Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đi qua huyện Lệ Thủy có tổng chiều dài gần 32km, có 908 hộ gia đình, cá nhân và 8 tổ chức bị ảnh hưởng, 691 ngôi mộ phải di dời. Ngoài ra, còn có nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bị ảnh hưởng, phải di dời.
Với sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị ở địa phương, đến ngày 15/9, huyện Lệ Thủy quyết định thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng và bàn giao gần như toàn bộ mặt bằng của dự án cho chủ đầu tư, chỉ còn 16 hộ cố tình trì hoãn, chưa chịu bàn giao mặt bằng với chiều dài còn lại 349m.
Kiên Giang: Cưỡng chế thu hồi đất để thi công cao tốc bắc-nam
Dù Ủy ban nhân dân huyện, Ban Giải phóng mặt bằng huyện Lệ Thủy đã nhiều lần rà soát về chính sách, nguồn gốc đất, giá đất, tài sản trên đất theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tối đa quyền lợi cho người dân nhưng các hộ dân này vẫn không đồng thuận, cố tình cản trở công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
Các cán bộ lãnh đạo, lực lượng chức năng của huyện Lệ Thủy và xã Phú Thủy đã nhiều lần đến tận nhà để gặp gỡ, trao đổi, giải thích, vận động các hộ dân đồng thuận, ủng hộ việc đền bù, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm quốc gia nhưng đều không nhận được sự hợp tác của các hộ dân này.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân huyện Lệ Thủy ban hành các quyết định thực hiện cưỡng chế 2 trường hợp đầu tiên ở xã Phú Thủy.
Phương tiện do Ban Cưỡng chế thu hồi đất huyện Lệ Thủy huy động phá dỡ nhà tạm của bà Nguyệt trên đất trồng cây hàng năm. |
Cụ thể, Ban Cưỡng chế thu hồi đất huyện Lệ Thủy huy động lực lượng, tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt, ông Hồ Đăng Ánh thường trú tại thôn Ngô Bắc, xã Phú Thủy đang sử dụng thửa đất số 39(10), tờ bản đồ số 41, địa chỉ thửa đất tại thôn Tam Hương, xã Phú Thủy, diện tích 485,7m2, mục đích sử dụng: đất bằng trồng cây hàng năm và thửa đất số 39(8), tờ bản đồ số 41, địa chỉ ở thôn Tam Hương, xã Phú Thủy, diện tích 2573,2m2; mục đích sử dụng: đất rừng sản xuất.
Nguyên nhân cưỡng chế là do bà Nguyễn Thị Nguyệt và ông Hồ Đăng Ánh không chấp hành các quyết định trước đó của Ủy ban nhân dân huyện Lệ Thủy liên quan đến thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng của dự án đường bộ cao tốc bắc-nam.
Bám sát quyết định cưỡng chế và phương án tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối của huyện Lệ Thủy, các lực lượng thực thi đã làm đúng, đầy đủ các yêu cầu, trình tự các bước tiến hành cưỡng chế đối với Nguyễn Thị Nguyệt và ông Hồ Đăng Ánh trước sự chứng kiến đông đảo người dân địa phương và phóng viên báo chí.
Nhân công do Ban Cưỡng chế thu hồi đất huyện Lệ Thủy huy động để thu hoạch nhanh diện tích rừng trồng của bà Nguyệt để giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc. |
Khu vực cưỡng chế là một thửa đất bằng trồng cây hàng năm và một thửa đất trồng rừng sản xuất nằm liền kề nhau. Tài sản và gỗ keo rừng trồng của các gia đình được lực lượng chức năng di chuyển ra khỏi khu vực cưỡng chế thu hồi đất.
Lực lượng công an Lệ Thủy thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực cưỡng chế, không để xảy ra vi phạm do cản trở, chống đối người thi hành công vụ.
Kết thúc cưỡng chế, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng Ban Cưỡng chế thu hồi đất huyện Lệ Thủy Nguyễn Hữu Hán đã ký bàn giao mặt bằng cho Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện để bàn cho chủ đầu tư dự án.
Theo ông Nguyễn Hữu Hán, sau khi cưỡng chế 2 hộ đầu tiên ngày hôm nay, huyện Lệ Thủy sẽ tiếp tục thực hiện cưỡng chế các trường hợp khác trong những ngày tới để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư dự án và đơn vị thi công.