Hạn chế tai nạn lao động khi thi công công trình xây dựng

Thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại các công trình xây dựng ở nhiều địa phương trên cả nước, gây thiệt hại về người và tài sản. Các vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo đảm an toàn lao động tại các công trình xây dựng.
0:00 / 0:00
0:00
Trang bị phương tiện bảo hộ lao động cá nhân cho công nhân tại công trường là quy định cần tuyệt đối tuân thủ. (Ảnh TUỆ NGHI)
Trang bị phương tiện bảo hộ lao động cá nhân cho công nhân tại công trường là quy định cần tuyệt đối tuân thủ. (Ảnh TUỆ NGHI)

Vừa qua, Công an huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm các quy định về an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tối 18/6 tại địa phận xã Đông Yên. Cơ quan chức năng xác định, trong quá trình thi công xây dựng một trường mầm non, 10 công nhân cùng di chuyển bằng máy vận thang nâng hàng từ tầng 3 xuống tầng 1 thì bất ngờ bị đứt dây cáp.

Thang tời rơi tự do khiến ba người chết, bảy người bị thương, phải cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 105 Sơn Tây (Hà Nội). Trước đó không lâu, ngày 30/5, tại xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình xảy ra vụ tai nạn lao động sập giàn giáo khiến một người chết, hai người bị thương. Cũng tại tỉnh Thái Bình, giữa tháng 12/2023, nhóm thợ 13 người đang đổ bê-tông tại một công trình xây dựng thì phần mái nhà bị sập, khiến ba người chết và sáu người bị thương.

Trên đây chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm" về vi phạm trật tự xây dựng xảy ra tại nhiều địa phương trên khắp cả nước trong thời gian qua. Theo các chuyên gia trong ngành xây dựng, vấn đề an toàn lao động trong thi công công trình phải luôn được chú trọng, quan tâm hàng đầu để bảo đảm an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất sự cố ảnh hưởng sức khỏe người tham gia thi công cũng như tài sản, trang thiết bị xây dựng.

Thực tế, công trường xây dựng luôn tiềm ẩn các nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động. Các sự cố thường là sụp đổ kết cấu hoặc một bộ phận công trình, công nhân ngã từ trên cao xuống, tai nạn do thiếu dụng cụ phòng hộ cá nhân... Ngoài các yếu tố vi phạm quy định về an toàn lao động, cũng có các trường hợp thiếu sót về thiết kế, kiến trúc, kết cấu, nhất là trong thiết kế thi công đã dẫn đến tai nạn lao động.

Theo báo cáo hằng năm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng luôn nằm ở nhóm cao nhất, tính riêng trên địa bàn Hà Nội - địa phương luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có số vụ tai nạn lao động nhiều nhất. Năm 2023, Hà Nội xảy ra 294 vụ tai nạn lao động, làm 300 người lao động bị nạn.

Các vụ tai nạn lao động chủ yếu vẫn là tai nạn ngã cao, vật rơi từ trên cao trong ngành xây dựng (chiếm 69,1%), sản xuất lắp ráp cơ khí (chiếm 23,8%), và các nguyên nhân khác (chiếm 15%)... Trong đó, số vụ ngã cao chiếm tỷ lệ lớn so với các vụ tai nạn lao động khác và thường gây hậu quả nghiêm trọng, số người chết cũng chiếm tỷ lệ cao nhất.

Hiện nay, có nhiều quy định về bảo đảm an toàn lao động tại các công trình xây dựng. Theo Điều 111, Luật Xây dựng năm 2014, khi thi công xây dựng công trình phải bảo đảm an toàn cho công trình xây dựng, người, thiết bị thi công, công trình ngầm và các công trình liền kề; có biện pháp cần thiết hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố gây mất an toàn trong quá trình thi công xây dựng.

Thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn riêng đối với những hạng mục công trình, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, phòng chống cháy, nổ. Điều 14, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng quy định: Chủ đầu tư có thể đình chỉ thi công đối với nhà thầu thi công khi xét thấy biện pháp thi công không bảo đảm an toàn, vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động, có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động...

Ngoài ra, Thông tư số 16/2021/TT-BXD ngày 20/12/2021 của Bộ Xây dựng cũng ban hành chi tiết quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng.

Ngoài các nguyên nhân phổ biến dẫn tới tai nạn lao động như gạch rơi, giẫm đinh, sụt hố... thì việc thiết bị máy móc không bảo đảm an toàn do lâu ngày không kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa cũng có nguy cơ gây tai nạn. Vì tính mạng con người là trên hết, cho nên trên công trường, từ giám đốc điều hành, chỉ huy trưởng, tư vấn giám sát, cán bộ kỹ thuật... đều phải được đào tạo, huấn luyện về công tác an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn.

Nhà thầu cần tuyệt đối tuân thủ quy định về trang bị phương tiện bảo hộ lao động cá nhân cho công nhân; trang bị và thông báo tới công nhân về nội dung của các biển báo nguy hiểm. Công nhân làm việc trên cao phải được kiểm tra sức khỏe phù hợp và được đào tạo đầy đủ về an toàn lao động...

Trước tình trạng một số vụ tai nạn lao động tại các công trình xảy ra tại nhiều địa phương, vừa qua, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 2033/BXD-GD ngày 14/5/2024 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc thực hiện một số nội dung như: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình đối với các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp và thực hiện giấy phép xây dựng; cương quyết dừng thi công xây dựng nếu phát hiện tại công trường xây dựng có nguy cơ gây mất an toàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định...

Bên cạnh đó, việc bảo đảm an toàn lao động tại các công trình xây dựng, ngoài những quy định bắt buộc của Nhà nước, cần sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp, nhà thầu trong việc tuân thủ các quy định và mạnh tay trong công tác an toàn.