kíp mổ và gây mê đã thực hiện thành công ca phẫu thuật trồng lại vạt da lóc kiểu lột găng bằng kỹ thuật vi phẫu cho bệnh nhân.
Cuộc phẫu thuật kéo dài 5 giờ, sau đó, vạt da lóc trồng lại đã hồng ấm. Bệnh nhân về khoa tiếp tục điều trị.
Theo bác sĩ Hiệp, đây là một ca bệnh ít gặp, xử trí giống với tổn thương đứt rời chi thể nếu còn đoạn da được bảo quản lạnh đúng cách và đến cơ sở y tế. Nếu xử trí hoặc đoạn da không được bảo quản, sẽ mất đi cơ hội phục hồi tốt nhất về mặt chức năng và thẩm mỹ cho bệnh nhân, thậm chí có thể cắt cụt chi.
Bác sĩ Hiệp khuyến cáo, khi có bệnh nhân bị tổn thương đứt rời chi thể nói chung hay lóc da kiểu lột găng bàn tay nói riêng, cần nhanh chóng sơ cứu, cầm máu, bảo quản lạnh đoạn da (tay) đứt rời và vào ngay cơ sở y tế chuyên sâu có đầy đủ phương tiện để được khám và điều trị kịp thời, tránh việc mất thời gian quá lâu dẫn đến những trở ngại cho việc điều trị.
Ngoài ra, cần chủ động bảo vệ sức khoẻ của bản thân bằng cách nâng cao nhận thức về an toàn trong lao động.