Thay đổi để tạo sự hấp dẫn với công chúng
Những ngày cuối tháng 6 tại Hà Nội, sự kiện nhà hát Kịch Việt Nam và Viện Âm nhạc Australia ra mắt dự án dự án nhạc kịch “Alice in Wonderland” (Alice ở xứ sở diệu kỳ) và tổ chức tuyển chọn diễn viên được nhiều bạn trẻ quan tâm.
Thông báo từ Ban tổ chức, vở diễn sẽ có 31 nhân vật, bao gồm cả các vai quần chúng, do đó các bạn trẻ yêu nghệ thuật từ 14 tuổi trở lên, đang hoặc chưa là diễn viên đều có thể đăng ký tham gia casting. Đại diện Ban tổ chức, Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, đây là một chương trình có giá trị văn hóa, thẩm mỹ cho giới trẻ; là một sân chơi cho tất cả các bạn trẻ chuyên nghiệp và không chuyên phát huy năng lực của mình, miễn sao có lòng đam mê nghệ thuật và đáp ứng được yêu cầu của chương trình.
Được biết đây là dự án trọng điểm trong năm 2022 của nhà hát Kịch Việt Nam, đánh dấu chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của “anh cả đỏ” sân khấu kịch Việt Nam. Thay vì chọn một dự án kịch nói sở trường, nhà hát thử thách mình với thể loại nhạc kịch đang thịnh hành trên thế giới để hướng tới sự đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật, tạo sự hấp dẫn với công chúng.
Tuy nhiên ở thời điểm đó, không ít người băn khoăn, lo lắng vì một vở nhạc kịch quốc tế, với sự tham gia của nhiều diễn viên không chuyên liệu có khả thi? Nhất là thời điểm từ lúc casting đến khi công diễn chỉ hơn 2 tháng? Các ứng viên được tuyển chọn hầu hết chưa từng bước lên sân khấu lớn liệu có thể đảm nhận tốt các vai diễn của mình?
Một số hình ảnh của vở nhạc kịch “Alice in Wonderland”. |
Nhưng ê-kíp thực hiện dự án, bên cạnh những tên tuổi được nhiều người biết đến đó là: Chỉ đạo nghệ thuật là Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Xuân Bắc, Cố vấn nghệ thuật của dự án: Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Châu Anh và nghệ sĩ Nicholas Gentile (Viện Âm nhạc quốc gia Australia) thì những người còn lại hầu hết là các nghệ sĩ trẻ gồm: đạo diễn Lê Diệu My, Giám đốc âm nhạc Trần Quang Duy, Biên đạo: Samantha Cruz, Biên đạo: Lê Minh Anh, Stylist và thiết kế trang phục: Huyền Gin, Thiết kế sân khấu: Phùng Nam Thắng… Tuy nhiên tinh thần của các nghệ sĩ trong ekip thực hiện dự án đều tràn đầy quyết tâm và hứng khởi. Bởi họ thấy rằng sân khấu đã đến lúc cần sự thay đổi để tạo sự hấp dẫn, thu hút công chúng tìm đến, đặc biệt là giới trẻ. Do đó một dàn diễn viên trẻ, hầu hết đều không chuyên chẳng hề khiến cho họ e ngại, mà ngược lại, các nghệ sĩ tin vào khả năng sáng tạo, tiếp nhận kiến thức mới và tạo được bứt phá ở những nhân tố mới mẻ này. Chính các diễn viên được phát hiện từ trường học, văn phòng, công sở,… sẽ là nhân tố tiềm năng cần được chú trọng phát triển về mọi mặt: xã hội, văn hóa-nghệ thuật, khoa học,... để từ đó lan tỏa tình yêu nghệ thuật đến mọi đối tượng trong xã hội, góp phần định hướng giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ cho giới trẻ nói chung, cũng như phát huy năng lực nghệ thuật của bản thân.
Nghệ sĩ Nicholas Gentile - cố vấn nghệ thuật chia sẻ: "Nhiều người cứ nghĩ, cứ lo ngại rằng diễn viên nhạc kịch thì phải giỏi, giỏi cả 3 thể loại là: hát, múa, kịch nhưng điều này là không cần thiết. Chỉ cần diễn viên biết cách truyền tải giọng nói của mình như nhân vật, diễn xuất theo nhân vật đó như mình là vũ công là được. Tôi tự tin có thể đào tạo được diễn viên tham gia vở này thật tốt".
Cuộc phiêu lưu tràn đầy cảm xúc
Tối 3/11 khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội hầu như không còn chỗ trống. Ai cũng hào hứng chờ đến lúc tấm màn nhung được kéo lên. Họ muốn theo chân cô bé Alice vốn đã quá nổi tiếng trong cuốn tiểu thuyết “Alice in Wonderland” của nhà văn người Anh Charles Lutwidge Dodgson, nay hiện diện dưới phiên bản nhạc kịch, lần đầu đến Việt Nam. Họ nóng lòng muốn cùng Alice khám phá thế giới thần tiên, gặp gỡ những sinh vật kỳ lạ như: chú thỏ trắng luôn lo muộn giờ, bác sâu bướm huênh hoang, mèo Cheshire với nụ cười ngoác đến tận mang tai, những “ông hoàng tiệc trà” gồm: người bán mũ điên và thỏ rừng, những lá bài biết làm vườn, gặp Nữ hoàng Đỏ khắc nghiệt,… Điều đặc biệt hơn cả đó là tận mắt xem một vở nhạc kịch mà các diễn viên biểu diễn hoàn toàn bằng tiếng Anh, cùng với việc diễn xuất và thực hiện vũ đạo - một yêu cầu khó khăn với các diễn viên không chuyên.
Một số hình ảnh của vở nhạc kịch “Alice in Wonderland”. |
Thế nhưng các diễn viên đã chinh phục khán giả bằng sự nhập vai vô cùng chuyên nghiệp. Những khác biệt về ngôn ngữ cũng không gây khó khăn cho người xem. Âm nhạc, diễn xuất của các diễn viên, ngôn ngữ hình thể,… đã xóa đi mọi rào cản. Nhiều người thậm chí không cần theo dõi bảng điện tử chạy phụ đề tiếng Việt mà Ban tổ chức đã bố trí để khán giả tiện theo dõi mà vẫn cảm nhận được toàn bộ vẻ đẹp, sự hấp dẫn, sinh động của vở nhạc kịch. Các nghệ sĩ trẻ của Việt Nam và Australia đã có sự phối hợp ăn ý trên sân khấu để rồi sau một phân đoạn đều nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của khán giả. Vở diễn đã để lại trong lòng công chúng ấn tượng về một không gian giao lưu văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp, đa dạng, phong phú.
Vở nhạc kịch “Alice in Wonderland” diễn ra vào hai đêm 3 và 4/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.